ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ NAM TỔ CHỨC GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2023”

10/04/2024

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023”. Đoàn đã làm việc với UBND Thị xã Duy Tiên và Công an tỉnh Hà Nam, kiểm tra, giám sát thực địa các điểm đen giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tại Thị xã Duy Tiên, đoàn đã khảo sát hiện trạng bến xe Hòa Mạc, ghi nhận những khó khăn trong hoạt động như đầu xe ít, địa điểm không thuận lợi, khó thu hút hành khách trong bối cảnh xe ghép, xe chung hiện đang phổ biến trên địa bàn. Lãnh đạo Bến xe Hòa Mạc cũng kiến nghị được di chuyển địa điểm để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Giám sát thực địa tại các điểm đen giao thông trên địa bàn thị xã Duy Tiên, Đoàn đã ghi nhận những bất cập tại nút giao Vực vòng quốc lộ 38Km82+ 500, đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội. Tuy nhiên do tổ chức nút giao còn nhiều bất cập trong khi xung quanh là Khu công nghiệp lớn với khoảng 70.000 công nhân, người lao động làm việc mỗi ngày cùng với hệ thống đường gom dân sinh dày đặc nên với mật độ giao thông lớn, phức tạp đã gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã ghi nhận những kiến nghị của địa phương, đồng thời cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, sớm thực hiện cải tạo, thiết kế lại nút giao khắc phục các hạn chế. Riêng với UBND Thị xã Duy Tiên, trước mắt cần có những giải pháp tạm thờ, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho cử tri, nhân dân.

Tại buổi làm việc với UBND Thị xã Duy Tiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Giai đoạn từ năm 2009 – 2023, thị xã có 7 điểm đen và 1 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông. Dù địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, nỗ lực xóa bỏ 4 điểm đen nhưng các điểm còn lại là Quốc lộ 1A Km 217 + 500 và Km 219 +800 và nút giao vực Vòng quốc hộ 38 Km 82+500 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông? Đại biểu đặt câu hỏi, đến khi nào những điểm đen này mới được xóa sổ hoàn toàn?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại cuộc làm việc

Thị xã Duy Tiên hiện có nhiều khu Công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, tuy nhiên, hệ thống biển báo giao thông như biển hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc tại lối vào các Khu công nghiệp lại không có khiến, đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Thành viên Đoàn giám sát, ông Nguyễn Đức Mạnh – Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội cho rằng, UBND Thị xã Duy Tiên cần quan tâm vấn đề này đồng thời đề nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam nghiên cứu, có giải pháp để bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông?

Ông Nguyễn Đức Mạnh – Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Nam phát biểu tại cuộc làm việc

Đại diện Sở Giao thông Vận tải, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thế Thích cũng đã giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm, tập trung vào các giải pháp bảo đảm giao thông đường thủy, vấn đề xe ghép, xe tiện chuyến biển trắng. Đối với giải pháp xóa điểm đen giao thông, Ông Nguyễn Thế Thích cho rằng, đối với điểm đen tại Quốc lộ 1A và đường T3 – Tam Chúc và nút giao Vực Vòng, Sở Giao thông vận tải và thị xã Duy Tiên đã đã chủ động làm việc với VEC và Cục đường bộ nhiều lần, đề xuất các đơn vị có giải pháp xử lý. Thậm chí Sở đã thành lập 1 tổ giám sát và mời Công an tỉnh Hà Nam tham gia đoàn, rà soát toàn bộ các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông và kiến nghị các đơn vị nhanh chóng xử lý.  Ông Nguyễn Thế Thích cũng khẳng định, đơn vị đã hoàn thiện các hồ sơ điều chỉnh các nút giao, đang trình thầm định xin ý kiến Cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến sẽ triển khai thực hiện lại nút giao trong tháng 6 năm nay.

Chủ tịch UBND Thị xã Duy Tiên Ngô Văn Liên

Chủ tịch UBND Thị xã Duy Tiên Ngô Văn Liên cho rằng, công tác truyên truyền, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh đã được địa phương triển khai hết sức nghiêm túc, nhưng quan điểm của địa phương là cần nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông cho người dân bởi có hiểu luật mới bảo đảm tham gia giao thông an toàn. Đối với chợ cóc, chợ tạm, Thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhưng do mật độ dầy, lực lượng mỏng nên chưa xử lý triệt để, vấn đề này cần tiếp tục tăng cường xử lý trong thời gian tới.

Trưởng đoàn giám sát, ông Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đánh giá cao công tác phối hợp của UBND thị xã Duy Tiên với các sở ngành, các đơn vị có liên quan kể cả trung ương lẫn địa phương. Đặc biệt, Thị xã đã nâng cao tuyên truyền ý thức tham gia giao thông cho người dân, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, Thị xã cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông đường sắt, đường thủy, tiếp tục quan tâm dành các nguồn lực để đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng các tuyến giao thông trên địa bàn, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Thị xã Duy Tiên cần tăng cường triển khai các biện pháp tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, có những giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

 Ông Phạm Hùng Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam

Cũng trong ngày, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023” đã làm việc với Công an tỉnh Hà Nam.

Báo cáo với Đoàn Giám sát, Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam cho biết, từ năm 2009 đến năm 2023, Công an tỉnh cũng tăng cường công tác phối hợp liên ngành, địa phương về bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, trong đó đã phối hợp tổ chức 50.000 lượt tuyên truyền lưu động, phát trên 20.000 tờ rơi, treo 5.000 băng rôn, kẻ vẽ 3.200 pa nô, áp phích. Lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khung giờ có tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông cao, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT. Qua đó, phát hiện và xử lý trên 260.000 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, 217 trường hợp vi phạm TTATGT đường sắt, hơn 1.700 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy nội địa; phạt tổng trên 325 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố điều tra 296 vụ TNGT... bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, đúng người, đúng lỗi, không oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, trong đó đường nông thôn hẹp, nhiều góc khuất, điểm giao cắt; hệ thống đèn chiếu sáng trên một số tuyến đường đô thị, đường giao thông nông thôn hạn chế... 

Tại Hội nghị, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung trao đổi về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật bảo đảm TTATGT đường bộ; phân tích, làm rõ nguyên nhân; đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách pháp luật cũng như những giải pháp để giảm thiểu các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh... Công an tỉnh, các ngành chức năng và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiến nghị điều chỉnh tổ chức giao thông chưa hợp lý, khắc phục các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị phù hợp, đảm bảo an toàn; khảo sát, lập phương án xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về TNGT.

Giải trình với Đoàn giám sát, Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần tiếp tục có cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, khu vực, tuy nhiên người dân cần phải nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. Phó Giám đốc Phạm Hùng Dương cũng bày tỏ sự khó khăn về kinh phí hoạt động, nhất là quá trình chuyển đổi số trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Hiện nay việc lắp đặt, sử dụng hệ thống camera giám sát thông minh để phạt nguội các trường hợp vi phạm trật tự ATGT ở một số điểm bất cập nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông chưa thể triển khai do chưa có nguồn.

Đại tá Phạm Hùng Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi làm việc

Đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của Công an tỉnh Hà Nam trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đề nghị, Công an tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền trong việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng cũng nhấn mạnh, Đoàn giám sát ghi nhận kiến nghị của Công an tỉnh Hà Nam về bố trí nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị hiện đại trong việc theo dõi giám sát, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Nam cần chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm TTATGT đến với đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đối với các khu vực có điểm đen về an toàn giao thông hay điểm có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, lực lượng công an cần tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập trung triển khai các giải pháp khắc phục, kiềm chế, giảm tai nạn giao thông./.

Bích Hạnh

Các bài viết khác