TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
ĐBQH NGUYỄN VIỆT HÀ: CẦN CHÚ TRỌNG TẠO THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU ĐA DẠNG, BỀN VỮNG CHO DOANH NGHIỆP
Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao, bày tỏ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có Báo cáo số 212/BC-CP ngày 04/5/2024 về công tác bảo vệ môi trường năm 2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 2512/BC-UBKHCNMT15 ngày 22/5/2024 về ý kiến đối với Báo cáo nêu trên. Qua nghiên cứu, có thể nhận thấy trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó đáng lưu ý các chỉ tiêu môi trường đều tăng dần qua các năm. Năm 2023 các chỉ tiêu được thống kê, đánh giá đều đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Tạ Đình Thi đề cập đến vấn đề môi trường làng nghề, một vấn đề khá nhức nhối lâu nay được cử tri và Nhân dân nhiều địa phương, nhất là những nơi có nhiều làng nghề như Thủ đô Hà Nội hết sức quan tâm. Hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có trên 2.000 làng nghề truyền thống, mang đậm nét những giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Mặc dù, chúng ta đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, nhưng đại biểu Tạ Đình Thi nhận thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức và chưa được giải quyết triệt để. Phần lớn hoạt động sản xuất ở các làng nghề đều có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, nước thải và khí thải... Các làng nghề đã, đang trở thành “điểm nóng” ô nhiễm, thậm chí là nguồn cơn xuất hiện các “làng ung thư”...
Đại biểu Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội
Đến nay, mới có 11/47 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành các biện pháp khắc phục ô nhiễm hoặc tự thu hẹp quy mô, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, chấm dứt hoạt động và về cơ bản không còn ô nhiễm; 23/47 làng nghề đang triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Bên cạnh đó, 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo danh mục do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định đang tiếp tục được xử lý. Dù làng nghề hiện đang đóng góp cho sự phát triển của địa phương nhưng đó là sự phát triền không bền vững, không hiệu quả.
Với mục tiêu bảo tồn và phát triển bễn vững làng nghề Việt Nam, trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Tạ Đình Thi kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa và có các biện pháp quyết liệt cụ thể, thiết thực, hữu hiệu trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đã tồn tại trong nhiều năm qua, cụ thể:
Một là, tiếp tục tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá tổng thể công tác bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, đặc biệt là những nơi phát sinh khối lượng chất thải lớn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc xử lý, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, tập trung các làng nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư.
Hai là, tổ chức lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia..., trong đó lưu ý bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, chú trọng đến điều kiện sống của cư dân, “hệ sinh thái” lâu năm, mối liên hệ giữa “nghề” và “làng”.
Ba là, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; áp dụng các chính sách hỗ trợ các làng nghề gây ô nhiễm môi trường chuyển đổi sang các ngành, nghề có ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường; đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân sau khi chuyển đổi ngành, nghề sản xuất hoặc di dời địa điểm sản xuất.
Bốn là, nghiên cứu, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, trong đó có nội dung môi trường làng nghề. Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với làng nghề trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi, nếu chúng ta thay đổi tư duy, quyết tâm làm và làm đến nơi đến chốn thì làng nghề sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển địa phương ở mức cao, hiệu quả hơn, đời sống nhân dân, chất lượng môi trường sống sẽ được cải thiện và đạt được mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề Việt Nam./.