ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG GIÁM SÁT VIỆC CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG THỰC HIỆN HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MỒNG
Tại văn phòng Nhà quản lý công trình đầu mối Hồ chứa nước Bản Mồng thuộc xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát, làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Thị An Chung – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo UBND các huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Nghĩa Đàn.
Trước khi làm việc với địa phương, đoàn công tác của Quốc hội đã khảo sát thực địa việc trồng rừng thay thế thực hiện Dự án tại xã Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu). Ảnh: Kim Oanh
Dự án chậm tiến độ so với dự kiến
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Công tác ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án; Những khó khăn, tồn tại của Dự án…
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020, với tổng diện tích được phép chuyển mục đích sử dụng là 1.131,22 ha trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyệt
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có tổng diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác là 544,77 ha; tổng diện tích phải thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế là 805,27 ha, với tổng số tiền hơn 36,2 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã nộp đủ số tiền để trồng rừng thay thế.
Về kết quả trồng rừng thay thế, diện tích đã thực hiện trồng và được nghiệm thu đến thời điểm hiện tại là 173,33 ha, tương ứng với số kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng, đạt 22% diện tích cần trồng thay thế (805,27ha).
Đối với công tác thu hồi đất để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay đã thực hiện di dời tái định cư được 195 hộ. Sau khi được bồi thường, hỗ trợ đầy đủ theo quy định của Nhà nước, đời sống của 195 hộ dân này được đánh giá ổn định, được tiếp cận với các khu dân đã có cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm tốt hơn so với nơi ở cũ. Hiện UBND huyện Quỳ Châu đang triển khai xây dựng 2 khu tái định cư tập trung là Khu 1 sau đập phụ 1 và Khu 2 ở Dốc 77.
Đồng chí Bùi Đình Long trao đổi, báo cáo với đoàn làm việc. Ảnh: Minh Nguyệt
Tuy nhiên, Dự án bắt đầu lập từ năm 2007, đến nay đã có nhiều thay đổi từ chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước có liên quan và phát sinh nhiều hạng mục, vì vậy, kinh phí thực hiện tăng lên và tiến độ hoàn thành bị kéo dài. Việc đền bù hỗ trợ di dời tài sản của người dân liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị tại địa phương. Để thực hiện được việc đền bù tài sản cho người dân, phải tiến hành qua nhiều cuộc họp thống nhất, lấy ý kiến. Do đó, tiến độ thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng còn chậm so với dự kiến.
Việc xác định hiện trường trồng rừng thay thế tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn do quy định phải trồng trên đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất do Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý; trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng đặc dụng, rừng trồng phòng hộ không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh diện tích đủ điều kiện chủ yếu là diện tích manh mún, có độ dốc lớn, địa hình chia cắt, xa khu dân cư, đường giao thông... nên thi công trồng rừng rất khó khăn. Những khu vực dễ để trồng rừng đã cơ bản được trồng hết, do vậy các chủ rừng không đăng ký trồng rừng thay thế…
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An báo cáo tình hình triển khai Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Nguyệt
Sớm xử lý các vướng mắc phát sinh
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát và các sở, ngành liên quan của tỉnh Nghệ An đã kiến nghị, thảo luận tập trung vào nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, việc thực hiện trồng rừng thay thế và tiến độ thực hiện khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án…
Phát biểu tại buổi giám sát, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát; đồng thời cam kết tổ chức thực hiện các nội dung thuộc hợp phần của dự án trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tiến độ theo yêu cầu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Minh Nguyệt
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - Trưởng đoàn giám sát đề nghị tỉnh có kiến nghị lại về cơ chế quản lý vốn giữa Trung ương và tỉnh trong thực hiện dự án. Đồng thời, đề nghị tỉnh rà soát, kiểm kê lại diện tích đất rừng để thực hiện trồng rừng thay thế, hoàn thiện các thủ tục về bố trí khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; xây dựng lộ trình chi tiết và cam kết của tỉnh trong thực hiện dự án.
Đoàn giám sát tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan để báo cáo Quốc hội giải quyết những vướng mắc, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án.
Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (giai đoạn 1) có quy mô đầu tư xây dựng với dung tích 225 triệu m3, 8 trạm bơm lấy nước dọc sông Hiếu và nhà máy thủy điện công suất 45 MW. Mục tiêu của Dự án là cung cấp nước cho 18.858 ha ven sông Hiếu. Trong đó, tưới tự chảy là 4.551ha, còn lại tưới động lực; Cấp nước cho sông Cả về mùa kiệt khoảng 22 m3/s, kết hợp phát điện theo tưới; Cấp nước cho công nghiệp, dân sinh và chăn nuôi; Nuôi trồng thủy sản và cải tạo môi trường, kết hợp giảm một phần lũ cho hạ du sông Hiếu. Tổng mức đầu tư Dự án là 5.552 tỷ đồng. |