CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC

30/07/2024

Tại Hội thảo khoa học về “Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, ý kiến của các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc, trong đó có các chính sách cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc. Tuy nhiên đề nghị cần bảo đảm các chính sách của Luật không chồng chéo, mâu thuẫn hay thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”, đồng thời cần tiếp tục làm rõ một số chính sách cơ bản của dự án Luật trong thời gian tới.

HỘI THẢO KHOA HỌC “THỂ CHẾ HÓA QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP 2013 VỀ LĨNH VỰC DÂN TỘC”

Quang cảnh Hội thảo

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc

Hội thảo khoa học “Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc” do Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức sáng 30/7 nhằm thảo luận, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 trong lĩnh vực dân tộc để nhận diện các vấn đề đặt ra trong thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chính sách dân tộc; đề xuất định hướng nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc (gồm tên luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; lĩnh vực, nội dung điều chỉnh…). Trên cơ sở đó, các ý kiến đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc ở nước ta. Kết quả Hội thảo này là cơ sở để chuẩn bị Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc, trong đó có các chính sách cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc; các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách dân tộc; đề xuất được những nội dung chính sách cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, như: quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 1 Điều 60, khoản 5 Điều 70, Điều 75 của Hiến pháp…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các ý kiến cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc ban hành các đạo luật điều chỉnh các nội dung liên quan đến dân tộc thiểu số ở các quốc gia; đề cập về tiến trình thực hiện Luật Dân tộc 1993-2017. Theo đó, Luật Dân tộc đã trải qua các giai đoạn, quá trình chuẩn bị soạn thảo 15 năm với 18 lần trình dự thảo lấy ý kiến. Đây là một trong những dự án Luật có thời gian “thai nghén” dài nhất, qua đó có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm từ việc triển khai xây dựng dự án Luật này như phải bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, công tác dân tộc; xử lý tốt vấn đề quan hệ giữa dự thảo Luật với những nội dung chính sách pháp luật đã có.

Khuyến nghị đối với việc xây dựng dự án Luật Dân tộc, một số ý kiến đề nghị cần xem xét cách tiếp cận xây dựng dự thảo Luật theo hướng phải giải quyết vấn đề dân tộc quốc gia mấu chốt là quan hệ dân tộc, bao gồm chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Hồ sơ, thủ tục phải đầy đủ theo quy định, bảo đảm các bước tiến hành; bản thuyết minh rõ ràng, bảo đảm về thời gian trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc lấy ý kiến cần tham khảo ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ dân tộc các ngành quan trọng có liên quan để hoàn thiện dự thảo và tạo sự thống nhất về nhận thức chung.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng dự án Luật về lĩnh vực dân tộc

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo khoa học về “Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc” đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận thấy, các ý kiến tham gia cơ bản đều rất thẳng thắn, xác đáng, giá trị, đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề của Hội thảo. Đây chính là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất, lập đề nghị xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc; bên cạnh đó, đây cũng là những tư liệu quý báu phục vụ thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc của các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, ý kiến của các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc

Trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật về dân tộc. “Mặc dù những chính sách dân tộc trong hệ thống pháp luật thời gian vừa qua đã phát huy tác dụng nhất định trong việc phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nhưng chưa thể hiện rõ tính chiến lược, chưa đồng bộ, áp dụng một mô hình cho nhiều vùng, nhiều dân tộc mà chủ yếu mới đáp ứng những yêu cầu cấp bách, trước mắt. Bên cạnh đó, các quy định này nằm rải rác, tản mạn ở rất nhiều văn bản luật, thường mang tính quy định chung chung”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhận thấy, nhiều thuật ngữ, khái niệm trong các chính sách dân tộc được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhưng chưa được xác định cụ thể về nội hàm hoặc chỉ được quy định chung chung, chưa rõ ràng; sự phân định giữa các khái niệm cũng chưa tách bạch, còn chồng chéo về phạm vi, đối tượng (khái niệm “chính sách dân tộc” còn đang có nhiều ý kiến khác nhau). Theo đó, đã gây những khó khăn, vướng mắc nhất định trong xác định nội hàm tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật về lĩnh vực dân tộc.

Cơ bản thống nhất sự cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc

Nêu rõ ý kiến của các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội thảo đã có những nghiên cứu bước đầu để đề xuất được những nội dung chính sách cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, như: quy định tại khoản 1 Điều 58, khoản 1 Điều 60, khoản 5 Điều 70, Điều 75 của Hiến pháp…

Các đại biểu cũng có những ý kiến bước đầu về tên gọi, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và một số chính sách cơ bản của dự án Luật. Tuy nhiên, những nội dung này và mối quan hệ của dự án Luật này với các luật khác đang quy định về chính sách dân tộc là vấn đề hết sức phức tạp, do đó cần được tiếp tục nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần xác định được đối tượng áp dụng là người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xác định phạm vi điều chỉnh chỉ là các chính sách về hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực, hay đây là Luật chung về công tác dân tộc có phạm vi điều chỉnh bao trùm các chính sách dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, quan điểm nguyên tắc xây dựng dự án Luật về lĩnh vực dân tộc phải xác định đúng đắn ngay từ đầu, đồng thời cần bảo đảm các chính sách của Luật không chồng chéo, mâu thuẫn hay thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, quan điểm nguyên tắc xây dựng dự án Luật phải xác định đúng đắn ngay từ đầu, vì đây là dự án Luật có liên quan đến nhiều luật, văn bản dưới luật khác có các điều, điều khoản quy định về chính sách dân tộc, cần bảo đảm các chính sách của Luật không chồng chéo, mâu thuẫn hay thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Chúng ta cần khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”, chỉ mang tính hình thức. Đó là những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa trong thời gian tiếp theo”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ.

Trên tinh thần mục đích, ý nghĩa Hội thảo này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Tiểu ban Kinh tế - Ngân sách của Hội đồng Dân tộc tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo, hoàn thiện Kỷ yếu Hội thảo để làm cơ sở tổng hợp vào báo cáo đề xuất xây dựng dự án Luật, đồng thời, gửi các cơ quan có liên quan tham khảo, khai thác trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân tộc.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội góp ý về những vấn đề đặt ra trong thể chế Hiến pháp năm 2013 và chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chính sách dân tộc

TS. Nguyễn Thị Tám - Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội trình bày về những vấn đề đặt ra trong thể chế Hiến pháp năm 20213 liên quan đến chính sách dân tộc

TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề cập về những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai xây dựng Luật Dân tộc, khuyến nghị đối với việc xây dựng dự án Luật trong thời gian tới

TS. Hoàng Xuân Thành, chuyên gia độc lập bàn về cơ sở chính trị, pháp lý xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc trong giai đoạn hiện nay

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia góp ý về phương pháp tiếp cận, tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh Luật về lĩnh vực dân tộc

TS. Lê Minh Anh - Viện Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng