ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)
Quang cảnh hội thảo góp ý dự án luật.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm công bằng, cạnh tranh bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; tạo thêm việc làm và thu nhập của người lao động, tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp; huy động được tiềm năng kinh tế, tiếp thu công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp; chủ động sản xuất được trang bị kỹ thuật, giảm nhập khẩu từ nước ngoài, có điều kiện dành nguồn vốn đầu tư cho quốc phòng, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Đồng thời, tạo điều kiện để sản xuất, sửa chữa hoàn chỉnh một số trang bị kỹ thuật đáp ứng cho khu vực phòng thủ, khu vực, hướng chiến lược; Cơ quan quản lý nhà nước có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các hoạt động mang tính độc quyền (sản xuất các sản phẩm quân sự, bí mật quân sự), bảo đảm tiến độ với hoạt động sản xuất mang tính cạnh tranh (sản xuất sản phẩm phổ thông, lưỡng dụng), bảo đảm công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, luật hóa chế độ, chính sách theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ tiêu hao, bù đắp sức khỏe cho đối tượng thụ hưởng để bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng cho các đối tượng trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp (ĐVCN), góp phần tạo sức hút để huy động thực hiện nhiệm vụ ĐVCN.
Ngoài ra, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật hiện hành và sự công bằng đối với cùng một đối tượng có cùng điều kiện, tính chất hoạt động; tăng cường trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng khác tham gia ĐVCN; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chuẩn bị và thực hành ĐVCN, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng điều hành hội thảo.
Góp ý về công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự, đại diện Trường Đại học An ninh Nhân dân – đại biểu Nguyễn Thái Sơn cho rằng, nên cân nhắc bỏ từ "quân sự" vì mục đích quốc phòng đã bao hàm nội dung quân sự; đồng thời, việc sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh và dân sự là thống nhất với các quy định khác có liên quan trong Dự thảo Luật.
Một số ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN theo hướng bổ sung hình thức đặt hàng, đấu thầu. Quy định trách nhiệm và phân cấp quản lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐVCN; Chính phủ thống nhất quản lý và giao Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về ĐVCN; phân cấp cho UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện ĐVCN trong địa bàn quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp và người lao động khi tham gia ĐVCN tương ứng như chế độ, chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và lực lượng khác khi tham gia hoạt động quốc phòng, trong cùng điều kiện, tính chất hoạt động, như: Doanh nghiệp được hạch toán phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm, độc hại, thu hút và một số khoản chi đặc thù vào giá thành sản phẩm; trong thực hành ĐVCN, được Nhà nước cấp kinh phí bù đắp chi phí trong trường hợp giá sản phẩm được duyệt theo kế hoạch không đủ so với thực tế sản xuất, sửa chữa, kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành dây chuyền ĐVCN trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí.
Ngoài ra, việc thành lập các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh mới cần phải bảo đảm yếu tố vùng, miền để phát huy hiệu quả kinh tế xã hội tại chỗ và bảo đảm phòng thủ dân sự trong tình hình mới. Do đó, khi thành lập các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh mới không chỉ bảo đảm yếu tố kỹ thuật công nghệ mới, hiện đại mà còn phải đảm bảo yếu tố vùng miền nhằm đảm bảo phát huy năng lực tại chỗ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đáp ứng yêu cầu phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay.