ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ THỐNG NHẤT QUY ĐỊNH VỀ PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN HẰNG NĂM THỰC HIỆN GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

14/01/2024

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy trình rút gọn. Một trong những nội dung chính sách được Chính phủ trình Quốc hội là về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm nhằm thực hiện phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, đồng thời thống nhất quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên hằng năm thực hiện giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao và thông qua Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Nghị quyết của Quốc hội ghi nhận thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của Nhân dân, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước; đến nay công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội; kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn có những hạn chế như tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025. Ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí; việc dừng thực hiện các chính sách ưu tiên áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã gây khó khăn cho đời sống của một bộ phận người dân mới thoát nghèo, cận nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai chậm, còn lúng túng; một số chính sách, dự án chưa sát với thực tế nên chưa phát huy được hiệu quả, đời sống đồng bào chậm được cải thiện. Còn tình trạng cát cứ, phân tán, manh mún trong tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả; thu hút nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế....

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”

Trước những tồn tạn, hạn chế trên, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chỉ sau hơn 2 tháng sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã có Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Một trong những nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất là về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Cụ thể, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện phân cấp, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, đồng thời để thống nhất quy định về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên hằng năm thực hiện giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung cơ chế đặc thù bao gồm các quy định:

Một là, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Hai là, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba là, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Các quy định này nhằm thống nhất cơ chế đặc thù trong phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên hằng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo yêu cầu của Quốc hội tại các Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020, số 24/2021/QH15 và số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội.

Thực hiện hiên nay, tại các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm (như: Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023), Quốc hội quyết nghị phân bổ dự toán chi thường xuyên thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho các bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết chi thường xuyên theo dự án thành phần, lĩnh vực chi sự nghiệp.

Mặc dù việc giao chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết theo lĩnh vực chi sự nghiệp góp phần quản lý việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng lĩnh vực chi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, việc giao chi tiết này không tạo được sự chủ động, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong phân bổ, sử dụng nguồn lực theo điều kiện thực tiễn của địa phương; các địa phương không được chủ động, linh hoạt điều chỉnh từ nội dung chi không còn đối tượng chi, không có khả năng giải ngân được vốn để tập trung vốn cho những nội dung có đối tượng hoặc các dự án đang có hiệu quả cao nhưng thiếu nguồn lực. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 23%.

Trước thực trạng đó, các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương kiến nghị Trung ương giao dự toán chi ngân sách trung ương cho các địa phương theo từng chương trình; phân cấp cho địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Có thể thấy, việc Quốc hội quyết định phân bổ, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên cho các địa phương theo tổng số từng chương trình và phân cấp cho cấp tỉnh quyết định việc phân bổ, giao dự toán chi tiết đến dự án thành phần là cơ chế đã có tiền lệ áp dụng trong các giai đoạn trước và được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Quốc hội). Qua ghi nhận báo cáo của các địa phương, cơ chế giao này đã tạo sự chủ động cho địa phương trong phân bổ, sử dụng và lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Do vậy, nếu áp dụng cơ chế này cho cả 02 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại sẽ góp phần kịp thời tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn sự nghiệp như tình hình thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2023 vừa qua. Đồng thời, việc phân cấp cho cấp tỉnh quyết định chi tiết việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cũng là giải pháp giúp các địa phương có thể thực hiện được cơ chế lồng ghép nguồn vốn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 25/2021/QH15, hạn chế được tình trạng dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn sự nghiệp của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, việc Trung ương giao tổng số; giao địa phương quyết định chi tiết phân bổ, sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát của các bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần đối với kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần này; ảnh hưởng đến việc đảm bảo kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của một số dự án thành phần này.

Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần cần kịp thời ban hành văn bản để hướng dẫn các địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án, tiểu dự án thành phần ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán./.

Bảo Yến

Các bài viết khác