Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo

10/09/2024

Sáng ngày 10/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng chủ trì Tọa đàm.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng chủ trì Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Cơ quan soạn thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo...

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cho biết, Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua năm 2012, đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Qua thời gian, Luật Quảng cáo đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua 12 năm thực thi, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, cần thiết sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự phát triển đa dạng của quảng cáo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến

Nêu rõ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được Quốc hội phân công chủ trì thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến mong muốn, các đại biểu tại Tọa đàm đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt về các nội dung liên quan đến: Quảng cáo trên môi trường mạng; quảng cáo trên báo chí; quảng cáo ngoài trời; quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo sản phẩm đặc biệt…

Qua thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã có những đề xuất sửa đổi, bổ sung về hình thức, nội dung, phương tiện quảng cáo; về thủ tục hành chính; về phương thức quản lý quảng cáo... cho sát hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thế tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo như mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật, các ý kiến cho rằng, Cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thể hiện rõ hơn những vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số; thể hiện sự mạnh dạn, đổi mới, đột phá hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành hoạt động quảng cáo và có sự định đoán tương lai để đảm bảo tính khả thi, ổn định lâu dài khi Luật khi được ban hành.

Các đại biểu tại Tọa đàm

Nhấn mạnh quảng cáo số và ứng dụng AI trong quảng cáo trên các ứng dụng thương mại điện tử là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ, các chuyên gia cho rằng, cần có hành lang pháp lý hoàn thiện về nội dung này nhằm đảm bảo điều kiện cho quảng cáo số phát triển bền vững và mang lại lợi ích, hiệu quả cho nền kinh tế số.

Theo đó, dự thảo Luật lần này cần phải được cập nhật các quy định về thông điệp quảng cáo số để phù hợp với sự phát triển của công nghệ số và xu hướng tiêu dùng số. Đồng thời, quy định cụ thể về các hành vi quảng cáo bị cấm trên nền tảng số như: Quảng cáo gian dối, quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo gây hiểu nhầm, quảng cáo xâm phạm quyền riêng tư, quảng cáo phản cảm, quảng cáo vi phạm bản quyền... Cùng với đó, tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo trong thương mại điện tử…

Hiện nay, quy hoạch quảng cáo đang được sửa đổi và được xây dựng là quy hoạch định hướng, đưa ra các tiêu chí về hình dáng, số lượng bảng, chất liệu... Theo các đại biểu, đây là sự thay đổi phù hợp nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng quy hoạch cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các Hội/Hiệp hội quảng cáo để đảm bảo về tính khách quan. Ngoài ra, đối với các tỉnh/thành phố chưa ban hành quy hoạch mới, các đại biểu cho rằng, các cơ quan chức năng vẫn nên cho phép doanh nghiệp triển khai các vị trí quảng cáo mới. Sau đó, khi quy hoạch được ban hành, các vị trí này sẽ được bổ sung vào quy hoạch để đảm bảo tính hợp pháp và sự phát triển bền vững của ngành quảng cáo.

Đại biểu phát biểu tại Tọa đàm

Khẳng định quảng cáo ngoài trời là một hình thức quảng cáo quan trọng, phần lớn liên quan đến hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng trong việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch quảng cáo, hướng dẫn cấp phép xây dựng bảng quảng cáo, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về quảng cáo ngoài trời... Đặc biệt, cần hạn chế, tránh những quy định chung chung như: “Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”, “và các hình thức tương tự khác”... có thể gây khó khăn khi triển khai trong thực tế.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, do hạn chế về kích thước và thời gian tiếp xúc thông điệp quảng cáo, nên các phương tiện quảng cáo ngoài trời thường khó truyền tải đầy đủ thông tin mà không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và hiệu quả của chiến dịch quảng cáo. Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đề xuất việc sử dụng QR code như một giải pháp tối ưu. Bởi bằng cách tích hợp QR code vào nội dung quảng cáo, người xem có thể dễ dàng truy cập vào link để xem thông tin chi tiết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt một cách nhanh chóng và thuận tiện, đầy đủ, mà không cần phải tốn nhiều diện tích hiển thị trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.

Ngoài ra, để khẳng định vai trò của quảng cáo trong nền kinh tế nói chung và trong công nghiệp văn hóa, các đại biểu đề nghị sửa đổi nội dung “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo” thành “Quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng do Chính phủ thống nhất quản lý”. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật về quyền sở hữu tài sản, quyền được bồi thường, hỗ trợ, đền bù các phương tiện quảng cáo được đầu tư hợp pháp trong trường hợp phải tháo dỡ, di chuyển để phục vụ dự án phát triển kinh tế – xã hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng bày tỏ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu; cho rằng các ý kiến tại Tọa đàm hôm nay đã gợi mở nhiều vấn đề mới, nhiều giải pháp hay, hữu ích cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho biết, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất; đồng thời bày tỏ mong muốn, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tiếp tục có những góp ý thiết thực đối với dự án Luật này trong thời gian tới, nhằm một mục tiêu tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm: 

Toàn cảnh Tọa đàm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến phát biểu khai mạc

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng

Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh

Ông Bùi Quang Cường, đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam

Ông Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN (liên minh với Baker McKenzie)

Bà Bùi Việt Lâm, đại diện Hiệp hội kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

 Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp Nguyễn Thế Tân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng phát biểu kết luận

Các đại biểu tại Tọa đàm

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác