Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 89/2023/QH15 xác định Dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào vào tháng 10 năm 2024. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong thực hiện các cam kết, khuyến cáo của quốc tế về bảo đảm và thực thi quyền con người nói chung, quyền của cộng đồng LGBT nói riêng, đồng thời thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.
Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tủ Quốc hội về tiến độ xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Quốc hội thành phố Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho biết, sau 60 ngày hồ sơ được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến được gửi về, trong đó đa số ý kiến ủng hộ và mong mỏi dự thảo Luật CĐGT sớm được thông qua và ban hành. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cộng đồng dành cho Luật CĐGT là rất lớn và đây là một tín hiệu tích cực cho Ban soạn thảo trong quá trình soạn thảo dự án Luật CĐGT. Với những nội dung về y khoa, tâm lý, pháp lý trong dự thảo Luật còn có nhiều ý kiến tranh luận, cần làm sáng tỏ, Ban soạn thảo tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực trên và tập trung thảo luận đi vào các điểm chính để tìm ra phương hướng giải quyết, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật CĐGT để gửi xin ý kiến Chính phủ, các cơ quan liên quan trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phóng viên: Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 10 vào cuối năm 2024. Với vai trò là Trưởng Ban soạn thảo, Đại biểu có thể chia sẻ về tiến độ công việc đến thời điểm này?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính: Về tiến độ công việc của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính (CĐGT) đến thời điểm này, tôi xin điểm qua những kết quả công việc chúng tôi đã làm được. Cụ thể:
Năm 2023 vừa qua, phải nói là một năm thành công của Ban soạn thảo dự án Luật CĐGT. Thành công vì chúng tôi đã triển khai thực hiện các công việc theo kịp tiến độ kế hoạch đã đề ra và kết quả mang lại rất khả quan, phục vụ cho công tác biên soạn Luật.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính cho biết, Ban soạn thảo đã gửi hồ sơ dự án Luật CĐGT đăng tải trên trang Cổng thông tin điện tử Quốc hội vào ngày 24/11/2023 và nhận được nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện dự án luật
Ban soạn thảo đã triển khai được nhiều buổi tọa đàm, hội nghị với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Pháp lý, y khoa (từ các bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Nội tiết Trung ương, Thận Hà Nội, Trung tâm Nam học…)
Ngày 16/11/2023, chúng tôi đã tổ chức thành công Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ban soạn thảo dự án luật Chuyển đổi giới tính. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức 02 cuộc tọa đàm/hội nghị tham vấn ý kiến cộng đồng người chuyển giới ở khu vực miền Bắc và miền Nam, lần lượt vào các ngày 02/12/2023 và 24/12/2023. Cả hai cuộc tham vấn đã diễn ra rất thành công, thu hút nhiều đại diện Người chuyển giới khu vực miền Bắc, miền Nam tham dự, chia sẻ và đóng góp ý kiến về dự thảo Luật; đồng thời, cũng giải đáp được nhiều băn khoăn của các bạn trong Cộng đồng, giúp Ban soạn thảo sáng tỏ nhiều vấn đề để tiếp thu, chỉnh lý vào dự án Luật.
Ban soạn thảo đã gửi hồ sơ dự án Luật CĐGT đăng tải trên trang Cổng thông tin điện tử Quốc hội vào ngày 24/11/2023 để lấy ý kiến Nhân dân.
Đầu năm 2024 đến nay, với những nội dung về y khoa, tâm lý, pháp lý trong dự thảo Luật còn có nhiều ý kiến tranh luận, cần làm sáng tỏ, Ban soạn thảo tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm với các chuyên gia trong lĩnh vực trên và tập trung thảo luận đi vào các điểm chính để tìm ra phương hướng giải quyết, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật CĐGT.
Ngày 06/3/2024, bản dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật CĐGT đã được gửi đi xin ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu tác động cho ý kiến bằng văn bản. Tính đến ngày 05/4/2024, Ban soạn thảo đã nhận được văn bản góp ý của 60 cơ quan gửi về và chúng tôi đang khẩn trương rà soát, tiếp thu, giải trình, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật CĐGT. Dự kiến, trong tháng 4/2024, Ban soạn thảo sẽ gửi hồ sơ dự án Luật CĐGT để xin ý kiến Chính phủ.
