ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: CẦN KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG VÀ BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN TIẾP CẬN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT, QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN

28/11/2023

Quốc hội vừa thảo luận dự án Luật Đường bộ. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật, quyền lợi chính đáng của nhân dân và an toàn giao thông đường bộ…

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT PHÁP LUẬT CẦN ĐƯỢC TIẾN HÀNH THƯỜNG XUYÊN

ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI THOA: KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH CHĂM SÓC, HỖ TRỢ TRẺ EM

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: MỘT SỐ ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI TRONG NỬA ĐẦU NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Mai Thoa

Phóng viên: Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi). Bà có đánh giá thế nào về dự thảo trình ra Kỳ họp thứ 6 này, đặc biệt là khi đối chiếu đồng thời với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Mai Thoa: Tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về những nội dung của dự thảo Luật đường bộ và ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. Tôi cho rằng, việc tách riêng Luật đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết.

Tôi nhận thấy cơ quan soạn thảo đã cố gắng để phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi nhận thấy còn một số quy định còn quy định đồng thời ở 2 luật, có thể gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi Luật. Ngoài ra, có quy định còn trùng lắp, kể cả trong 1 luật cũng còn có những nội dung được quy định lặp lại, nhất là các quy định về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, về quản lý hệ thống giao thông thông minh, về vận tải, vận chuyển hành khách, hàng hoá và một số quy định khác...

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và an toàn giao thông đường bộ

Phóng viên: Để giải quyết ổn thỏa những vướng mắc, trùng lắp nêu trên cũng như tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo nên có những điều chỉnh như thế nào, thưa bà?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Mai Thoa: Để giải quyết những vướng mắc như tôi vưa đề cập, tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm không trùng lặp, không bỏ sót, dễ áp dụng. Bên cạnh đó, tôi xin góp ý vào một số nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất là về việc sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ. Khoản 2, Điều 19 quy định: Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được pháp luật thừa nhận được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định. Trên thực tế, ngoài các tuyến đường mới xây dựng, quy hoạch có chỉ giới hành lang an toàn rõ ràng, dễ quản lý thì ở các tuyến đường đi qua khu vực dân cư cũ, ở hai bên đường là nơi ở, sản xuất và kinh doanh hợp pháp của nhiều người dân, đến tận sát mặt đường, người dân cũng thường xuyên có nhu cầu sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các công trình xây dựng. Việc bảo vệ hành lang an toàn đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều vi phạm xảy ra, có không ít khiếu kiện, tranh chấp trên những thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Việc tách riêng Luật đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết

Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, đồng thời, bảo vệ an toàn giao thông đường bộ, đề nghị dự thảo luật quy định rõ là người dân sử dụng đất được pháp luật thừa nhận trong hành lang an toàn đường bộ ngoài việc được phép tiếp tục sử dụng đất, còn được phép cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở và công trình xây dựng gắn liền với đất theo đúng mục đích đã được xác định và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông, không được che lấp hệ thống báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy trên đường và phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ.

Bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật

Thứ hai về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Điều 32, đề nghị bổ sung 1 khoản quy định nguyên tắc bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ ở mọi cấp độ đều cần bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật, phù hợp với điều 40 của Luật người khuyết tật là đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.

Cần chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt

Thứ ba là về hoạt động vận tải đường bộ quy định tại điều 61 của dự thảo Luật còn một số điểm quy định chưa hợp lý. Cụ thể là: Khoản 1 Điều 61 quy định khái niệm chung về đơn vị vận tải. Tôi cho rằng việc quy định khái niệm này là không cần thiết bởi lẽ luật này chỉ quy định riêng về vận tải đường bộ, không cần quy định chung về đơn vị vận tải. Kể cả khi khoản này quy định khái niệm đơn vị vận tải đường bộ và quy định như dự thảo là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để thực hiện vận tải đường bộ cũng không cần thiết vì khái niệm này khá rõ ràng, dễ hiểu.

Cần chính sách khuyến khích phát triển phương tiện giao thông công cộng

Khoản 9 Điều 61 bên cạnh việc định nghĩa kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt còn đưa ra các khái niệm cụ thể về tuyến xe buýt nội tỉnh, tuyến xe buýt liên tỉnh và tuyến xe buýt kết nối sân bay. Tôi cho rằng những khái niệm dự thảo luật đang quy định là không cần thiết bởi ai cũng có thể hiểu Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt có phạm vi hoạt động trên địa bàn của một tỉnh. Thay vào đó, cần quy định cụ thể hóa những chính sách ưu đãi, khuyến khích của nhà nước đối với việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.

Khoản 10 Điều 61 quy định việc Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, là loại hình kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô con để thực hiện vận tải theo yêu cầu của hành khách, phương thức tính tiền cước chuyến đi do hành khách lựa chọn. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, ví dụ phương thức tính tiền cước chuyến đi là do đơn vị vận tải lựa chọn, còn phương thức trả tiền cước mới do hành khách lựa chọn.

Nghiên cứu bổ sung quy định loại hình vận tải hành khách liên tỉnh theo yêu cầu

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa quy định một loại hình vận tải hành khách đang hoạt động khá phổ biến hiện nay, đó là vận tải hành khách liên tỉnh theo yêu cầu, không có hợp đồng, không có bến bãi, điểm đầu cuối mà đưa đón tận nhà, có thể là xe 5 chỗ, 7 chỗ, thậm chí là 16 chỗ; khách hàng không cần đặt chỗ qua phần mềm điện tử, chỉ cần gọi điện hẹn giờ. Phương thức này đang được hành khách rất ưa chuộng sử dụng ở nhiều địa phương nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Do vậy tôi đề nghị cần nghiên cứu để quy định.

Quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh là rất cần thiết

Thứ tư, về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô được quy định tại Điều 76 của dự thảo Luật. Tôi cho rằng, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ về hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập hoặc tham gia các hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết vì trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và thực tiễn đã xảy ra không ít các vụ tai nạn hết sức đáng tiếc liên quan đến việc đưa đón học sinh.

Tôi cũng đánh giá cao sự cố gắng của các Ban soạn thảo để cùng quy định về nội dung này ở cả Luật đường bộ và Luật bảo đảm an toàn giao thông đường bộ mà không trùng nhau. Tuy vậy, tôi nhận thấy, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động vận tải này đã được quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do vậy, trong luật này chỉ cần khẳng định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô  là một trong các loại hình vận tải hành khách để phải tuân thủ các quy định chung về vận tải hành khách. Các quy định còn lại có thể chuyển hết sang quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để thuận lợi cho người áp dụng.

Hiện nay, Điều 76 của dự thảo Luật không quy định nhiều nội dung nhưng còn dài, chủ yếu dẫn chiếu đến các điều khoản liên quan. Trong đó, một số quy định chưa hợp lý, ví dụ, việc quy định hoạt động đưa đón học sinh do nhà trường tổ chức là hoạt động vận tải nội bộ là chưa hợp lý, vì điều 61, khoản 13 của dự thảo Luật quy định: Hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô là hoạt động vận tải không kinh doanh để vận tải người, hàng hóa trên đường bộ, trong khi đó, các trường học đều phải thu tiền để tổ chức đưa đón học sinh và trong nhiều trường hợp rất khó để xác định đây có phải là hoạt động kinh doanh hay không.

Ngoài ra, tôi đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật, đối với trường hợp các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh thì người đứng ra tổ chức, hợp đồng và chịu trách nhiệm phải là các nhà trường, tránh tình trạng như ở một số nơi giao cho ban phụ huynh thực hiện việc này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương - Nghĩa Đức