ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG KỊP THỜI HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI TRIỂN KHAI TRONG THỰC TIỄN

21/02/2024

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, những kiến nghị của cử tr về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương đều được Đoàn gửi đến Quốc hội, Chính phủ, để kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai trong thực tiễn...

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KIÊN GIANG SẼ GIÁM SÁT NHIỀU CHUYÊN ĐỀ QUAN TRỌNG TRONG NĂM 2024

KIÊN GIANG: TỔ CHỨC KỲ HỌP CUỐI NĂM 2023 VỚI 19 NGHỊ QUYẾT THÔNG QUA

Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH và ĐBQH tỉnh Kiên Giang đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và cử tri, triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước; có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động để hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra từ đầu năm. Kết quả cụ thể từng mặt hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH được thể hiện qua một số công tác trọng tâm.

Đề cập về công tác lập pháp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, trước kỳ họp, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2023, tại điạ phương, Đoàn ĐBQH đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành, các cá nhân có chuyên môn am hiểu sâu về nhiều lĩnh vực, những người có hoạt động thực tiễn đối với 15 dự án Luật. Đoàn đã tham gia với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 cuộc hội thảo đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); lấy ý kiến bằng văn bản 05 luật, 06 cuộc làm việc với các Sở, ngành để lấy ý kiế 06 dự thảo luật và 01 Nghị quyết. Các ý kiến đóng góp đã được Đoàn ĐBQH tổng hợp, gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cung cấp thông tin cho các đại biểu trong Đoàn nghiên cứu và tham gia phát biểu.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé làm việc tại UBND huyện Tân Hiệp về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Tại các kỳ họp của Quốc hội (Kỳ họp bất thường lần thứ 2, 3,4; Kỳ họp lần thứ 5,6), các ĐBQH trong Đoàn đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu các dự án luật do Quốc hội gửi đến, đồng thời thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri. Các vị đại biểu đã dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, cùng với  sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường đối với các dự án luật dự kiến thông qua và cho ý kiến lần đầu.

Cụ thể tại phiên thảo luận tổ có 9/9 đại biểu trong Đoàn phát biểu với 45 lượt ý kiến; tại phiên thảo luận tại hội trường có 5/9 đại biểu phát biểu 16 lượt ý kiến; có 2 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Ngoài ra, do thời lượng thảo luận trực tiếp tại hội trường có hạn nên nhiều nội dung ĐBQH trong Đoàn đã đăng ký nhưng không phát biểu được mà phải gửi lại nội dung dự kiến phát biểu cho Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp.

Các ĐBQH còn tham gia đóng góp cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật để làm cơ sở cho Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 năm sau. Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản, tài liệu, ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH tại các kỳ họp, sự tư vấn của các chuyên gia, các ĐBQH trong Đoàn đã tham gia biểu quyết thông qua 16 dự án luật và 33 Nghị quyết góp phần hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Quốc hội.

Kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình giám sát các chuyên đề

Đối với công tác giám sát: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho biết, trước kỳ họp, công tác giám sát tiếp tục được Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm nâng cao về chất lượng, nhất là giám sát chuyên đề, trên cơ sở Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 6/6/2022 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15 ngày 4/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức xong 03 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. 

Qua 3 cuộc giám sát, Đoàn đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đưa ra các giải pháp kiến nghị xác đáng, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Cụ thể là Đoàn đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc thực hiện pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tổ chức giám sát tại các huyện An Minh, U Minh Thượng.

Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng xử lý các nội dung, chi phí phát sinh theo thẩm quyền nhằm hoàn tất hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; tăng cường công tác tuyên tuyền cho việc thực hiện chương trình sách giáo khoa mới nhằm tạo sự đồng thuận giữa các cấp các ngành và trong xã hội; sớm có giải pháp hiệu quả để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quản lý rác thải đối với tấm pin năng lượng mặt trời; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các công trình điện….

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định: Hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao nhận thức trong quá trình thực thi pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội và củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội, được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ngoài ra, các ĐBQH chuyên trách đã tích cực tham gia 10 Đoàn giám sát, khảo sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên (Trong đó, Lãnh đạo Đoàn đã tham gia 3 cuộc;  ĐBQH chuyên trách ở Trung ương tham 7 cuộc) để nắm bắt những vấn đề vướng mắc về chủ trương, chính sách, kịp thời kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”. Hầu hết các đại biểu trong Đoàn đã tích cực nghiên cứu, tập trung tham gia thảo luận tại tổ về những vấn đề lớn, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc mà cử tri đã phản ánh về 2 chuyên đề giám sát tối cao nêu trên, trong đó có 2/9 đại biểu đã trực tiếp phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đối với Hoạt động chất vấn: Qua nghiên cứu các báo cáo năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ và của các Bộ ngành Trung ương trình tại các kỳ họp, các ĐBQH trong Đoàn đã thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao với tinh thần tích cực, đóng góp ý kiến trên nhiều lĩnh vực trong các báo cáo, liên quan các ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương và của nhân dân cả nước. Tại 10 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, có 3/9 đại biểu phát biểu 5 lượt chất vấn trực tiếp đối với: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ Công Thương, Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề về giải pháp nâng cao cơ cấu giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng; các vấn đề liên quan đến chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế – xã hội  đặc biệt khó khăn; về thuế tối thiểu toàn cầu và tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về buôn bán các loại thuốc lá điện tử; về giải pháp nâng cao chất lượng kiến nghị, khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình thanh tra…. Đồng thời, chất vấn của các đại biểu trong Đoàn đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của ngành trực tiếp chịu trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề đại biểu đặt ra.

