ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

17/02/2024

Theo quy định của phát luật hiện hành, Hội đồng nhân dân các cấp có nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới ban hành. Đây là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đảm bảo đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước được triển khai kịp thời, nghiêm túc tại địa phương.

GÓC NHÌN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trong những năm gần đây, chất lượng, hiệu quả công tác của Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao. Trong đó, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân ngày càng quan tâm thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở địa phương.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng nhân dân

Từ hoạt động thực tiễn tại địa phương, Ths. Lê Thị Thu Hồng - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật được xác định là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện, luôn được nêu rõ trong chương trình giám sát hằng năm của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh. Trên cơ sở quy định của pháp luật, Quy chế làm việc và chương trình công tác hằng năm, từng thành viên Thường trực HĐND, thành viên các ban (trực tiếp là trưởng ban, phó trưởng ban chuyên trách) và bộ phận giúp việc chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực được giao phụ trách.

Ths. Lê Thị Thu Hồng cũng cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng và cũng đạt được một số kết quả khá tích cực trong giám sát văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này còn không ít bất cập, hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Những hạn chế trong giám sát văn bản quy phạm pháp luật thể hiện qua những vấn đề cơ bản sau: (1) Việc theo dõi, phát hiện, đánh giá tính kịp thời trong ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; (2) Hạn chế trong việc phân tích, đối chiếu chính sách để đánh giá sự phù hợp về nội dung văn bản của UBND tỉnh với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, cũng như đánh giá yếu tố hợp lý, khả thi của chính sách so với thực tế địa phương; (3) Biện pháp xử lý khi phát hiện văn bản có dấu hiệu vi phạm chưa thật sự quyết liệt, triệt để, nhất là trong kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham mưu xây dựng và ban hành văn bản.

Hội thảo “Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân”

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, trong các hình thức giám sát thì giám sát văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn là khâu yếu so với các hình thức giám sát khác, vì đây là việc rất khó. Thực tiễn cho thấy, giám sát văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, nguồn nhân lực, thời gian và trí tuệ mới có thể thực hiện được.

Việc phát hiện văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với quy định Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết thì chủ yếu phải thông qua giám sát thi hành tổ chức thực hiện pháp luật, giám sát việc tuân thủ, chấp hành và áp dụng pháp luật của các cơ quan hữu quan. Thực tế áp dụng và thực thi pháp luật, một số văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp, vẫn còn xảy ra tình trạng văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành được phát hiện có sự mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lắp, không thống nhất, đồng bộ, khả thi nhưng chưa được kịp thời giám sát, xử lý. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật mới chủ yếu tập trung vào tiến độ ban hành, số lượng văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn thi hành mà chưa đi sâu vào nội dung cụ thể của từng văn bản để phát hiện dấu hiệu không phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn để xem xét, xử lý.

 TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Theo TS. Nguyễn Đình Quyền, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân chưa tổ chức các phiên họp để xem xét một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên theo trình tự, thủ tục của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đối với từng chủ thể và kỹ năng giám sát văn bản hiện nay cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: tần suất giám sát văn bản thấp; một số văn bản pháp quy qua thực hiện có quy định chưa phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội còn ít được phát hiện; kiến nghị của các cơ quan thông qua giám sát văn bản còn chung chung, chưa khẳng định rõ tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, phù hợp, khả thi… của các văn bản thuộc phạm vi giám sát. Cách thức tiến hành chưa chủ động, chủ yếu dựa trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện của các cơ quan hữu quan, thiếu các thông tin đa chiều mang tính phản biện để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, chính xác. Hiện nay, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật thường thiên về việc đôn đốc số lượng văn bản, thời hạn ban hành mà chưa quan tâm nhiều đến nội dung của các văn bản được giám sát.

Điều đáng lưu ý, giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được liên kết, phối hợp chặt chẽ với các phương thức giám sát khác như: giám sát chuyên đề, chất vấn, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị… để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong ban hành chính sách, pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Quyền kiến nghị, việc phát hiện văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp hoặc trái với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết chủ yếu phải thông qua giám sát hoạt động, giám sát việc thực thi và áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giám sát khiếu nại, tổ cáo của người dân, doanh nghiệp và giám sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án cụ thể thì mới có điều kiện để phát hiện, xử lý, tăng cường hiệu lực, hiệu quả…. Cần bảo đảm tính minh bạch, công khai, tuân thủ pháp luật và kiểm soát quyền lực trong quá trình ban hành các văn bản pháp quy có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp ở địa phương, thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân; xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền giám sát và các cơ quan là đối tượng chịu sự giám sát; Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân phải coi hiệu quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thiện nhiệm vụ./.

Lê Anh

Các bài viết khác