Phóng viên: Được biết, dự thảo đã được đăng toàn văn lấy ý kiến Nhân dân và nhận được nhiều ý kiến đóng góp trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà làm luật, đối tượng chịu tác động. Đại biểu có thể chia sẻ đôi điều về sự quan tâm này của người dân?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính: Thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng tải hồ sơ dự án Luật lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cổng thông tin điện tử. Ngày 24/11/2023, hồ sơ dự án Luật CĐGT đã được đăng tải trên trang Cổng thông tin điện tử Quốc hội để lấy ý kiến Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Sau 60 ngày hồ sơ được đăng tải, đã có rất nhiều ý kiến được gửi về: nhiều ý kiến ủng hộ và mong mỏi dự thảo Luật CĐGT sớm được thông qua và ban hành; cũng có ý kiến còn chưa đồng tình với một số điểm trong dự thảo Luật; và cũng có những ý kiến rất tích cực đóng góp để các điều, khoản, nội dung của dự thảo Luật được hoàn thiện tốt hơn. Nhìn chung, tôi nhận thấy sự quan tâm của cộng đồng dành cho Luật CĐGT là rất lớn và đây là một tín hiệu tích cực cho Ban soạn thảo trong quá trình soạn thảo dự án Luật CĐGT. Tôi cho rằng, sự quan tâm của cộng đồng đối với dự thảo Luật CĐGT có thể hiểu bởi:
Sự cần thiết ban hành Luật CĐGT: Trong Hiến pháp năm 2023, ở các Điều 14, 16, 20 và 38 đã có nội dung quy định về việc ghi nhận quyền con người. Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Điều 2 và Điều 3, quy định về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự, nguyên tắc bình đẳng, không bị phân biệt đối xử của cá nhân.
Đặc biệt, ở Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về Chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Việc ghi nhận quyền CĐGT trong Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của xã hội đối với việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người chuyển giới.
Đây còn là một bước tiến vô cùng quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với thời đại, đề cao quyền bình đẳng và bảo vệ quyền của con người. Hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2023 về quyền con người. Và sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành, Việt Nam là quốc gia thứ 11 tại châu Á hợp pháp hóa quyền CĐGT.
Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được ban hành cho đến nay, luật về CĐGT vẫn chưa được xây dựng và ban hành. CĐGT là một quá trình phức tạp và quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến con người, do đó không thể chỉ gói gọn trong một điều luật mà cần được quy định cụ thể trong văn bản luật chuyên biệt, trong khi vấn đề xác định lại giới tính cho đến nay vẫn chỉ được cụ thể hóa bằng nghị định và thông tư.
Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về CĐGT là cần thiết để thể chế hóa những nội dung của Hiến pháp năm 2013 và Bộ Luật Dân sự năm 2015. Qua đó, cụ thể hóa quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người CĐGT cũng như của cơ quan, tổ chức liên quan đến người CĐGT và đảm bảo việc thực hiện các biện pháp quản lý đối với nhóm đối tượng.
Ban soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội nghi lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Sự thay đổi nhận thức của cộng đồng: Việt Nam là quốc gia rất cởi mở, rất nhân văn, nhân đạo đối với vấn đề CĐGT và người CĐGT. Điều đầu tiên là Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến quyền con người, các vấn đề về bình đẳng giới và người chuyển đổi giới tính, thể hiện trong việc xây dựng và ban hành các quy định trong Hiến pháp năm 2023 và Bộ luật Dân sự năm 2015 (như đã chia sẻ ở trên). Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi thực hiện xây dựng Luật CĐGT. Và như đã biết ngày 23/05/2023, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV đã tán thành đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Nếu như trước đây, nhiều người lầm tưởng rằng, đồng tính, song tính, chuyển giới là bệnh, tôi có thể khẳng định với các bạn đây không phải là bệnh, cho nên không thể chữa và cũng không có cách nào thay đổi.
Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định đồng tính không phải bệnh, nó chỉ những người có xu hướng tính dục với người đồng giới. Đồng tính và chuyển giới cũng được WHO đưa ra khỏi chương Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, trong Danh mục các bệnh Quốc tế (ICD) vào các năm 1990 và 2019.
