HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

12/07/2024

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất lao động, hội nhập kinh tế quốc tế. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần hoàn thiện thể chế cũng như khung pháp lý tạo điều kiện phát triển về kinh tế số.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM THAM DỰ DIỄN ĐÀN "XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ SỐ SÔI ĐỘNG Ở ASEAN"

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Bàn về vấn đề phát triển kinh tế số, đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, tăng cường đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo là những giải pháp quan trọng giúp tăng năng suất lao động. Phản ánh thực trạng ứng dụng công nghệ trong thủ tục hành chính hiện nay, đại biểu cho rằng còn một khoảng cách dài giữa hiện trạng và mục tiêu đặt ra, cũng như tiềm năng hiện có. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, cần sớm nhận thức, đương đầu và giải quyết những thách thức khi trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới phát triển quá nhanh đến mức nằm ngoài tầm kiểm soát.

Cùng đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phản ánh, hiện nay, kinh tế số đang là xu hướng nổi lên ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó chỉ rõ cần phải hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế số mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và cũng như là không gian mạng v.v. Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đưa ra những định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021 đến 2030, trong đó nêu rõ, cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng và phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Theo đại biểu, Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua các chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật trong thời gian vừa qua, cụ thể, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số v.v...đã được ban hành. Đồng thời, Bộ chỉ số công cụ đo lường kinh tế số cũng đã được ban hành nhằm để đánh giá hoạt động kinh tế số của Việt Nam. Nhờ đó mà trong giai đoạn 2020 đến năm 2023, kinh tế số đã có những bước phát triển mới và thể hiện vai trò cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Đại biểu nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực này còn có những khó khăn, hạn chế, trong đó, các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách hạ tầng, nguồn nhân lực là vẫn còn là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số, khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và một số các luật liên quan đang được Quốc hội cho ý kiến, cần tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới, nhất là thu hút đầu tư vào nghiên cứu, phát triển tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại điện tử và công nghệ số. Tiếp tục rà soát và chỉnh sửa, bổ sung các tiêu chí phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cách đo lường trên thế giới, nhằm thống nhất cách đánh giá về kết quả hoạt động kinh tế số, tạo thuận lợi cho việc so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trên thế giới. Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm để kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề phát triển công nghệ số tại cơ sở, đại biểu Phạm Đại Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, cần thực hiện các bước đột phá cần thiết, phải có cơ chế chính sách, định hướng cụ thể được phổ biến xuống tận cơ sở. Để chủ trương phát triển kinh tế số được thực hiện ở cơ sở, cần tư duy và sự quyết liệt của người đứng đầu, của hệ thống chính trị, đồng thời cũng cần có hướng dẫn chi tiết, có sự cụ thể hóa về thể chế, và nhất là nguồn lực đầu tư.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển hóa năng lượng còn chậm, trong khi đây là những động lực tăng trưởng mới cần được tập trung thúc đẩy trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị khẩn trương xây dựng hoàn thiện thể chế cũng như khung pháp lý tạo điều kiện phát triển về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, giá trị mà kinh tế số của Việt Nam đóng góp trong GDP còn khiêm tốn, chiếm khoảng 12% GDP trong giai đoạn 2020 - 2023. Cần hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các kinh tế số, sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng xanh.

Hồ Hương

Các bài viết khác