ƯU TIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO VÀ BỐ TRÍ NGÂN SÁCH CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM
Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, trong các báo cáo của Chính phủ thì nội dung đánh giá về chỉ tiêu, chất lượng, tăng năng suất lao động cũng không đạt được chỉ tiêu đặt ra mà chỉ tiêu này nhiều lần các đại biểu đã đề cập nhưng vẫn không có giải pháp khắc phục có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do việc đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để có giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu này trong thời gian tới, đại biểu cho rằng lĩnh vực đào tạo nghề cần hết sức quan tâm. Theo đại biểu, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện nay chưa được quy hoạch một cách đồng bộ, rõ ràng, thiết thực và đáp ứng yêu cầu. Cho nên, mặc dù hệ thống trường dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp số lượng thì lớn, nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, nhiều cơ sở giáo dục dạy nghề, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được điều kiện giảng dạy. Chương trình chưa phù hợp, đội ngũ giảng viên của chúng ta chưa đáp ứng.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Nhấn mạnh giải pháp trong thời gian tới, đại biểu nêu rõ, chúng ta phải củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đề án sắp xếp giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ đã phê duyệt giai đoạn 2021-2030 phải có giải pháp để quy hoạch tổng thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cả nước để xây dựng các nghề trọng điểm, các trường trọng điểm đáp ứng với yêu cầu quốc tế, khu vực, các trường trọng điểm để đáp ứng yêu cầu quốc tế, khu vực và trong nước; tránh tình trạng các trường dạy nghề số lượng thì nhiều nhưng chất lượng đào tạo nghề còn hết sức khó khăn. Khắc phục tình trạng vừa lãng phí về các nguồn lực hiện nay, đồng thời không đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn về việc dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề của chúng ta.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ trên cơ sở đề án việc sắp xếp các cơ sở giáo dục dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo phải làm quyết liệt, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Truyền tải ý kiến của cử tri Đắk Lắk, đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay chúng ta đang trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đó là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay cử tri cho rằng Đắk Lắk cũng đang gặp một số khó khăn, bất cập, đó là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố lại không thuộc về đối tượng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị đào tạo. Từ đó đặt ra câu hỏi 03 chương trình mục tiêu này hướng tới mục tiêu cuối cùng là gì? Chúng ta phải đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà đây cũng là các huyện đều có những yếu tố khó khăn. Nếu chúng ta không hướng tới một địa bàn cấp cơ sở như vậy và cấp chung là cấp huyện thì chương trình mục tiêu này cũng khó đạt được mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chương trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Vì vậy, đại biểu đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên vào đối tượng hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, vùng nghèo, vùng khó khăn tại điểm a, tiểu mục 4, mục 3 Quyết định số 90 ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề tại các đơn vị này. Thực tế các trung tâm này thì vừa thiếu về các thiết bị đào tạo nghề, các thiết bị đầu tư thì cũng chưa đồng bộ và cũng chưa đáp ứng được công tác đào tạo nghề ở địa bàn nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Qua nghiên cứu báo cáo kết hợp với thực tiễn của địa phương tỉnh Đồng Nai, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết một số vấn đề về lao động cần tiếp tục quan tâm. Đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với các Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trong các phần đánh giá, đại biểu đề nghị phải đánh giá thêm về khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh cũng như là đánh giá về thực trạng các doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh việc có đơn hàng trở lại ở một số ngành nghề có những tiến triển rất cụ thể, rõ rệt. Nhưng tình hình chung thì vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Ví dụ, đối với lĩnh vực sản xuất mà đặc biệt đối với ngành giầy da và dệt may cũng như ngành gỗ, trước đây khi đơn hàng không có thì lực lượng lao động này rút về quê rất nhiều; đến thời điểm này, một số đơn hàng đã quay trở lại. Đặc biệt, đối với dệt may và giày da ở trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai với 1.300.000 lao động và lao động ở các doanh nghiệp mà giầy da thì chiếm tỷ lệ rất lớn, có những doanh nghiệp đến 45.000 lao động. Nên khi mà đơn hàng quay trở lại cũng tạo việc làm cho người lao động. Nhưng thực tế diễn ra đó là tuyển dụng thêm lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các báo cáo của Chính phủ, định hướng của năm 2024 cũng có đưa ra giải pháp cần nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo về nhu cầu sử dụng lao động cũng như nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của các doanh nghiệp, điều này là rất đúng. Nếu dự báo kịp thời kết hợp những giải pháp trong vấn đề kết nối cung cầu lao động thì sẽ tạo được thuận lợi cũng như phát triển doanh nghiệp.
Đại biểu chia sẻ thêm thông tin, hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai, thực tiễn diễn ra đó là nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Ví dụ như một doanh nghiệp thôi có thể nhu cầu đến 5.000-10.000 lao động, nhưng mỗi tháng hoặc mỗi ngày chỉ tuyển được cùng lắm và tối đa khoảng vài trăm lao động, không thể đáp ứng được việc mở rộng sản xuất. Do đó đại biểu đề nghị đánh giá thực chất để có những giải pháp rõ hơn trong vấn đề đào tạo lao động, phục hồi cũng như phát triển sản xuất.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hà Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa chỉ ra rằng, trong quá trình đô thị hóa hiện nay hoặc việc quy hoạch ở các địa phương ngày càng ảnh hưởng nhiều đối với đời sống của người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có những dự án, những đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung. Vẫn còn nhiều khó khăn trong đời sống của người dân ở nông thôn khi các địa phương tiến hành quy hoạch, nhất là ở người dân ở độ tuổi từ 50 trở lên. Nếu trước đây đời sống ở những độ tuổi này nếu không có việc làm ở ngoài thì ngay tại gia đình của mình với tư liệu sản xuất họ cũng đã sinh sống, làm việc được. Tuy nhiên thì quá trình đô thị hóa, việc mất đất, mất tư liệu sản xuất diễn ra thì ở độ tuổi 50 trở lên rất là khó kiếm việc làm nói chung và đối với phụ nữ nói riêng.
Do đó, trong khi triển khai các dự án, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như là các bộ, ngành liên quan quan tâm đến việc xây dựng các giải pháp để hỗ trợ lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm đối với phụ nữ ở độ tuổi từ 50 trở lên trong thời gian tới.