8 NHÓM CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

07/01/2024

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 29 của UBTVQH, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đó, tại Phiên họp mở rộng của Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đã nêu rõ 8 nhóm chính sách đặc thù trong thực hiện 3 CTMTQG được quy định tại Điều 4 của dự thảo, đề nghị Chính phủ xem xét, làm rõ một số nội dung để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP THỨ 29 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: KHẨN TRƯƠNG HOÀN CHỈNH HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CTMTQG

THẨM TRA HỒ SƠ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN CÁC CTMTQG

Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 29 của UBTVQH, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trước đó, tại Phiên họp mở rộng của Hội đồng Dân tộc thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đã nêu rõ 8 nhóm chính sách đặc thù trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Điều 4 của dự thảo, đề nghị Chính phủ xem xét, làm rõ một số nội dung để đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện. Theo đó, 8 nhóm chính sách đặc thù tập trung vào các nội dung sau:

Toàn cảnh Phiên họp của Hội đồng Dân tộc thẩm tra Hồ sơ dự thảo Nghị Quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

1. Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù: (i) Quốc hội quyết định phân bổ dự toán theo tổng kinh phí từng CTMTQG; (ii) Thủ tướng giao dự toán cho UBND cấp tỉnh theo tổng kinh phí từng CTMTQG; (iii) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán của từng CTMTQG chi tiết đến từng dự ấn thành phần.

Để cơ chế này thực sự có ý nghĩa về phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương về phân bổ vốn sự nghiệp trong các CTMTQG, Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung:

(a) Căn cứ để HĐND cấp tỉnh phân bổ chi tiết

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ được căn cứ để HĐND cấp tỉnh phân bổ chi tiết chi thường xuyên NSTW là gì. Nếu HĐND cấp tỉnh vẫn phải căn cứ vào các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thì dư địa để HĐND cấp tỉnh có thể thực sự linh hoạt trong phân bổ chi tiết chi thường xuyên là khá hạn chế, vì các quyết định này đã quy định rất chi tiết về định mức, hệ số phân bổ cho từng dự án, tiểu dự án, và lĩnh vực chi trong từng dự án và tiểu dự án đó.

Đề nghị bổ sung nội dung làm rõ, HĐND cấp tỉnh khi phân bổ chi tiết chi thường xuyên NSTW hàng năm thì có thể căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương (về đối tượng, địa bàn, nhu cầu, tập trung cho các hoạt động có hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc chung nhất là trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn) mà không nhất thiết phải tuân thủ theo các quy định chi tiết về tiêu chí phân bổ vốn trong các Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn áp dụng cho từng CTMQG.

b) Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên NSTW trung hạn

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận thấy, đây là một vướng mắc rất lớn trong cơ chế quản lý vốn sự nghiệp trong các CTMTQG, nhất là với các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Việc chỉ phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên hàng năm dẫn đến các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cũng chỉ được đề xuất, lập kế hoạch, phê duyệt và thực hiện hàng năm.

Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (theo Điều 21, Nghị định 27/2022/NĐ-CP), để có thể tạo ra các liên kết theo chuỗi giá trị thì cần nhiều thời gian để người sản xuất điều chỉnh các kỹ thuật canh tác, quản lý chất lượng, công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch… đáp ứng yêu cầu của chủ trì liên kết. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao là những cây trồng lâu năm, đòi hỏi phải trải qua một chu kỳ kiến thiết cơ bản, tối thiểu là 36 tháng. Việc chỉ phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên hàng năm dẫn đến nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có tiềm năng nhưng không thể thực hiện được. Do chi thường xuyên từ NSTW chỉ được giao hàng năm nên trong giai đoạn 2016-2020 và trước đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trong các CTMTQG tập trung vào các dự án ngắn hạn (mua trâu bò, mua máy móc/công cụ sản xuất, cung cấp cây giống và vật tư đầu vào thực hiện trong năm).

