CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THÁI BÌNH

20/01/2024

Sáng 20/1, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã về thăm, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021 - 2023), định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ THĂM, TẶNG QUÀ CÔNG NHÂN, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH TẠI TỈNH THÁI BÌNH

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ LỄ CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÀNH LẬP THỊ XÃ VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG

Cùng dự cuộc làm việc, về phía Đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo một số Bộ, ngành. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: Lâm Hiển

Về phía tỉnh Thái Bình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ngô Đông Hải cùng Ban Thường vụ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt. 

Xây dựng Thái Bình thành tỉnh phát triển ở đồng bằng Sông Hồng

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.546 km2, cách thủ đô Hà Nội 110 km, Hải Phòng 70 km, với bờ biển dài 52 km. Đơn vị hành chính có 8 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, 260 xã, phường, thị trấn. Dân số gần 1,9 triệu người, mật độ dân số khoảng 1.200 người/km2, trong đó, hơn 80% dân số ở khu vực nông thôn. 

Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã được quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, cụ thể với quyết tâm cao độ và sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, kiên trì của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh ủy đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội phù hợp với tình hình thực tiễn để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; tổ chức triển khai bài bản, đồng bộ, toàn diện, thường xuyên, có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, đặc thù của tỉnh và các địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt, linh hoạt; chủ động triển khai đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, khơi thông nguồn lực và các nhiệm vụ, giải pháp mang tính toàn diện, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, có lộ trình, bước đi vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng định hướng của Trung ương và phát huy tính năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

Kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển khá nhanh và toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt, có nhiều sáng tạo. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành và đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất hơn.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế; tập trung thực hiện tốt việc chăm lo cho các đối tượng gia đình người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thu hút đầu tư được đổi mới toàn diện; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Cùng với những kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển của tỉnh như: chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý liền kề với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Hồng và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng; chưa có định hướng rõ nét về phát triển kinh tế biển; chưa phát huy được đúng mức tiềm năng dân cư và con người, còn hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn lao động lành nghề.

Cùng với đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất chưa đạt yêu cầu; ngành nông nghiệp còn chuyển biến chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều. Sản xuất công nghiệp chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn; đa số vẫn là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là gia công và sản xuất sản phẩm thông thường, chậm đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất; chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp đạt trình độ quốc gia và khu vực.

Sớm triển khai quán triệt, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi)

Năm 2024 và đến hết nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh xác định mục tiêu trọng tâm là: tiếp tục đẩy mạnh phát triển trên cơ sở kiên trì mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra; phát huy các thành quả đã đạt được, tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhất là thực hiện quyết liệt, có kết quả rõ nét 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá phát triển; giải quyết dứt điểm các hạn chế, yếu kém, các điểm nghẽn, vướng mắc; nâng cao chất lượng toàn diện và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tỉnh; khơi thông các nguồn lực, thu hút mạnh mẽ, hiệu quả các nguồn đầu tư; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng; quan tâm toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, tính chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cũng mong muốn sớm triển khai quán triệt, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm để các địa phương thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024-2025 và những năm tiếp theo.

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết quy định về lấn biển, tạo điều kiện cho các địa phương ven biển mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá với tầm nhìn dài hạn và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Quan tâm chỉ đạo bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ cho các địa phương bị giảm thu lớn vì nguyên nhân khách quan là các chính sách miễn giảm thuế do Trung ương ban hành; có cơ chế đặc thù để hỗ trợ một phần nguồn thu thuế xuất nhập khẩu tại Khu Kinh tế Thái Bình cho tỉnh để tái đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Thái Bình và thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các địa phương nơi địa bàn có Khu kinh tế.

Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ thêm cho tỉnh Thái Bình từ nguồn ngân sách Trung ương (ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; các tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế; đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành; cao tốc CT.08...

Các đại biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

* Trước đó, sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại Quảng trường Thái Bình bên sông Trà Lý, thành phố Thái Bình.

Sinh thời, Bác Hồ đã có 5 lần về thăm Thái Bình, trong lần cuối về thăm (tháng 1/1967), Người mong "đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam là công trình mang ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, ghi dấu tình cảm của Bác Hồ đối với nông dân Thái Bình nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung, thể hiện lòng kính yêu, tưởng nhớ của nông dân Thái Bình, nông dân Việt Nam đối với Người.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)