YÊU CẦU ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN GIẢI TRÌNH LÀM RÕ CÁC VẤN ĐỀ CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
Kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện. Qua gần 10 năm thực hiện, hoạt động giải trình ngày càng có nhiều đổi mới, góp phần pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc được cử tri và xã hội quan tâm, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các Bộ, ngành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; giải quyết kịp thời những bức xúc trong xã hội, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Hoạt động giải trình của Ủy ban được quan tâm, chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động thực tế
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã quan tâm, tăng cường, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Hoạt động chất vấn, giải trình thuộc các lĩnh vực Ủy ban phụ trách (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông, Tin ngưỡng, tôn giáo; Thanh niên và Trẻ em).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa
Từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 ra đời đến nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức thành công 9 phiên giải trình. Năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục dự kiến phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức 1 phiên giải trình về “Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong thanh thiếu niên”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy, nhìn chung, hoạt động chất vấn, giải trình của Ủy ban ngày càng được quan tâm, chú trọng; mang tính hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động thực tế của các cơ quan Nhà nước các cấp, các ngành trong lĩnh vực mà Ủy ban được giao phụ trách. Hoạt động giải trình của Ủy ban bao gồm các phiên được tiến hành độc lập và một số phiên giải trình do Ủy ban chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội tổ chức. Phần lớn các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban trong các phiên giải trình sau đó đều được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kịp thời nghiên cứu, tiếp thu và ban hành văn bản, chính sách cụ thể để điều chỉnh, khắc phục các bất cập, hạn chế nêu ra.
Ngày 18/01/2024, trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023”. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa, mặc dù Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 chưa có hiệu lực nhưng Ủy ban đã áp dụng linh hoạt các quy định của Dự thảo Nghị quyết để tiến hành các bước chuẩn bị, triển khai hoạt động giải trình và nhận thấy về cơ bản, các quy định của Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 là hợp lý, khoa học, dễ áp dụng, sẽ tạo ra nền nếp và hiệu quả cao hơn cho hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban. Đặc biệt, với các hoạt động giải trình cần có sự phối hợp của hai hay nhiều cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 là căn cứ để các cơ quan thực hiện các quy trình, thủ tục phối hợp cần thiết.
Giải pháp tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp
Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiếp tục nâng cao hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thống nhất, đưa công tác giải trình đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đề xuất một số giải pháp thiết thực sau đây:
Một là, quán triệt sâu rộng tinh thần và nội dung của Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 ngày 25/01/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, coi trọng chức năng giám sát và xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp nhằm nâng cao vị thế, vai trò và thẩm quyền của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động giám sát nói chung và giải trình nói riêng.
Hai là, chuẩn bị tốt nội dung giải trình và các văn bản liên quan; thực hiện hoạt động giám sát, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung trước khi tổ chức phiên giải trình. Trong đó, giao nhiệm vụ, khuyến khích khả năng phát hiện các vấn đề giải trình qua giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri hoặc qua thực tế cuộc sống của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách.
Ba là, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức, điều hành phiên giải trình, đảm bảo dân chủ, khoa học, bám sát nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình. Điều hành nội dung linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên giải trình có kết luận hoặc yêu cầu người trả lời, trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản hoặc vào phiên họp sau.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023"
Bốn là, khuyến khích, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu chuyên trách, các đại biểu là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia hoạt động giải trình.
Năm là, đề cao trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị giải trình phải cụ thể, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề theo yêu cầu đặt ra, nêu rõ việc đã làm được, việc chưa làm được, nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ và biện pháp khắc phục. Người trả lời giải trình phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình.
Sáu là, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị, giải pháp của các cơ quan, đơn vị sau giải trình.
Bảy là, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là Truyền hình Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân trong việc đăng tải những thông tin, phóng sự, phỏng vấn về các nội dung được giải trình để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát./.