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, vướng mắc này là do Luật NSNN không quy định về phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên trung hạn. Nghị định 38/2023 sửa đổi bổ sung Nghị định 27/2022 đã tháo gỡ một phần vướng mắc này. Do vậy, cần bổ sung vào cơ chế này quy định về phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên NSTW trung hạn theo hướng tương tự như dự thảo về phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên NSTW hàng năm. Theo đó, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên NSTW trung hạn cho từng CTMTQG theo tổng nguồn đã được xác định; Thủ tướng Chính Phủ giao dự toán cho các địa phương theo từng Chương trình và tổng nguồn đã được xác định; HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ chi tiết đến các dự án thành phần và lĩnh vực chi.

Nghị quyết quy định về nội dung này vì Luật NSNN chưa quy định, trong khi đây là vướng mắc cơ bản đối với thực hiện các hoạt động của CTMTQG (nhất là các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất) trong thời gian hơn 12 tháng.

2. Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm (tại khoản 2)

Đa số các ý kiến đều tán thành với với điểm a khoản này, quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Và cho phép điều chuyển các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không có khả năng giải ngân để bổ sung vốn thực hiện các dự án khác trong cùng CTMTQG.

Đề xuất về cơ chế này có thể giải quyết được một số vướng mắc trong điều chỉnh dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư vốn được kéo dài thực hiện trong các năm tiếp theo. Cụ thể:

- Với chi thường xuyên: Do cơ chế giao chi thường xuyên NSTW cho các địa phương chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi nhưng không có cơ chế cho địa phương được thực hiện điêu chỉnh, dự toán kế hoạch. Khi cần điều chỉnh thì thủ tục kéo dài, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện. Do đó, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nếu không có cơ chế điều chỉnh phù hợp thì sẽ rất mất thời gian để thực hiện các thủ tục điều chỉnh phân bổ sang các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không có khả năng giải ngân.

- Với kế hoạch đầu tư vốn: kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 cho các CTMTQG được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian sang 2024 thì Luật Đầu tư công không có quy định phép điều chỉnh nguồn vốn được kéo dài. Do đó, cơ chế này sẽ giải quyết được thủ tục để địa phương quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian sang 2024 từ dự án đầu tư không có khả năng giải ngân vốn cho các dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025 thuộc cùng CTMTQG mà không vượt quá tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Để cơ chế này thực sự phát huy tác dụng, Hội đồng dân tộc đề nghị Chính phủ xem xét về một số nội dung sau:

Xác định rõ thế nào là dự án không có khả năng giải ngân: cũng cần xác định rõ trong những trường hợp nào thì một dự án thành phần có thể được xem là “không có khả năng giải ngân” để đảm bảo cơ chế đặc thù này được áp dụng một cách phù hợp. Cân nhắc quy định các trường hợp “không có khả năng giải ngân” có thể gồm: (i) dự án không còn cần thiết đối với đối tượng hưởng lợi; (ii) có thay đổi cơ bản về thiết kế dự án nên nội dung dự án không còn phù hợp hoặc cần thiết.

- Cân nhắc ghép vào cơ chế đặc thù như khoản 1, Điều 4: Khoản 1 và khoản 2, Điều 4 trong dự thảo Nghị quyết là cơ chế phân cấp cho địa phương được phân bổ chi tiết (khoản 1), và điều chỉnh chi tiết (khoản 2). Phó Chủ tịch Hội Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, về bản chất có thể ghép thành một cơ chế đặc thù phân cấp cho địa phương trong phân bổ chi tiết dự toán NSNN cho các dự án thành phần của CTMTQG, và điều chỉnh dự toán NSNN và kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án thành phần của CTMTQG. Do đó, ghép khoản 1 và khoản 2, Điều 4 thành một cơ chế đặc thù về phân bổ, giao dự toán, và điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn đầu tư để đảm bảo tính thống nhất của Nghị quyết.

Tại điểm b, một số ý kiến đề nghị phải có quy định rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện để khi Nghị quyết ban hành sẽ dễ thực hiện.

3. Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất (tại khoản 3)

Đa số ý kiến cho rằng, nội dung này sẽ tạo thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, linh hoạt hơn cho địa phương trong việc ban hành quy trình, trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển. Cơ chế này để bảo đảm linh hoạt giải quyết ở những địa phương chưa hoàn thành hoặc các địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khi phát sinh vấn đề mới.

Tuy nhiên trong Báo cáo đánh giá tác động, hiện đã có 44/52 tỉnh, Hội đồng Nhân dân đã hoàn thành nội dung này, chỉ còn 8 tỉnh chưa thực hiện. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Báo cáo đánh giá tác động cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của 44 tỉnh và 8 tỉnh còn lại chưa thực hiện được

Có ý kiến cho rằng, nội dung này nên giao cho Chính phủ quy định mẫu chung, áp dụng trên phạm vi toàn quốc, không nên mỗi tỉnh ban hành một mẫu riêng để thực hiện cùng một vấn đề trong CTMTQG.

4. Về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất

Có ý kiến cho rằng, tại điểm a, khoản 4 cần quy định rõ thế nào là nguyên tắc công khai minh bạch. Nếu quy định như dự thảo, sẽ rất khó thực hiện, không rõ ràng. Nếu không, Chính phủ cần dự thảo hướng dẫn chi tiết điều này, kèm theo hồ sơ để trình Quốc hội xem xét quyết định.

Có ý kiến cho rằng, tại điểm b, trong dự thảo không có nhiều khác biệt. Vì vậy, cần làm rõ trong báo cáo đánh giá tác động, dự thảo như hiện nay có tháo gỡ được những vướng mắc không.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tich Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự Phiên họp

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị một số điểm cần nghiên cứu bổ sung:

- Có cơ chế tạm ứng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX): Cần bổ sung vào khoản 4, Điều 4 quy định về tạm ứng vốn cho các chủ dự án PTSX nếu có yêu cầu tạm ứng; giá trị tạm ứng tối đa là 30% đối với các dự án hỗ trợ PTSX theo chuỗi giá trị và các hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Điều 23 và 24 của Nghị định 27/2022, tạm ứng tối đa 50% đối với các dự án hỗ trợ PTSX cộng đồng.

-  Cơ chế, thủ tục đặc thù thanh quyết toán vốn hỗ trợ PTSX: Một trong những vướng mắc nổi cộm trong thực hiện hỗ trợ PTSX từ giai đoạn 2016-2020 đến nay là sự phức tạp trong thủ tục thanh quyết toán cho các dự án hỗ trợ PTSX, nhất là với trường hợp các dự án hỗ trợ PTSX cộng đồng, do cộng đồng tự thực hiện, sử dụng nhiều đầu vào từ cộng đồng địa phương.

Do đó, đề nghị bổ sung vào khoản 4, Điều 4 thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ trọn gói đối với cộng đồng dân cư trong các dự án hỗ trợ PTSX cộng đồng. Theo đó, cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ hỗ trợ trọn gói cho tổ nhóm cộng đồng theo phương án sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt. Cơ quan quản lý hỗ trợ PTSX tạm ứng tối đa 50% tổng vốn của dự án. Cộng đồng tự thực hiện, tự giám sát với sự hỗ trợ kỹ thuật của các ban ngành liên quan tại địa phương. Kết thúc thời điểm thực hiện dự án, cơ quan quản lý hỗ trợ PTSX nghiệm thu và giải ngân nốt nguồn vốn còn lại dựa trên kết quả thực hiện.

5. Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo còn chưa cụ thể và khó thực hiện, còn nhiều điểm Chính phủ làm rõ, chi tiết ngay để có thể thực hiện được, cụ thể tại các điểm a, b, c, d quy định một số biện pháp quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, như: Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý sử dụng tài sản; tổ chức kiểm kê đánh giá, xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước; chủ dự án phát triển sản xuất nộp lại ngân sách nhà nước phần giá trị còn lại của tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước…Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ cách thức tổ chức thực hiện.

