Nhiều kỳ vọng đối với dự án Luật Nhà giáo

17/09/2024

Dự án Luật Nhà giáo đang được Chính phủ hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Theo Chương trình, dự án Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tuần sau. Đây là dự án Luật được đông đảo cử tri quan tâm, đặc biệt là các nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước. Cổng TTĐT Quốc hội đã có buổi trao đổi với TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để làm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của các nhà giáo đối với dự án Luật này.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà giáo: Làm rõ đặc thù của nhà giáo so với các ngành nghề khác

TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương

Phóng viên: Dự án Luật Nhà giáo đang được Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân. Bà có đánh giá như thế nào sự cần thiết phải xây dựng một dự án Luật riêng về Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay?

TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương: Thực tế hiện nay hệ thống pháp luật về nhà giáo ở nước ta cũng tương đối nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, cũng chính bởi các quy định về nhà giáo được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức...), dẫn đến tính đồng bộ chưa cao, chưa thực sự đảm bảo phù hợp với tính chất nghề nghiệp của nhà giáo và còn nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về nhà giáo cũng chưa được thể chế đầy đủ và kịp thời. Các quy định về nhà giáo hiện nay chủ yếu được quy định ở các văn bản dưới luật nên không thể giải quyết thấu đáo được nhiều vấn đề liên quan đến nhà giáo, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi và lợi ích của các nhà giáo đang công tác trong ngành giáo dục của nước ta. Chưa kể các nội dung này được quy định tản mác, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành vào những thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên còn gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và các nhà giáo.

Do vậy tôi cho rằng, việc xây dựng một dự án Luật riêng về nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật về nhà giáo hiện hành, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, tạo động lực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho ngành giáo dục của đất nước.

Phóng viên: Trong dự án Luật Nhà giáo, đâu là nội dung mà bà quan tâm?

TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương: Dự thảo Luật Nhà giáo lần này đã có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ nhà giáo, như: Định danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; những hành vị bị nghiêm cấm cùng với các quy đinh về xử lý vi phạm…

Trong dự án Luật Nhà giáo này, tôi đặc biệt quan tâm đến toàn bộ nội dung về chính sách cho nhà giáo như: Vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau… Đặc biệt là chính sách để thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục. Bởi chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

Ngoài ra, bên cạnh những chính sách, lợi ích mà dự án Luật đem lại cho nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo cũng cần đồng thời yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới. Tôi rất mong dự án Luật Nhà giáo lần này quan tâm, quy định cụ thể, đầy đủ hơn những vấn đề về bồi dưỡng nhà giáo, trong đó có năng lực ngoại ngữ và năng lực về công nghệ thông tin cho nhà giáo, để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện tại và tương lai của ngành giáo dục.

Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì thế, vai trò của tin học và ngoại ngữ rất quan trọng và có thể hỗ trợ đắc lực nhà giáo trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức, phương thức giáo dục mới, hiện đại trong thời đại thông tin, kết nối và toàn cầu hóa. Nếu giáo viên không nắm vững hoặc yếu ngoại ngữ, tin học thì ngành giáo dục của chúng ta sẽ không thể hội nhập và tận dụng những thành quả của cuộc cách mạng số đem lại.

Phóng viên: Bà có kỳ vọng gì đối với dự án Luật này khi được ra đời?

TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương: Luật Nhà giáo được ngành Giáo dục và đội ngũ nhà giáo mong đợi từ rất lâu. Tôi cho rằng, dự án Luật Nhà giáo khi ra đời nếu đảm bảo được chất lượng tốt, tính khả thi sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục nước ta lên tầm cao mới.

Tôi mong muốn pháp luật về nhà giáo khi được xây dựng thành một đạo luật riêng sẽ mang tính nhân văn cao hơn, với những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, sống với nghề và gắn bó với sự nghiệp trồng người; tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy được tối đa sở trường, năng lực của mình trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác