ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: RÀ SOÁT, BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH NHẰM PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI LIỆU LƯU TRỮ TOÀN DIỆN

11/12/2023

Quốc hội vừa thảo luận về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ. Tán thành với sự cần thiết của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ toàn diện.

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: VÌ MỤC TIÊU ĐEM LẠI CUỘC SỐNG ẤM NO, BÌNH ĐẲNG CHO NHÂN DÂN

ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM KHI ĐÁNH GIÁ CÔNG TÂM, KHÁCH QUAN VỚI NHỮNG NGƯỜI GIỮ CHỨC VỤ

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) với nhiều điểm mới trong hoạt động lưu trữ. Quan điểm của bà thế nào về dự án Luật này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Tôi thấy rằng, dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội lần này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và dành 1 chương (Chương 6, từ Điều 44-52) đối với hoạt động lưu trữ tư nhằm tạo hành lang pháp lý để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội, một quốc gia lưu trữ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư tại Điều 45 về mặt tài chính; đồng thời bổ sung quy định các nội dung sau: thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng, mua bán tài liệu lưu trữ tư; thủ tục mang tài liệu của chủ sở hữu tài liệu ra nước ngoài; chế độ khen thưởng đối với chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư trong việc hiến tặng tài liệu lưu trữ cho Nhà nước, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ… để tạo cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật này cũng bổ sung “nghĩa vụ” và tách bạch giữa quy định quyền và nghĩa vụ trong Điều 46 cho rõ nội hàm hoặc chuyển khoản 1 và 5 trong điều 46 vào Điều 47 cho phù hợp. Mặt khác, bổ sung, làm rõ quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.

Cùng với đó, dự thảo Luật cần quy rõ phạm vi quy định trách nhiệm “thông báo và thực hiện quyền ưu tiên mua của Nhà nước đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt” ở khoản 2 điều 47 bằng việc bổ sung cụm từ “trong trường hợp tài liệu đó là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa” cho phù hợp với Điều 196 của Bộ luật Dân sự.  Đồng thời, cần chỉnh lý tương tự như trên ở khoản 2 Điều 51 của dự thảo Luật cho phù hợp (Khoản 2 Điều 51 của dự thảo Luật quy định: Nhà nước được ưu tiên mua tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật về tài chính).

Để hoàn chỉnh, tôi cho rằng, dự thảo Luật cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo theo hướng Lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ bởi một số tài liệu lưu trữ của tổ chức tôn giáo có nội dung có giá trị đối với công tác nghiên cứu và hoạt động quản lý nhà nước.

Tôi cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ phát huy giá trị tài liệu lưu trữ toàn diện như đã quy định ở khoản 2 Điều 36 (trong nội dung phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có các sự kiện tiêu biểu, dấu mốc quán trọng trong quá trình hình thành và phát triển của cac cơ quan, tổ chức thuộc các chế độ chính trị xã hội) và cũng phù hợp với Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã ban hành năm 2016.

Phóng viên: Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số cũng là nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật này, bà có góp ý gì không?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu: Tôi cho rằng, khi đã giải thích trong tài liệu điện tử có tài liệu số thì đề nghị điều chỉnh nhan đề của chương IV của dự thảo Luật cho gọn và thể hiện được tính bao hàm.

Tài liệu số là sản phẩm của chuyển đổi số ngành lưu trữ. Tôi cho rằng, cần tách riêng điều, khoản để làm rõ lộ trình, nguồn lực, cơ quan đầu mối quản lý và các điều kiện cần thiết khác để không chỉ nâng cấp hạ tầng hiện có mà còn thiết lập mới, vận hành, bảo trì, quản lý tài liệu lưu trữ số trong suốt quá trình hoạt động. Vì trong dự thảo luật này (cụ thể là ở khoản 1 Điều 61 của dự thảo Luật quy định “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”)  cần nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước.

Về cơ quan chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, tôi cho rằng, chỉ nên giao một cơ quan đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng Kho lưu trữ số dùng chung cho cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bảo đảm việc chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện trong việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi, chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương