ĐOÀN ĐBQH HẢI PHÒNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

14/03/2024

Chiều 14/3, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân cùng các đại biểu Quốc hội thành phố thực hiện giám sát Chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) giai đoạn 2018 - 2023.

ĐOÀN ĐBQH HẢI PHÒNG GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHỆP CÔNG LẬP SỞ LĐ-TB&XH

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các đơn vị sự nghiệp công lập Sở Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018 - 2023.

Trong giai đoạn 2018 - 2023, Sở GDĐT đã tham mưu thành phố ban hành 5 Nghị quyết và đang chủ trì xây dựng 01 Đề án về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động của ĐVSNCL. Tính đến hết ngày 31/12/2023 Sở Giáo dục và Đào tạo có 638 ĐVSNCL giảm 62 đơn vị so với năm 2015. Bên cạnh đó, năm 2023 Sở được giao 25.229 biên chế và 1.273 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ, như vậy giai đoạn 2015 – 2023, các Trường THPT và các đơn vị trực thuộc Sở đã giảm 200 biên chế. Việc quán triệt, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL nghiêm túc, trách nhiệm và đã đạt những kết quả bước đầu. 

Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn, hạn chế, những việc chưa làm được và những thách thức đặt ra. Điển hình là hệ thống trường ngoài công lập chưa giúp nhiều trong việc giảm áp lực gia tăng học sinh; giáo dục chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn lực công. Nguồn lực đầu tư cho GDĐT đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, hành lang pháp lý về xã hội hóa trong lĩnh vực GDĐT chưa đủ thông thoáng để tạo động lực thu hút nguồn lực đầu tư. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực còn đặt trong phạm vi hẹp, thiếu tính chiến lược. 

Giám đốc Sở GDĐT Bùi Văn Kiệm báo cáo tại buổi làm việc.

Trên cơ sở thực tiễn, Sở GDĐT kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo. Chính phủ sửa đổi Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL. Bộ GDĐT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề nghị Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép địa phương được thực hiện 100% hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu so với số chênh lệch giữa số người làm việc được giao và định mức theo quy định của Bộ GDĐT (hiện đang thực hiện 70%). Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn vị trí việc làm cho các trường dành cho người khuyết tật.

Đối với HĐND, UBND thành phố Hải Phòng, Sở đề xuất: Ban hành Nghị quyết “Chính sách đặc thù hỗ trợ thu hút cán bộ, giáo viên mầm non giai đoạn 2024-2029". Ban hành Quyết định quy định danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi xã hội hóa và mức miễn giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân tiếp thu các ý kiến của Sở GDĐT.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng Lã Thanh Tân, ghi nhận Sở GDĐT thực hiện hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền triển khai tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tổ chức thực hiện. Công tác sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời tiếp thu các ý kiến và yêu cầu Sở bổ sung số liệu, bảng phụ lục các vướng mắc cần sửa đổi bổ sung kiến nghị với Quốc hội và các cấp có thẩm quyền, sớm thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát để tổng hợp.

(Theo Cổng TTĐT Hải Phòng)