THẢO LUẬN TỔ 08: THIẾT KẾ CÁC CƠ CHẾ MỞ, LINH HOẠT ĐỂ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/01, thảo luận tại Tổ 08 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố Cần Thơ, Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết về ban hành nghị quyết Quốc hội xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đề nghị thiết kế các chính sách một cách chặt chẽ nhưng phải mở và linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thảo luận tại Tổ 08 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố Cần Thơ, Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định 

Phát biểu tại tổ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến bày tỏ vui mừng và phấn khởi khi tất cả những nội dung vướng mắc ở địa phương đã được Quốc hội quan tâm giám sát. Sau khi giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tổ chức thực hiện và giao cho Chính phủ dự thảo các nội dung liên quan đến các cơ chế đặc thù này. Do đó, cần phải hoàn thiện hơn để khi ban hành nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức thực hiện được sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn từ thực tế.

Góp ý về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến nêu rõ, dự thảo nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán thường xuyên, chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến từng dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến phát biểu

Theo đại biểu, quy định này của dự thảo Nghị quyết sẽ rất khó thực hiện bởi chưa quy định trường hợp cần thiết là trường hợp nào, xác định thể nào là cần thiết và khi nào không cần thiết. Do đó, đại biểu đề nghị để tháo gỡ triệt để, dễ tổ chức thực hiện, khi ban hành Nghị quyết các địa phương có thể tổ chức thực hiện được ngay thì cần phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án án thành phần về việc điều chỉnh các dự án thành phần.

Đại biểu cho biết thêm nếu chờ Hội đồng dân tỉnh họp quyết định sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và tổ chức thực hiện. Bởi quy trình để Hội đồng dân tỉnh quyết định điều chỉnh phức tạp. Nếu phải điều chỉnh như quy trình thì chủ đầu tư sẽ phải báo cáo, tổng hợp những vấn đề cần phải điều chỉnh. Phòng Tài chính cấp huyện thẩm định; báo cáo Ủy ban nhân dân huyện; báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy về mặt chủ trương; tổng hợp trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện; gửi các cơ quan chuyên môn của tỉnh liên quan đến nội dung tổ chức thực hiện;  báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục tiến hành các quy trình để trình Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tổ chức họp để xem xét quyết định.

Nêu rõ quy trình rất phức tạp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biện đề nghị giao cho Hội đồng nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần và việc điều chỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước giao tổng số, kiểm soát đầu ra và tăng cường giám sát thực hiện. Có như vậy mới có thể tổ chức được và tháo gỡ được trên thực tế, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ đề nghị nên quy định mở rộng, điều chỉnh trong kinh phí được giao thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đảm bảo tính chủ động cho các địa phương để thực hiện.

Bày tỏ cơ bản thống nhất với các nội dung trong Tờ trình về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn nêu rõ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân thì cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đại biểu cho biết 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, đến nay đã bước sang năm 2024 thì chỉ còn hai năm nữa là kết thúc giai đoạn này để đánh giá và tiếp tục có chính sách cho giai đoạn sau.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn phát biểu

Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn, nhiều cơ chế đặc thù được xác định thực hiện trong năm 2024 như là cơ chế về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân trong các năm trước. Vấn đề đặt ra là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong cả giai đoạn và kết thúc vào năm 2025, nhưng cơ chế về dự toán ngân sách và điều chỉnh dự toán ngân sách thì chỉ quy định cụ thể thực hiện trong năm 2024, khi đó một số hạng mục, một số khoản chi chưa thanh quyết toán xong thì liệu có cho phép chuyển nguồn và điều chỉnh dự toán không?

Từ phân tích trên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn cho rằng nên có một quy định mở, một cơ chế linh hoạt trong dự toán ngân sách và thanh quyết toán ngân sách nhà nước trong cả giai đoạn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để vừa đảm bảo chặt chẽ vừa có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng đề nghị thiết kế cơ chế nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án để phát triển sản xuất, cho người dân, cho cộng đồng, cho hộ gia đình đồng thời có cơ chế giám sát quá trình thực hiện sử dụng nguồn vốn nhà nước đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tránh lợi ích nhóm. Khi cộng đồng dân cư, hộ gia đình thực hiện các dự án hỗ trợ này để phát triển sản xuất có hình thành tài sản từ nguồn vốn hỗ trợ nhà nước được quyền sở hữu các tài sản hình thành từ dự án.

Bên cạnh đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn cũng cho rằng đầu tư các chương trình phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, ở miền núi, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững mục đích cuối cùng đều hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả vật chất, cả tinh thần. Nhưng hiện nay còn có tư tưởng người dân là chưa yên tâm khi thoát khỏi hộ nghèo bởi khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn đa chiều mới còn rất mong manh. Do đó, nếu không có tiếp tục có sự hỗ trợ thì khả năng tái nghèo trở lại vẫn hiển hiện và có thể xảy ra. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn đề nghị cần có thêm chính sách về việc tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ về an sinh đối với những hộ mà nghèo trong giai đoạn đầu mới thoát nghèo như hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ về học phí đối với con em của họ trong độ tuổi còn đi học và các chính sách an sinh xã hội khác trong thời gian có thể là từ 3 đến 5 năm.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại Tổ 08:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm điều hành phiên thảo luận Tổ

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ phát biểu

Các đại biểu Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác