HÀ TĨNH: CỬ TRI ĐỀ XUẤT NHIỀU VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Phát huy trách nhiệm, có nhiều ý kiến quan trọng về các nội dung kỳ họp thông qua
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trải qua 27,5 ngày làm việc với khối lượng công việc lớn, cường độ làm việc cao. Tham dự kỳ họp, các vị ĐBQH đoàn Hà Tĩnh đã tham gia đầy đủ các phiên họp, các hoạt động của các cơ quan Quốc hội và của đoàn tổ chức với 35 buổi thảo luận hội trường, 13 buổi thảo luận tổ, 4 buổi thảo luận đoàn.
Đã có 35 lượt ý kiến của các vị ĐBQH trong đoàn phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng các dự án luật, nghị quyết cũng như giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật. Các ý kiến đã được chủ tọa kỳ họp đánh giá cao, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri Hà Tĩnh về các vấn đề được dư luận quan tâm.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự Kỳ họp thứ 7.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Đoàn đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, qua đó nghiên cứu, tổng hợp và gửi văn bản góp ý tất cả các dự án luật và nghị quyết trình kỳ họp. Đồng thời, tích cực đóng góp ý kiến trực tiếp tại các phiên thảo luận, nhất là các dự án luật có sự tác động lớn như: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035;…
Các đại biểu Quốc hội trong đoàn đã tích cực, chủ động phát biểu thảo luận, ghi dấu trên nghị trường Quốc hội với những nội dung kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn và ý nguyện của cử tri. Đơn cử như: Việc đề xuất sớm có quy định quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; mở rộng đối tượng hưởng chế độ thai sản cho người thân đăng ký phục vụ khi phụ nữ sinh con; cơ chế linh hoạt BHXH bắt buộc và tự nguyện đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở làm việc hệ thống ngành tư pháp. Hay việc đề nghị đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân; xem xét cho phép các tổ chức hành nghề công chứng được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; bỏ quy định xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân và các giấy tờ trong hồ sơ công chứng; quy định chi tiết về vật liệu nổ có tính năng, tác dụng tương tự; cân nhắc quy định không được nổ súng khi trên phương tiện có chở người hoặc con tin;…
Từ phản ánh của cử tri, thảo luận tại tổ, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ băn khoăn về chất lượng lao động còn hạn chế; tình trạng thiếu thuốc ở một số bệnh viện kéo dài; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở còn nhiều hạn chế; sản phẩm OCOP nhiều nhưng chất lượng chưa cao…
Đồng chí Hoàng Trung Dũng điều hành phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề xuất bố trí nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm, khai thác hiệu quả giá trị văn hóa phi vật thể; thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội; tiếp tục quan tâm đúng mức chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở; tăng cường quản lý mạng xã hội, định hướng kịp thời dư luận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền về tín chỉ cacbon; tạo tính chủ động, chịu trách nhiệm cho địa phương; làm rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để sắp xếp các đơn vị hành chính; sớm điều chỉnh chính sách dân số phù hợp với tình hình mới.
Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về quan điểm, cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; việc chậm trễ ban hành danh mục dịch vụ, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công ảnh hưởng tới chủ trương, cơ chế tự chủ lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.
Các đại biểu Quốc hội trong đoàn cũng tham gia thảo luận, thực hiện công tác nhân sự nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo quy định với việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Bộ trưởng Bộ Công an; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng.
Bám sát thực tiễn, thông tin kịp thời và hiệu quả
Ngay sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri toàn tỉnh để nhanh chóng lan tỏa kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và nội dung hoạt động của Đoàn ĐBQH tại kỳ họp. Qua đó, tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan.
Đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.
Phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri, đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm; ghi nhận những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh Hà Tĩnh; thông tin về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm; tiếp thu, giải trình những ý kiến thuộc thẩm quyền và kỳ vọng tiếp tục nhận được sự theo dõi, phản ánh kịp thời của cử tri và Nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu dân cử đối với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng.
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề về chính sách, pháp luật phát triển văn hóa. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuyên gia trên lĩnh vực văn hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tổng hợp nhiều ý kiến góp ý sâu sắc nhằm hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa và các chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa.
Với những kết quả nổi bật trước, trong và sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thắt chặt kết nối giữa đại biểu dân cử và cử tri, tiếp tục mang tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà đến gần hơn với các cơ quan Trung ương. Từ đó, mỗi quyết sách của Quốc hội, Chính phủ được ban hành mang đậm hơi thở thực tiễn cuộc sống, kịp thời và sát đúng.
Tại kỳ họp, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh được phân công làm Tổ trưởng Tổ thảo luận gồm ĐBQH 4 tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Tĩnh. Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Tổ trưởng Tổ thảo luận đã điều hành các phiên thảo luận khoa học, hiệu quả, tổng hợp được nhiều ý kiến quan trọng của các ĐBQH…
Bên lề kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức các cuộc hội nghị tham vấn chính sách, pháp luật liên quan; làm việc với một số bộ, ngành, đơn vị, địa phương...
|