Do vậy, nội dung của Nghị quyết cần quy định chi tiết những vấn đề cần giải quyết trong cơ chế đặc thù, đảm bảo sau khi Nghị quyết được ban hành thì có thể triển khai ngay mà không phải chờ hướng dẫn cụ thể hóa của Chính phủ. Nếu quy định Chính phủ cần hướng dẫn chi tiết, đề nghị Chính phủ có dự thảo kèm theo hồ sơ để thẩm tra và trình Quốc hội quyết định.

Nhiều ý kiến đề nghị, không nên áp dụng cơ chế quản lý tài sản còn lại đối với các dự án hỗ trợ PTSX sử dụng vốn NSNN hỗ trợ phát triển sản xuất trong các CTMTQG. Vì thực tế các tài sản này có giá trị không lớn, mang mục đích, ý nghĩa cuối cùng là hỗ trợ cho người dân, hộ nghèo, vùng khó khăn. Vì vậy sau khi kết thúc dự án, các tài sản này nên bàn giao lại cho các chủ trì liên kết, cho cộng đồng, người dân sử dụng, quản lý. Nếu đặt vấn đề xác định giá, quản lý tài sản này sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn, nhất là cơ quan quản lý dự án là cấp huyện, xã vùng dân tộc thiểu số, khó khăn.

6. Về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội

Đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội tham dự Phiên họp

Đã số ý kiến đều thống nhất, thấy rằng, quy định ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội là phù hợp.

Tuy nhiên, về địa bàn, phạm vi áp dụng chính sách này đang có các ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị chính sách này chỉ quy định áp dụng cho địa bàn huyện nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng nông thôn được vay vốn ưu đãi. Nhưng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng đối với các địa phương khác cũng có hộ nghèo, người dân tộc thiểu số.

Thường trực Hội đồng Dân tộc cho rằng, nên mở rộng địa bàn, nhất là đối với các hộ mới thoát nghèo, xã mới hoàn thành chương trình Nông thôn mới, nhu cầu về vay ưu đãi vốn để phát triển sản xuất là rất lớn.

7. Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, vốn đầu tư công hàng năm đối vơi dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp

Về chủ trương, nhiều ý kiến đồng ý nhưng nội dung chưa được quy định cụ thể và đề nghị cần làm rõ: thế nào (i) Quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, (ii) Mức độ tham gia đóng góp của Nhân dân.

Có ý kiến cho rằng Nghị định 38 sửa đổi một số điều của Nghị định 27,  sửa đổi, bổ sung Điều 13. Như vậy, phạm vi dự án áp dụng cơ chế đặc thù hẹp hơn so với quy định của Nghị định 38, tức là không bao gồm dự án 100 % vốn ngân sách. Đồng thời để triển khai tốt chủ trương này cần quy định trách nhiệm hỗ trợ của cấp huyện trong thiết kế, tư vấn kỹ thuật, kinh phí quản lý cho cấp huyện (hoặc phần thuê ngoài) cho nội dung trên để bảo đảm hiệu quả thực hiện.

8. Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG

Có ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết: (1) nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn huyện thực hiện thí điểm để bảo đảm hiệu quả, tính khả thi của chính sách và tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương; (2) Quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện chỉ được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên trong từng CTMTQG. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có dự báo tình hình, khả năng thực hiện chính sách và cân nhắc quy định trên, vì theo Báo cáo đánh giá tác động chỉ có ba địa phương  đề xuất thực hiện cơ chế thí điểm.

Có ý kiến đề nghị làm rõ tính khả thi, tác động của việc phân cấp cho cấp huyện thẩm quyền điều chuyển vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án giữa các CTMTQG. Vì hiện nay việc thực hiện giao vốn trong từng Chương trình là thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách, các Nghị quyết của Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị quy định: cấp tỉnh lựa chọn 1 huyện tiến hành làm thí điểm để bảo đảm thống nhất; làm rõ thẩm quyền và nội dung phân cấp đối với cấp huyện (không giao Chính phủ qui định): nên thí điểm như thẩm quyền đối với Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các CTMTQG đối với các khoản kinh phí còn lại được phép điều chỉnh./.

Bích Ngọc