ĐBQH TẠ THỊ YÊN: XUẤT HIỆN NHIỀU LOẠI HÌNH VẬN TẢI MỚI, CẦN CÓ SỰ QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỂ TRÁNH NHỮNG TIÊU CỰC

14/11/2023

Nhằm hoàn thiện dự án Luật Đường bộ, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu quan điểm: Trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước để tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực, như những tiêu cực của Nhà xe Thành Bưởi, đã được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây...

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: HUY ĐỘNG, XÃ HỘI HOÁ TỐI ĐA CÁC NGUỒN LỰC SẼ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG VIỆC THỰC HIỆN QUY HOẠCH HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG 10 NĂM TỚI

QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ KỊP THỜI THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ.

Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi).

Tuy nhiên, sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, bên cạnh việc phát huy ưu điểm, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế. Từ những lý do trên, việc xây dựng dự án Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, về cơ sở chính trị, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Việc xây dựng luật cũng hướng tới tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông theo Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đường bộ vào ngày 24/11/2023. Nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh về sự cần thiết phải ban hành Luật Đường bộ. Vì hiện nay, nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng là rất lớn và Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ để thúc đẩy việc huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng vận tải, phục vụ việc di chuyển của người dân và sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Ngoài ra, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có sự quản lý của Nhà nước để tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực, như những tiêu cực của Nhà xe Thành Bưởi, đã được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây. Với mong muốn Luật Đường bộ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay, đại biểu Tạ Thị Yên tham gia ý kiến vào 3 nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về khái niệm “kinh doanh vận tải” (khoản 6 Điều 61): Hiện nay, dự án Luật đang sử dụng hai tiêu chí “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” để xác định doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải.

Đại biểu Tạ Thị Yên nhận thấy, việc sử dụng hai tiêu chí này để phân biệt doanh nghiệp nào đang kinh doanh vận tải hay không là chưa phù hợp, bởi lẽ hai tiêu chí này không thể hiện bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải. Bản chất của vận tải là việc vận chuyển con người và hàng hóa giữa hai hoặc nhiều địa điểm. Do đó, bản chất của kinh doanh vận tải phải là việc một cá nhân, tổ chức vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các địa điểm vì mục đích lợi nhuận, không phải việc tổ chức đó có quyết định giá cước hay điều hành phương tiện, tài xế hay không.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Ngoài ra, cũng có một số Luật đã chia nhỏ một chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh thành từng công đoạn nhỏ để có thể quản lý một cách thuận tiện hơn. Tuy nhiên, những công đoạn được bóc tách ra đó phải là những công đoạn hoàn chỉnh. Ví dụ, Luật Dược đã bóc tách chuỗi giá trị kinh doanh dược ra thành các hoạt động kinh doanh dược và các cơ sở kinh doanh dược khác nhau: Kinh doanh thuốc, kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở xuất nhập khẩu thuốc. Đây là những công đoạn kinh doanh hoàn chỉnh, có đầu vào, đầu ra rõ ràng, có thể dễ dàng bóc tách để phục vụ mục đích quản lý.

Ngược lại, trong chuỗi giá trị kinh doanh vận tải, thì hai công việc “điều hành phương tiện, lái xe” và “quyết định giá cước vận tải” chỉ là những thao tác hỗ trợ trong quá trình kinh doanh vận tải, không phải là những công đoạn cơ bản, hoàn chỉnh. Do vậy, không thể coi đây là những công đoạn cơ bản để sử dụng làm tiêu chí xác định tổ chức nào đang kinh doanh vận tải được và nên đề xuất khoản 6 Điều 61 được sửa đổi như sau: “6. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô”.

Mọi loại hình kinh doanh vận tải đều phải theo hợp đồng

Thứ hai, về loại hình “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” (khoản 11 Điều 61), đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, việc có một loại hình gọi là “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng” trong các loại hình kinh doanh vận tải hành khách có thể sẽ gây hiểu lầm. Vì về cơ bản, mọi loại hình kinh doanh vận tải đều phải theo hợp đồng. Một hành khách bước lên xe buýt và mua vé, đó là một hình thức giao kết hợp đồng giữa nhà xe và hành khách đó. Một hành khách vẫy một chiếc taxi, lên xe và bảo tài xế di chuyển đến một địa điểm nhất định, đó cũng là một hình thức giao kết hợp đồng. Về bản chất, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực chất là một loại hình thuê phương tiện kèm tài xế theo chuyến hoặc theo thời gian (ví dụ như đi tỉnh trong ngày, đi sân bay, đi làm hàng ngày...).

