Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tiếp xúc cử tri tỉnh Ninh Bình

01/10/2024

Ngày 30/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Kim Sơn và thành phố Tam Điệp trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang

Chủ tịch Quốc hội: Giải quyết kiến nghị cử tri trên tinh thần việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm

Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri

Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng cử tri của huyện Kim Sơn và thành phố Tam Điệp.

Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 21/10 - 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024. Tại kỳ họp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 16 dự án luật và xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án; Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 nghị quyết quy phạm. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); công tác nhân sự thuộc thẩm quyền và một số vấn đề quan trọng khác.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh

Tại các cuộc tiếp xúc, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cử tri đã phản ánh những khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cấp, ngành, địa phương quan tâm giải quyết.

Tại huyện Kim Sơn, cử tri nêu vấn đề về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong hệ thống hành chính công. Tuy nhiên, đối với Công chức Địa chính - Xây dựng cấp xã mà chuyển đổi vị trí thì hết sức khó khăn, vì đất đai là lĩnh vực có tính đặc thù, công chức sau khi luân chuyển, cần ít nhất 2 - 3 năm để thuộc địa bàn. Với thời gian luân chuyển này, công chức vừa thuộc địa bàn thì lại đến thời gian luân chuyển, ảnh hưởng tới công tác tham mưu và quản lý đất đai trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự

Dù không còn là vấn đề mới nhưng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế vẫn được cử tri quan tâm kiến nghị. Cử tri nêu thực tế khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, có nhiều loại thuốc không có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, người dân đã phải tự mua ngoài, gây khó khăn cho người bệnh, nhất là đối với người nghèo. Đồng thời, kiến nghị với Bộ Y tế xem xét; cân đối, ưu tiên nguồn lực, bổ sung thêm các hạng mục thuốc, trang thiết bị được hưởng từ bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Quan tâm đến chiến lược phát triển của tỉnh, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét để Ninh Bình sớm được hưởng các chính sách đặc thù về đô thị di sản, qua đó giúp Ninh Bình có thêm các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp có khối lượng công việc lớn nhất và có thời gian họp dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó công tác lập pháp là trọng tâm, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng trước thềm Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Tư duy lập pháp của Quốc hội sẽ chuyển từ làm luật để quản lý các lĩnh vực xã hội sang làm luật để quản lý và kiến tạo, phát triển. Phó Chủ tịch Quốc hội rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri Ninh Bình, cũng như các cơ quan chức năng tham gia góp ý xây dựng pháp luật. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho đại biểu Quốc hội khi thiết kế, xây dựng luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và các ĐBQH tại cuộc tiếp xúc cử tri

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã chia sẻ với khó khăn của công chức địa chính, xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cán bộ địa chính công tâm, khách quan, có chuyên môn giỏi được ví như một hồ sơ sống về lịch sử đất đai tại địa bàn đó. Ngược lại, cán bộ địa chính không hiểu về mảnh đất nơi mình công tác sẽ rất khó khăn trong công tác tham mưu, giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Ghi nhận ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ đề xuất, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hợp lý.

Đối với vấn đề khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Quốc hội đang nghiên cứu, xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, sửa theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế sẽ được công khai, niêm yết tường minh để cử tri và người bệnh giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Chia sẻ với kiến nghị của cử tri liên quan đến các chính sách đặc thù cho tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, chính sách đặc thù chỉ nên áp dụng cho một số địa phương có tiềm năng và sứ mệnh là động lực tăng trưởng cho cả vùng. Bởi nếu chính sách đặc thù áp dụng tràn lan sẽ gây ra sự bất bình đẳng trong phát triển và đánh giá cán bộ. Đồng thời, phá vỡ hệ thống pháp luật.

Tại buổi tiếp xúc tại thành phố Tam Điệp, cử tri nêu lên vấn đề về đầu tư hạ tầng giao thông, tình trạng quá tải bệnh viện hay những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công.

Về vấn đề giáo dục, cử tri cho rằng, chế độ lương đối với giáo viên Mầm non hiện nay còn nhiều thiệt thòi so với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, cử tri đề nghị cần điều chỉnh hệ số lương của giáo viên Mầm non như giáo viên Tiểu học. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ thuộc đối tượng hộ nghèo.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao đổi, làm rõ một số vấn đề. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Luật Nhà giáo với phương châm lương nhà giáo sẽ được thiết kế cao nhất trong hệ thống thang bảng lương công chức, viên chức. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục khảo sát, tổng hợp và chuyển kiến nghị của cử tri đến Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần đảm bảo việc xây dựng luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước./.

Diệu Linh

Các bài viết khác