Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường.
Phát biểu với đại diện 20 gia đình chính sách, người có công của xã Lộc Thành và cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu di tích, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ xúc động cùng Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - "địa chỉ đỏ" căn cứ cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước toàn thắng, Nam Bắc liền một dải, bước vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các gia đình có công với đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta.
Chủ tịch Quốc hội biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tỉnh Bình Phước thời gian qua đã có nhiều hoạt động huy động mọi nguồn lực thực hiện chính sách chăm lo cho người có công; bảo đảm xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, gia đình người có công, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho con em các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh...
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành tỉnh Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng để các chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai đầy đủ đến với người có công; triển khai nhanh Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Cùng với đó, tỉnh Bình Phước tiếp tục phát động phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước chăm lo cho người có công để phần nào đền đáp sự hy sinh, mất mát không thể bù đắp được với các gia đình thương binh, liệt sĩ. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng"… và các tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, làm ăn có hiệu quả, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã vượt qua khó khăn, vươn lên.
Tại Khu Di tích, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đã trao 20 phần quà tặng các gia đình chính sách, người có công với cách mạng xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh; tặng quà Ban quản lý Khu di tích và trồng cây lưu niệm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng quà
Ghi sổ lưu niệm tại đây, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "Căn cứ Tà Thiết là di tích lịch sử quý giá, ghi dấu những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất, trí tuệ và tài năng của Nhân dân ta, Dân tộc ta". Chủ tịch Quốc hội mong muốn, lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Ban Quản lý Khu Di tích quan tâm, nỗ lực hơn nữa để thu hút nhiều hơn du khách đến tham quan, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được xây dựng từ năm 1973 tại khu rừng thuộc sóc Tà Thiết. Tại đây, dưới những tán cây lớn và rừng le đan chằng chịt là nơi các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã từng sống, chiến đấu và trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam gồm các đồng chí: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh…
Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết
Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trong giai đoạn cuối của kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây đã diễn ra các sự kiện quan trọng: nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, là nơi triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt, năm 1975, tại đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khu di tích Căn cứ Tà Thiết là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, di tích vừa là "địa chỉ đỏ" có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa là điểm đến du lịch lý tưởng của du khách./..