Nhiều ý kiến đóng góp được Quốc hội đánh giá cao, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương ghi nhận

Đối với việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh, trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan Quốc hội; báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; về công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…, các ĐBQH trong Đoàn đã tích cực tham gia đóng góp toàn diện các lĩnh vực trên.

Các ý kiến phát biểu của các vị ĐBQH tỉnh đã phản ánh được thực tế khó khăn vướng mắc của đất nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang nói riêng, đồng thời phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; những vấn đề thực thi pháp luật, những bất cập cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành như: Các vấn đề liên quan đến chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; về thuế tối thiểu toàn cầu và tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; vấn đề nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; chính sách Vùng an toàn khu (ATK); về đầu tư xây dựng đường điện ra 2 xã đảo Nam Du và An Sơn của Kiên Giang; an ninh nguồn nước Vùng đồng bằng sông Cửu Long và các giải pháp chống khai thác IUU….. Nhiều ý kiến đóng góp được Quốc hội đánh giá cao, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương ghi nhận.

Ngoài ra, các ĐBQH trong Đoàn còn tham gia các cuộc họp thành viên của các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Đoàn ĐBQH chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tăng cường công tác thông tin kịp thời các mặt hoạt động của Đoàn tại kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Các vị ĐBQH trong Đoàn còn tích cực tham gia thảo luận ở Đoàn để xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Hồng Hà; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV đối với ông Lê Quang Mạnh; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh; phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Nguyễn Hồng Nam….

Vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới

Đánh giá chung về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang trong năm 2023, Phó Trưởng Đoàn Nguyễn Thị Kim Bé khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Đoàn Quốc hội, của Tỉnh ủy Kiên Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân...

Trên cơ sở thống nhất, đồng thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý cho từng đại biểu trong Đoàn tham gia các hoạt động của Quốc hội tại địa phương cũng như các nội dung theo chương trình 5 kỳ họp (có 3 kỳ họp bất thường) hoàn thành tốt các mặt công tác theo quy định của pháp luật.

Các đại biểu trong Đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với các cơ quan nhà nước. Đoàn cũng đã chuyển tải các kiến nghị của cử tri, của tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện chính sách pháp luật tại địa phương đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương để kịp thời xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tạo hành lang pháp lý thuận lợi triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Các hoạt động của các ĐBQH trong Đoàn đã góp phần tích cực cho sự thành công chung của 6 kỳ họp. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phân công nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ cho các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Đoàn. Theo đó, trong công tác lập pháp, vẫn còn một số dự thảo luật, báo cáo gửi đến ĐBQH chậm gây khó khăn cho việc tổ chức lấy ý kiến góp ý lại địa phương, làm hạn chế chất lượng tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu kiêm nhiệm do quá nhiều công việc tại cơ quan nên ít có thời gian nghiên cứu sâu để góp ý có chất lượng các dự án luật.

Trong công tác giám sát, việc triển khai Kế hoạch giám sát theo chuyên đề của Quốc hội tập trung thời gian vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 (Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng) nên Đoàn ĐBQH gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện theo yêu cầu thời gian báo cáo. Có cuộc giám sát đề cương báo cáo giám sát nhiều, cập nhật nhiều biểu mẫu, số liệu báo cáo nhưng nhiều chủ trương, chính sách, quy định không có tiêu chí định lượng nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng báo cáo, biểu mẫu theo nội dung yêu cầu của Quốc hội.

Việc mời tham gia giám sát theo Quy chế phối hợp, một số bên tham gia một số cuộc chưa đầy đủ, không đúng thành phần nhưng chưa khắc phục được; vẫn còn tình trạng một số cơ quan chịu sự giám sát chậm trễ trong việc gửi báo theo thời gian quy định. Một số UBND cấp huyện không xây dựng báo cáo gửi Đoàn giám sát theo kế hoạch (giám sát qua báo cáo bằng văn bản) ảnh hưởng đến chế tài trong hoạt động gíam sát; một số đại biểu kiêm nhiệm chưa tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé, nguyên nhân khách quan là một số dự án luật mang tính chất chuyên ngành, thời gian nghiên cứu ngắn, nên các sở, ngành chuyên môn hạn chế về thời gian nghiên cứu tham gia ý kiến, chất lượng chưa cao. Trong kỳ họp Quốc hội, một số văn bản dự thảo luật gửi chậm (Luật đất đai (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…) nên đại biểu không đủ thời gian nghiên cứu để tham gia phát biểu. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung quá nhiều vào những tháng đầu năm dẫn tới quá tải cho Đoàn ĐBQH cũng như bộ phận Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong công tác tham mưu, giúp việc hoạt động giám sát; việc chuẩn bị báo cáo trong thời gian ngắn nên chất lượng, hiệu quả của cuộc giám sát chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân chủ quan là một số ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm do bận công việc chuyên môn, gặp khó khăn trong bố trí thời gian nên chưa tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn như đóng góp xây dựng luật, hoạt động giám sát…; đối với một số đại biểu còn lúng túng, góp ý chưa sâu cho các dự án luật chuyên ngành.

Với những tồn tại, bất cập trên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo gửi các tài liệu của các kỳ họp đúng thời gian quy định (nhất là các dự án luật). Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường điều phối chặt chẽ hoạt động giám sát các cơ quan của Quốc hội, tránh trường hợp các Đoàn về địa phương làm việc với thời gian quá gần nhau, để Đoàn ĐBQH địa phương có điều kiện tham gia đầy đủ và đóng góp tốt nhất vào hoạt động giám sát./.

Bích Lan