Các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 6.

Trên thế giới, các quốc gia khác cũng gọi loại hình vận tải hành khách như thế này bằng tên gọi phù hợp như là “phương tiện cho thuê” ở Malaysia; hay “phương tiện cho thuê riêng” ở Singapore và ở Anh; hoặc “phương tiện cho thuê ngắn hạn” ở New York, Hoa Kỳ. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị loại hình kinh doanh vận tải hành khách này được gọi tên chính xác hơn là “kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện cho thuê riêng”. Ngoài ra, nhu cầu thuê xe kèm tài xế trên thị trường rất đa dạng.

Có trường hợp cả một cơ quan cần thuê xe để đi sự kiện hay đi dã ngoại, thì họ có thể thuê xe 16 chỗ hay xe 29 chỗ, nhưng cũng lại có những trường hợp một cá nhân cần thuê phương tiện để đi công tác ở tỉnh trong ngày, thì họ chỉ cần thuê phương tiện 4 chỗ hoặc 7 chỗ thôi là đủ. Việc quy định chỉ xe ô tô khách mới được cung cấp loại hình kinh doanh vận tải này như quy định tại khoản 11 Điều 61 là chưa bao quát hết nhu cầu của xã hội, làm giảm tính bao quát của quy phạm.

Vì vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị bỏ từ “khách” sau cụm từ “xe ô tô” để cho phép hành khách cũng được thuê xe ô tô dưới 10 chỗ, đảm bảo nhu cầu di chuyển của xã hội được đáp ứng một cách đầy đủ nhất. Ngoài ra, nên sửa quy định xe hợp đồng thành xe cho thuê riêng trong kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng vận tải hành khách (bằng văn bản giấy hoặc điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe).

Thứ ba, về vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự (Điều 71), đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, khoản 2 Điều 71 quy định chưa rõ ràng giữa các chủ thể trong mô hình cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm kết nối với hành khách. Có ba chủ thể khác nhau cùng tham gia giao dịch trong mô hình này, đó là:

Hành khách, tài xế trực tiếp thực hiện việc vận chuyển hành khách (có thể gọi nôm na là tài xế xe ôm), và doanh nghiệp cung cấp ứng dụng kết nối giữa hành khách và tài xế (hay còn được gọi là sàn giao dịch thương mại điện tử). Hay hành khách đăng ký nhu cầu di chuyển tới sàn, sàn chuyển yêu cầu đó tới tài xế xe ôm phù hợp nhất và tài xế xe ôm sẽ trực tiếp thực hiện việc vận chuyển hành khách.

Vai trò trong giao dịch, phương thức hoạt động của ba chủ thể này là rất khác nhau và không thể bắt chủ thể này thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ thể kia. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 71 lại đang bắt các tài xế xe ôm phải tuân thủ theo các nghĩa vụ đối với đối sàn giao dịch thương mại điện tử. Ví dụ, khoản này đang yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự thông qua phần mềm kết nối với hành khách phải ghi nhận yêu cầu vận tải của khách hàng và chuyển yêu cầu vận tải đến người lái xe đang tham gia trong phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối. Trong khi rõ ràng là sàn giao dịch thương mại điện tử, với bản chất là một tổ chức trung gian, mới là chủ thể phải ghi nhận yêu cầu của hành khách và chuyển yêu cầu đấy đến cho ông xe ôm. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất Điều 71 cần được rà soát, sửa đổi và chỉ để bao gồm các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các đối tượng trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách.

Tất cả mọi yêu cầu đối với chủ thể cung cấp ứng dụng kết nối vận tải nên được đưa xuống Điều 86 dự thảo Luật về Dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải để có một quy định tập trung đối với loại hình dịch vụ này./.

Bích Lan