ĐỀ XUẤT TĂNG THÊM SỐ HUYỆN ĐỂ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều ĐBQH đề xuất tăng thêm số huyện để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện. Bởi vì có nhiều vướng mắc trong cơ chế vận hành, quản lý vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia cần được tháo gỡ ngay cho cấp huyện...

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn hạn chế, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm. Những khó khăn trong việc chậm giải ngân vốn ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được Quốc cho ý kiến tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 khi đề cập dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra vào chiều 16/01. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH là về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá nêu quan điểm: Đây là một nội dung rất quan trọng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phân cấp, phân quyền cấp huyện là cấp chỉ đạo thực hiện các dự án, nội dung chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện khá tốt trong chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặt khác, việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là điều kiện thuận lợi để phân cấp cho huyện quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về phân cấp, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị chọn phương án 2, bởi vì phương án này sẽ áp dụng ngay cơ chế đặc thù cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong năm 2024, năm 2025 trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phương án 1 chưa áp dụng cho giai đoạn này mà áp dụng cho giai đoạn 2026-2030. Trong khi đó, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030 dự kiến đến cuối năm 2025 Quốc hội mới bàn và quyết định chủ trương. Hơn nữa, Nghị quyết của Quốc hội đang bàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để các địa phương chủ động điều chỉnh vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, điều chỉnh từ vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư. Nếu thực hiện được như vậy thì việc giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia mới có thể đảm bảo được mục tiêu đề ra.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá.

Ở phương án 2 quy định căn cứ vào điều kiện thực tiễn để lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên mạnh dạn tăng thêm số huyện để thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia, bởi vì có nhiều vướng mắc trong cơ chế vận hành, quản lý vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia cần được tháo gỡ ngay cho cấp huyện. Hơn nữa, nếu mỗi địa phương chỉ chọn một huyện thực hiện thí điểm thì sẽ chưa đảm bảo tính đại diện, sẽ khó khăn cho việc xem xét, tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách sau này.

Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ, dự toán chi tiết đến từng dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện. Như vậy, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào cần thiết và khi nào mà không cần thiết. Đại biểu đề nghị nội dung này phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần vì việc điều chỉnh các dự án thành phần thường xuyên, nếu chờ Hội đồng nhân dân tỉnh họp thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và triển khai dự án, triển khai giải ngân vì quy trình, thủ tục trình từ chủ dự án lên huyện, lên tỉnh rất phức tạp.

Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đưa ra quan điểm về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh.

Thực tế hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 38 ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27 ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, ta đã giao chi tiết cơ cấu, nguồn vốn, mức vốn cho các đơn vị và các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của cán bộ cấp huyện của một số tỉnh trong việc nghiên cứu, phê duyệt cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hạn chế, chưa có sự bao quát tổng thể để đảm bảo mục tiêu chung của chương trình. Do vậy, việc quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo. Nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội xem xét, đánh giá, phân tích tương đối kỹ lưỡng, đồng thời tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung của Nghị quyết.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đa số các ĐBQH lựa chọn phương án 2 và đề nghị giao cho tỉnh lựa chọn theo yêu cầu thực tế để làm cơ sở chúng ta tổng kết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kiến nghị của Đoàn giám sát về các vướng mắc, khó khăn để ban hành theo thẩm quyền hoặc tiếp tục đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những văn bản để tháo gỡ khó khăn một cách triệt để hơn những vấn đề còn thiếu hoặc còn vướng mắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nhận thức là cả một quá trình, giải quyết mâu thuẫn từ thực tế cũng phải liên tục mới đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các cơ chế đặc thù đều nhằm để tạo sự phát triển trong các giai đoạn nhất định mà khác luật. Cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật và khi Chính phủ, Quốc hội muốn làm việc gì cũng phải đúng theo thẩm quyền. Có những việc cũng phải báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không thể quy định một cách chung chung là được cho phép áp dụng thuận lợi nhất cho mình, như thế rất khó trong tổ chức thực hiện pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương giao Tổng Thư ký Quốc hội nhanh chóng có báo cáo tổng hợp. Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết bảo đảm cho ngày 18/01 Quốc hội biểu quyết thông qua./.

Bích Lan

Các bài viết khác