Ở Việt Nam, trong Công văn số 4132/BYT-PC ngày 3/8/2022, Bộ Y tế đã đề nghị Thủ trưởng các Đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình quán triệt các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc: “Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh”.
Trên thế giới, tính đến tháng 2/2024, đã có 91 quốc gia đã có quy định về CĐGT và bản dạng giới trong hệ thống pháp luật của họ. Trong đó, có 17 quốc gia trong hệ thống pháp luật của họ có Luật về CĐGT hoặc bản dạng giới với các tên gọi khác nhau. Mặc dù các quốc gia có văn hóa, luật pháp, quan niệm về CĐGT là không giống nhau, nhưng có thể thấy các nước trên thế giới cũng rất quan tâm và cởi mở trong vấn đề này. Đây cũng là căn cứ để Ban soạn thảo xem xét, rà soát, tham khảo kinh nghiệm của họ trong quá trình xây dựng Luật CĐGT, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tương thích với các Luật và Điều ước quốc tế liên quan. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, thực tiễn phát triển của đất nước.
Phóng viên: Xin đại biểu cho biết, thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, Ban soạn thảo đã chắt lọc và sửa đổi, bổ sung những nội dung đáng chú ý nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính: Mỗi cuộc tọa đàm, hội nghị tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực y khoa, tâm lý và pháp lý đều được Ban soạn thảo dự án Luật CĐGT chuẩn bị kỹ càng. Chúng tôi đưa ra chủ đề và nội dung thảo luận cụ thể, rõ ràng, tập trung và đạt hiệu quả cao.
Nhiều Hội thảo, Tọa đàm tham vấn lấy ý kiến chuyên gia được tổ chức nhằm phục vụ công tác soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính
Với các nội dung thảo luận về vấn đề y khoa, một trong những vấn đề nổi bật nhất là về các phương pháp thực hiện can thiệp y khoa để CĐGT; điều kiện đối với bệnh viện thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính; việc thành lập Hội đồng can thiệp y khoa để CĐGT; việc cấp Giấy xác nhận đã CĐGT cho các trường hợp đã can thiệp y khoa để CĐGT.
Với các nội dung về tư vấn tâm lý và tư vấn pháp lý, đây là vấn đề rất quan trọng, người đề nghị CĐGT và người CĐGT cần phải được tư vấn đầy đủ, rõ ràng về cả vấn đề tâm lý và pháp lý trước, trong và sau khi CĐGT. Chính vì vậy, chúng tôi đã quy định các điều khoản liên quan về vấn đề này trong dự thảo Luật CĐGT, nhận được sự đồng tình rất lớn từ các chuyên gia, nhà quản lý và cả cộng đồng người CĐGT.
Với nội dung về pháp lý đối với người đề nghị CĐGT và người CĐGT, được xây dựng tại các điều, khoản trong dự thảo Luật như: thủ tục xác nhận đã CĐGT; đăng ký hộ tịch và thay đổi thông tin giới tính, thông tin khác của người CĐGT trên các giấy tờ pháp lý có liên quan. Các quy định này nhằm đảm bảo việc thực thi Luật CĐGT được thuận lợi sau khi Luật được ban hành và đảm bảo công tác quản lý của Nhà nước được hiệu quả.
Các nội dung trong dự thảo Luật CĐGT vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi gửi xin ý kiến Chính phủ.
Phóng viên: Những công việc tiếp theo Ban soạn thảo cần tiến hành trong thời gian tới là gì để kịp tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, thưa đại biểu?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính: Ban soạn thảo sẽ tiếp nhận ý kiến các Bộ, ban ngành, sửa chữa theo góp ý. Dự kiến, Ban soạn thảo sẽ có buổi làm việc với Bộ Tư pháp để tiếp thu thật hết ý kiến của Bộ rất quan trọng về mặt Luật pháp nhằm hoàn thiện Bộ hồ sơ gửi Chính phủ (dự kiến cuối tháng 4/2024).
Tiếp nhận ý kiến của Chính phủ, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện Bộ hồ sơ gửi cho các Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật - dự kiến trong tháng 6/2024;. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2024. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tích cực sửa chữa để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!