Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ Hạ nghị sĩ, Bộ trưởng Quốc vụ, nguyên Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Andre Flahaut (tháng 11/2023)
Việt Nam và Vương quốc Bỉ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực. Năm 2023, hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược về nông nghiệp. Việt Nam và Vương quốc Bỉ có cơ chế tham vấn chính trị định kỳ cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bắt đầu từ tháng 10/2013. Hai nước hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ, ASEM, ASEAN, EU, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Về kinh tế, hiện nay, Vương quốc Bỉ là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU (sau Hà Lan, Đức, Pháp, Italia, Áo). Năm 2023, thương mại hai chiều đạt 3,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD. Quan hệ giữa các tổ chức kinh tế trung ương, địa phương, ngành của Việt Nam với 3 vùng Wallonie, Flanders và Bruxelles được tăng cường và mở rộng. Về đầu tư (FDI), tính đến tháng 12/2023, Vương quốc Bỉ có 87 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU có đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác phát triển, Vương quốc Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam. Sau năm 2018, Vương quốc Bỉ tiếp tục hợp tác theo hướng phát triển thông qua gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ Bỉ.
Trong hợp tác nông nghiệp, Vương quốc Bỉ là thị trường hàng nông sản đứng thứ 4/28 nước EU của Việt Nam, nhất là thủy sản và cà phê. Hiện nay, hai bên đang triển khai nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; công nghệ khử mặn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành cacao, an toàn thực phẩm...
Trong các lĩnh vực khác, hai bên có cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học, công nghệ (định kỳ 3 năm/lần) và đã tổ chức 6 kỳ họp (kỳ họp lần thứ 6 diễn ra vào tháng 6/2023); các hiệp định hợp tác về văn hóa và giao thông. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và giáo dục, đào tạo cũng được tăng cường. Cộng đồng người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ có khoảng 13.000 người với 12 hội đoàn người Việt.
Trong tổng thể quan hệ hai nước, quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Vương quốc Bỉ được triển khai ở các cấp độ, với Nghị viện liên bang, Nghị viện các Vùng và Cộng đồng ngôn ngữ và đạt nhiều kết nhiều kết quả tích cực, thông qua các chuyến thăm cấp cao, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các nghị sĩ và phối hợp trên các diễn đàn nghị viện đa phương (IPU, APF, ASEP). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 9/2021) và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (tháng 11/2023) đã thăm, làm việc tại Vương quốc Bỉ. Tháng 8/2023, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose đã thăm chính thức Việt Nam và đã ký Ý định thư về hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Vương quốc Bỉ. Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy ký Thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Vương quốc Bỉ trong thời gian sắp tới.
Theo dự kiến, Hạ nghị sĩ, Bộ trưởng Quốc vụ, nguyên Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Andre Flahaut sẽ tới thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 15-20/5/2024. Việc Việt Nam đón Đoàn nhằm khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, hai cơ quan lập pháp; mong muốn đẩy mạnh hợp tác song phương về kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, hợp tác phát triển, giáo dục và khoa học - công nghệ... Đồng thời thúc đẩy việc ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Vương quốc Bỉ, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất; tranh thủ thúc đẩy EU gia tăng quan tâm đối với vấn đề nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tác động tới các cơ quan lập pháp khác của Châu Âu để có các Nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tương tự như Nghị viện Bỉ đã làm.
Về phía Bỉ, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này thể hiện sự coi trọng trong quan hệ hợp tác với Quốc hội cũng như các cá nhân lãnh đạo Quốc hội Việt Nam. Cùng với đó thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác hai nước, nhất là trên lĩnh vực quan hệ hợp tác nghị viện, kinh tế, nhân đạo; thăm thực tế, tìm hiểu, trao đổi về các biện pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Hạ nghị sĩ, Bộ trưởng Quốc vụ, nguyên Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Andre Flahaut sẽ tới chào xã giao lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và hội đàm Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà. Dự kiến trong chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hai nước trên kênh ngoại giao nghị viện; đẩy mạnh hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao, cấp uỷ ban và cơ quan phục vụ Quốc hội hai nước. Cùng với đó, hai bên cũng sẽ trao đổi các nội dung để thúc đẩy việc ký Thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Vương quốc Bỉ./.