LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI) CẦN NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG CHẬM, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

13/12/2023

Tại kỳ họp thứ 6, thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã rất trăn trở về sửa đổi quy định nhằm ngăn chặn triệt để hơn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong lần sửa đổi này rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI CẦN PHÂN ĐỊNH RÕ HÀNH VI CHẬM ĐÓNG VÀ TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN: CẦN BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI LÂU DÀI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội gia tăng

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 10.2023, số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 14.650 tỷ đồng, trong đó số tiền chậm đóng không có khả năng thu hồi là 4.164 tỷ đồng.

Tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội gia tăng (Ảnh minh hoạ)

Còn theo Báo cáo của Ủy ban Xã hội, tính đến hết năm 2022, tổng số tiền chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền lãi chậm đóng là gần 12,4 nghìn tỷ đồng gồm nợ gốc gần 8.561 tỷ đồng và lãi chậm đóng hơn 3.400 tỷ đồng. Trong đó, chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 97,2% tổng số tiền chậm đóng, nợ đóng tại gần 200.000 đơn vị, tương ứng với trên 2,6 triệu lao động bị ảnh hưởng. Một số liệu khác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2021 có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội thì sang năm 2022, con số này đã tăng lên hơn 31.800 đơn vị. Riêng trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài do tình hình khó khăn thì còn do nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, chưa thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Nhiều đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài nhưng không còn tài sản bảo đảm hoặc nguồn tài chính dẫn đến số tiền chậm đóng tồn tại, không thể giải quyết do pháp luật chưa có quy định. Đặc biệt, chế tài xử lý hành vi nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm, cần có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nếu không làm quyết liệt sẽ nguy cơ trở thành câu chuyện lớn về an sinh xã hội, đây thực sự là vấn đề rất trăn trở bởi chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế luôn hướng đến mục tiêu chăm lo, vì sự phát triển của con người; việc thực hiện và thụ hưởng các chính sách này đã được pháp luật quy định khá rõ ràng cả đối với người sử dụng và người lao động.

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài đối với doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Cần bổ sung nhiều giải pháp căn cơ hơn khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội

Để giải quyết tình trạng này, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này kỳ vọng sẽ đưa ra được giải pháp căn cơ, lâu dài. Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng, công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay có thể nói là đang khá bế tắc trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của dự thảo luật có 2 chủ thể có quyền và trách nhiệm khởi kiện đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đó là công đoàn thể hiện ở điểm c khoản 1 Điều 13 và cơ quan bảo hiểm xã hội thể hiện ở khoản 4 Điều 37. Ngoài việc khởi kiện về dân sự, dự thảo luật cũng quy định cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, nội dung này được thể hiện ở khoản 5 Điều 37. Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà quy định trên là chưa đầy đủ, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 37 theo hướng: “Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị, khởi tố theo quy định của pháp luật. Song song với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nếu không, việc khởi tố, khởi kiện theo quy định trên sẽ tiếp tục bế tắc như hiện nay”

Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, hiện biện pháp thực hiện cơ chế tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi nợ bảo hiểm xã hội nhằm vẫn chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, cùng với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Quốc hội cũng cần sớm nghiên cứu, sửa đổi đồng bộ các luật có liên quan đến việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Lao động, Luật Công đoàn và các bộ luật khác có liên quan, để nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định trên và quan trọng nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung khoản 5 Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chủ thể có quyền hoặc trách nhiệm kiến nghị, khởi tố và chỉnh sửa theo hướng: "Người sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền phát hiện dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm có trách nhiệm lập hồ sơ, kiến nghị, khởi tố theo quy định của pháp luật".

Theo các chuyên gia, với tình trạng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng đáng báo động như hiện nay, trong khi chờ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành, vấn đề tiên quyết vẫn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải "đồng hành" với ý thức tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thúc đẩy, đôn đốc việc thực hiện thu của cơ quan bảo hiểm xã hội đồng thời xử lý vấn đề nợ. Phải xem đây là vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp, giải quyết, ưu tiên bảo vệ người lao động bằng các chính sách, bằng các quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng Liên đoàn quyết tâm theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, theo hướng tìm chính sách đặc thù để giải quyết vì vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều lao động

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đây cũng là vấn đề Tổng Liên đoàn quyết tâm theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, theo hướng tìm chính sách đặc thù để giải quyết vì vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều lao động. Chắc chắn rằng, cùng với các giải pháp để thu hút, giữ người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, phải có giải pháp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Hải Yến