PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 8 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
Toàn cảnh Phiên họp
Cùng dự về phía các bộ ngành có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo các bộ ngành như Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Công an…; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía Quốc hội có: các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc; đại diện Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Khó khăn của 3 CTMTQG cần được nghiên cứu, giải quyết bằng những cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao, hôm nay, Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp toàn thể liên quan đến việc thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, do Chính phủ trình theo Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/1/2024.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc khẳng định, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
Tuy nhiên, việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định, đã được chỉ ra tương đối rõ nét qua nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội vừa qua, trong đó, có những vấn đề cần phải được nghiên cứu, giải quyết bằng những cơ chế đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, ngay sau khi Nghị quyết số 108 của Quốc hội được thông qua, Chính phủ, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên quan đã rất tích cực tổ chức triển khai thực hiện và đã xây dựng xong hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đầy đủ thành phần và đảm bảo tiến độ.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29, Chính phủ đã hoàn thiện thêm hồ sơ dự thảo Nghị quyết và hôm qua đã gửi Hội đồng Dân tộc để thẩm tra chính thức. Với vai trò là cơ quan chủ trì, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng Dân tộc, chiều qua (13/1), Hội đồng Dân tộc đã tổ chức Phiên họp thẩm tra chính thức với các cơ quan có liên quan và phát hành Báo cáo thẩm tra.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp toàn thể được tổ chức để các thành viên Hội đồng Dân tộc tiếp tục có thêm ý kiến trực tiếp đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, đồng thời để thống nhất với Báo cáo thẩm tra, phục vụ nội dung thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường của đại biểu Quốc hội vào ngày 16/01/2024.
Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát gợi ý thảo luận của chủ trì Phiên họp, phát biểu ngắn gọn, đi đúng trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các vấn đề trong hồ sơ dự thảo Nghị quyết và cùng thống nhất trong nội dung phát biểu tại thảo luận tổ và thảo luận Hội trường.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc
Sau khi nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày Báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Hội đồng Dân tộc tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến nội dung này.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tán tành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc cũng như nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.
Các đại biểu nêu rõ, dự thảo Nghị quyết cơ bản đã được Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra của Hội đồng dân tộc. Về thẩm quyền ban hành, dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo đúng quy định tại điểm b khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời phù hợp với thực tiễn, giúp tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua, nhất là qua giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 vừa qua, từ đó tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Tại Phiên họp, các ý kiến tập trung góp ý vào 8 cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện CTMTQG được quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết. Về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm được quy định tại khoản 1, các đại biểu cơ bản bản nhất trí quy định như dự thảo Nghị quyết do phù hợp với chủ trương chung về việc phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch, dự toán, nội dung chi. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc giao cho HĐND, UBND cấp tỉnh thông báo dự kiến vốn sự nghiệp ngân sách trung ương trong kế tiếp để địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện (nhất là đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất).
Còn tại điểm c, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn về trường hợp nào thì HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm được quy định tại khoản 2, có ý kiến đề nghị tại điểm c nên nghiên cứu, quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền phân bổ, điều chỉnh đối với cả 3 Chương trình MTQG trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tránh dàn trải, lãng phí (vì thực tế nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, không tập trung).
Đối với khoản 4, các ý kiến cơ bản nhất trí nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, quy định cụ thể hơn, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai sau này. Ví dụ quy định chủ dự án được quyền quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nội dung hỗ trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thế nào, phương thức thông qua đấu thầu hay chỉ định thầu…; về xác định giá; hóa đơn, chứng từ thanh toán; quy trình, thủ tục thực hiện...
Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại khoản 5, đa số thành viên của Hội đồng Dân tộc nhất trí theo Phương án 1 trong dự thảo: giao UBND tỉnh quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Liên quan đến ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội quy định tại khoản 6, các ý kiến nhận thấy, quy định như dự thảo là phù hợp nhằm tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi (mở rộng đối tượng cho vay), xác định rõ việc tăng tỷ lệ bổ sung vốn cho ngân hàng chính sách từ nguồn các khoản, mục dư vốn không thực hiện được từ các chương trình mục tiêu để tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.
Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại khoản 7, đa số các đại biểu nhất trí theo Phương án 2 trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Quy định như vậy đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động trong việc điều hành, quản lý các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và cũng làm cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030.
Cũng tại Phiên họp, sau khi nghe các đại biểu góp ý, thảo luận về hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp:
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan giới thiệu đại biệu tham dự Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Phiên họp toàn thể được tổ chức để các thành viên Hội đồng Dân tộc tiếp tục có thêm ý kiến trực tiếp đối với hồ sơ dự thảo Nghị quyết, đồng thời để thống nhất với Báo cáo thẩm tra, phục vụ nội dung thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường của đại biểu Quốc hội vào ngày 16/01/2024.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành trình bày Báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy đề nghị tại điểm c, khoản 1 cần quy định rõ hơn về trường hợp nào thì HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu góp ý tại Phiên họp
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn trao đổi về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nhận thấy, dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình đã điều chỉnh nhiều nội dung, tiếp thu ý kiến của UBTVQH và ý kiến của Hội đồng Dân tộc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh thống nhất bổ sung những quy định nội dung về vướng mắc của các địa phương để có cơ chế, thảo gỡ khó khăn của các địa phương.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân đánh giá cao Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG và nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.
Đại biểu Hồ Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị góp ý vào các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG được quy định tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Thổ Út - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai góp ý tại Phiên họp./.