Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tiếp xúc cử tri và giám sát tại huyện Quang Bình

10/10/2024

Chiều 09/10, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang gồm các đại biểu: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh; Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Vương Thị Hương, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Xín Mần có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với đoàn viên, công nhân, người lao động trên địa bàn huyện Quang Bình.

Tham dự có lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện Quang Bình; cùng đông đảo đoàn viên, công nhân, người lao động trên địa bàn huyện.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Vương Thị Hương thông tin đến cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại nhà Quốc hội; dự kiến khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc vào 30.11. Trong chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua một số dự án luật và nhiều nội dung quan trọng, trong đó có dự án Luật Công đoàn và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Các đại biểu và cử tri tham gia buổi tiếp xúc.

Với tinh thần dân chủ, cử tri đã có nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị đến các ĐBQH nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn và Luật Việc làm, tập trung vào các vấn đề như: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định rõ ràng hơn về quyền chủ động thực hiện quyền giám sát của công đoàn trong Luật Công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra đình công, ngừng việc; nghiên cứu, bổ sung mở rộng cơ chế, chính sách công nhận người lao động có trình độ kỹ năng nghề ở các bậc khác nhau nhưng chưa được công nhận thông qua việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề để thực hiện đánh giá và công nhận cho người lao động; đề nghị tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% trong Luật Việc làm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm; đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn như Luật Công đoàn năm 2012; đề nghị cần bổ sung quy định rõ hơn về chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn…

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại diện Đoàn ĐBQH đã trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc và những vấn đề được cử tri quan tâm.

Cử tri Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Sao Mai phát biểu ý kiến.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết: Việc tổ chức chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề nhằm thực hiện trách nhiệm của đại biểu và giữ mối liên hệ giữa ĐBQH với cử tri; đồng thời đây cũng là dịp để các cử tri trên địa bàn huyện trình bày nguyện vọng, ý kiến, phản ánh với Quốc hội, qua đó phát huy vai trò của đoàn viên, công nhân, người lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đối với các đề xuất, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình trong Kỳ họp thứ 8 tới để kịp thời đáp ứng nguyện vọng của các bậc cử tri.

Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang tặng quà cho đoàn viên, công nhân, người lao động của huyện Quang Bình.

Dịp này, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đã tặng đoàn viên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quang Bình 100 suất quà, tổng trị giá các suất quà hơn 100 triệu đồng.

* Sáng cùng ngày (09/10), Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang do đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi giám sát đối với UBND huyện Quang Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2024. Tham gia đoàn giám sát có các ĐBQH: Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Vương Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần. Cùng dự có đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh phát biểu tại buổi giám sát.

Qua giám sát của Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang cho thấy, thời gian qua, huyện Quang Bình đã triển khai đầy đủ, toàn diện các chính sách về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; trong đó chú trọng chỉ đạo các các ngành, cơ sở tập trung thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; cập nhật nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động trong và ngoài tỉnh; tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong dân để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Qua đó góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển KT - XH của địa phương.

ĐBQH Tráng A Dương phát biểu tại buổi giám sát.

Tính đến nay, toàn huyện Quang Bình có trên 46.000 người trong độ tuổi lao động; số lao động qua đào tạo có gần 30.000 người; 95% số lao động qua đào tạo có việc làm. Trong 9 tháng năm 2024, toàn huyện giải quyết việc làm cho hơn 10.600 người, trong đó trên 4.000 lao động làm việc tại địa phương và gần 6.600 người đi lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.

ĐBQH Vương Thị Hương phát biểu tại buổi giám sát.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Quang Bình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Lao động trên địa bàn huyện chủ yếu là lao động phổ thông, còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ sản xuất hiện đại, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp; giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của huyện còn thiếu, một số giáo viên có chuyên môn không phù hợp; trang thiết bị phục vụ cho đào tạo nghề xã hội hóa còn thiếu.

Đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi giám sát.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh đề nghị UBND huyện Quang Bình tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động có chọn lọc, tập trung phát triển những ngành nghề phù hợp, quan trọng và thiết yếu với từng địa phương, giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động; phát triển chương trình dạy nghề theo hướng đa dạng, linh hoạt, thích ứng với sự phát triển KT - XH của địa phương; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn huyện, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của xã hội; huy động nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Quang cảnh buổi giám sát.

Trong chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang đã tiến hành khảo việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện lực giai đoạn 2022 – 2024 trên địa bàn huyện Quang Bình. Qua khảo sát cho thấy, giai đoạn từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng 19 công trình điện, trong đó 18 công trình đang thi công, 1 công trình đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đóng điện do vướng mắc về thủ tục hồ sơ đất; việc cấp điện cho các thôn vùng sâu chưa đảm bảo theo kế hoạch; tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia còn thấp (93%); công tác thu hồi đất đối với các công trình điện còn gặp nhiều khó khăn… Tại buổi khảo sát, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh đề nghị huyện Quang Bình đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về điện lực đến các tầng lớp nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn trong việc kiểm tra an toàn điện và đập, hồ chứa thủy điện; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình lưới điện và nhà máy thủy điện trên địa bàn.

(Theo báo Hà Giang)

Các bài viết khác