PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH
XEM XÉT ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH TẠI PHIÊN HỌP THỨ 23 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Toàn cảnh phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cùng các lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo các hoạt động được thực hiện từ khi Ban soạn thảo được thành lập, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính Nguyễn Anh Trí cho biết, ngay sau phiên họp thứ nhất, Ban soạn thảo đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện kế hoạch, làm cơ sở để tổ chức các tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia liên quan đến vấn đề y khoa, vấn đề pháp lý phục vụ xây dựng dự án luật. Đặc biệt, qua làm việc với thành viên chủ chốt của cộng đồng người chuyển giới, Ban soạn thảo ghi nhận nhiều tâm tư nguyện vọng, kiến nghị đóng góp cho dự án Luật. Đến nay, Ban soạn thảo đã hoàn thiện một bước dự thảo Luật và Tờ trình.
Sau phiên họp lần thứ hai này, Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và dự kiến đến ngày 25/11/2023 sẽ đăng tải dự thảo Luật, dự thảo Tờ trình trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Trong tháng 12/2023, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Tổ chức It's T Time để tổ chức 3 tọa đàm tham vấn lấy ý kiến cộng đồng người chuyển giới ở 3 miền: miền Bắc tổ chức tại Hà Nội; miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng và miền Nam tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh.
GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí- Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính phát biểu khai mạc phiên họp.
Đề cập về sự cần thiết của việc ban hành Luật Chuyển đổi giới tính, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ quan điểm: “Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân".
Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”; “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên". Hiến chương Liên Hợp Quốc (1945) quy định các quyền cơ bản, phẩm chất và giá trị của con người là bình đẳng, không có bất kỳ sự phân biệtnào. Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người (UDHR, 1948) khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền và được bảo vệ về nhân phẩm (Điều 1). Công ước quốc tế về Quyền chính trị và dân sự 1966 (ICCPR) và Công ước quốc tế về Quyền văn hóa, xã hội và kinh tế 1966 (ICESCR) quy định các quốc gia thành viên LHQ phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử và kỳ thị nào, trong đó bao gồm yếu tố “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới”.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tỉnh đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được thông qua, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại châu Á hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính; thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội trong bảo vệ quyền của những người chuyển giới; đồng thời là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người, quyền của cộng đồng LGBT và quyền của người chuyển giới.
Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính để để xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2024.
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thống nhất đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính do GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật trình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 2 này, các đại biểu tham dự tiếp tục thảo luận đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật và Tờ trình. Theo đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tập trung làm rõ nội dung liên quan đến quyền của người chuyển giới, trong đó có quyền tư vấn, quyền can thiệp y tế và cả quyền của nhân thân của người chuyển giới; Làm rõ cơ chế xác định sự tự nguyện chuyển đổi giới tính cũng như thủ tục, thẩm quyền công nhận giới tính, giá trị giấy xác nhận giới tính. Bên cạnh đó, quy định rõ về Hội đồng xác định giới tính, chính sách Nhà nước về chuyển đổi giới tính. Đặc biệt bổ sung nội dung giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật liên quan khi Luật được ban hành...
GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí- Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính phát biểu kết luận phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính Nguyễn Anh Trí cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp ý kiến, đề xuất của các đại biểu tham dự Phiên họp và dự án Luật. Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu trong quá trình biên soạn, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)./.