ĐOÀN KHẢO SÁT CỦA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

19/04/2024

Chiều 19/4, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và An ninh do Phó Chủ nhiệm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

KHẢO SÁT NÚT GIAO DỰ ÁN CAO TỐC CAM LỘ - LA SƠN ĐOẠN QUA THỪA THIÊN HUẾ

Toàn cảnh buổi làm việc

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 11.033 tuyến giao thông đường bộ với tổng chiều dài 8.480km. Trong đó có tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan với chiều dài 127km; 4 tuyến Quốc lộ qua địa bàn với tổng chiều dài 485,26km.

Đối với dự án Luật Đường bộ, báo cáo với Đoàn khảo sát, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Anh Tuấn đã thông tin các nội dung khái quát, cũng như chỉ ra một số bất cập khi thực hiện công tác quản lý. Trong đó, do lịch sử để lại, một số đoạn vẫn tồn tại nhiều công trình dân dụng của Nhân dân, nhiều trường hợp công trình dân dụng gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, nhưng việc bồi thường, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn vốn để thực hiện triệt để.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, theo địa phương, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tuy mới ban hành nhưng còn có nhiều bất cập; giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối hoa màu bồi thường chưa phù hợp, nhất là đối với các loại cây lâu năm có thu nhập kinh tế cao. Cùng với đó, giá bồi thường về đất, nhất là đất ở, đất trồng rừng sản xuất, mặc dù đã có điều chỉnh hàng năm, nhưng giá bồi thường còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Do đó, công tác vận động, giải thích cho người bị ảnh hưởng GPMB gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc, địa phương đề nghị có cơ chế phân bổ nguồn để đầu tư các đoạn đường kết nối liên hoàn giữa cao tốc với Quốc lộ 1, vừa tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận lên xuống cao tốc, tăng hiệu quả đầu tư của Dự án vừa hỗ trợ giải quyết được các kịch bản ùn tắc giao thông trong phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu thảo luận tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cũng nhấn mạnh, cao tốc Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch quốc gia khi phương tiện 63 tỉnh thành lưu thông Bắc - Nam đều qua đây, khác rất nhiều với các cao tốc giữa 2 - 3 tỉnh. Do vậy, địa phương đề nghị sớm đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch để xứng tầm là trục giao thông huyết mạch quốc gia, trước mắt là 4 làn xe, có dải phân cách cứng, có làn dừng khẩn cấp và đồng bộ các thiết chế quản lý cao tốc, như: camera giám sát tốc độ, điện chiếu sáng, sóng viễn thông,..

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương phát biểu tại buổi làm việc

Đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại tá Hồ Xuân Phương cho biết, qua thực hiện công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhất là tại vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 18.2.2024, đơn vị nhận thấy còn một số bất cập về cơ sở, hạ tầng, tổ chức giao thông cần tập trung giải quyết, tháo gỡ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc

Cụ thể, một phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 2 làn xe cho phép tốc độ tối đa 80km/h, không có giải phân cách cứng, đường hẹp, phương tiện vượt dễ gây tai nạn; có hiện tượng nhập hai làn thành một làn như “nút cổ chai”; đường lên xuống đồi dốc, nhiều khúc cua tay áo; trên tuyến cũng thiếu hệ thống giám sát tốc độ, phần đường, làn đường; không có làn đường khẩn cấp, thiếu nhiều điểm dừng khẩn cấp, không có hệ thống đèn chiếu sáng, sóng điện thoại chập chờn, thiếu trạm đổ xăng, trạm dừng nghỉ.

Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi làm việc

Về quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, địa phương đề nghị sửa đổi một số nội dung liên quan đến việc tạm giữ phương tiện nhằm giảm áp lực cho việc quản lý, bảo quản, bảo vệ phương tiện trước thực tế nhiều chủ xe bỏ phương tiện thay vì đến nộp phạt để lấy phương tiện về. Địa phương cũng kiến nghị hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có các quy định về hành vi bị nghiêm cấm, bảo vệ trẻ em tham gia giao thông đường bộ, đấu giá biển số, phân hạng giấy phép lái xe, điểm giấy phép lái xe, quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông…

Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức ghi nhận những ý kiến đóng góp có giá trị thực tiễn của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời, đề nghị ngành giao thông có những giải pháp cấp bách và cụ thể tại từng địa phương để bảo đảm an toàn cho phương tiện tham gia giao thông. Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung của hai dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và có tính dự báo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.

Các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khảo sát thực tế nút giao Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và làm việc với UBND huyện Phong Điền nhằm khảo sát, tìm hiểu những vướng mắc của địa phương, phục vụ hoàn thiện dự thảo Luật. 

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)