Thiết chế Tổng Thư ký Hạ viện Canada - Kiến nghị đối với mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội Việt Nam

12/10/2024

Theo Thạc sỹ Đỗ Thúy Bình, Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội, mô hình Ban Thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay có nhiều điểm khá tương đồng với Nhóm quản trị của Tổng Thư ký Hạ viện Canada. Tuy nhiên, theo yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết 27-NQ/TW, nhiệm vụ hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội đã được đặt ra, đòi hỏi có sự nghiên cứu, đề xuất một mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc mới cho Quốc hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mở ra một giai đoạn mới cho văn hoá phát triển, đất nước bền vững

 

Thiết chế Tổng Thư ký Hạ viện Canada có một lịch sử lâu dài gắn với truyền thống nghị viện Anh[1]. Tổng Thư ký đầu tiên của Hạ viện Anh được bổ nhiệm vào năm 1363, mặc dù trước đó, các vị vua đã chỉ định người giúp việc làm nhiệm vụ tương tự như Thư ký Hạ viện để ghi lại các chỉ thị và lời cố vấn của quần thần, các vị cố vấn. Khi đó, "thư ký" chỉ đơn thuần là một người biết đọc, biết viết. Do đó, các Tổng Thư ký ban đầu của Hạ viện Anh thường là những người hầu của Hoàng gia được chỉ định để hỗ trợ Hạ viện Anh trong việc thực hiện công việc của mình. Nhiệm vụ của các Tổng Thư ký Hạ viện chủ yếu là đọc kiến nghị và dự thảo luật. Khi Hạ viện đạt được vị thế và sự công nhận, vị thế của Tổng Thư ký Hạ viện cũng được nâng lên và có vị trí nhất định trong tổ chức của Hạ viện. Vào giữa thế kỷ thứ XVI, Tổng thư ký bắt đầu lưu giữ các ghi chú về các thủ tục hoạt động trong Hạ viện và theo thời gian, vai trò của Tổng Thư ký phát triển hơn, nhất là việc tư vấn cho Chủ tịch Hạ viện và toàn thể Hạ viện về các vấn đề quy trình, thủ tục.

Ngày nay, tại các phiên họp của Hạ viện Canada, chúng ta thường thấy các công chức ngồi ở bàn trước ghế của Chủ tịch Hạ viện, đó là những Thư ký của Hạ viện - là các công chức không tham gia đảng phái, có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Hạ viện và các nghị sĩ, đồng thời là những người ghi chép biên bản các phiên họp và các quyết định của Hạ viện. Người đứng đầu các Thư ký là Tổng Thư ký, quan chức thường trực cấp cao của Hạ viện và là người đứng đầu Văn phòng Thư ký – cơ quan tham mưu, giúp việc cho Hạ viện Canada. Ngoài các nhiệm vụ trong Phòng họp Hạ viện, Tổng Thư ký còn là giám đốc điều hành của Văn phòng Hạ viện và là quan chức thường trực cao cấp của cơ quan này.

Một phiên họp của Hạ viện Canada.

Chức vụ Tổng Thư ký Hạ viện Canada được hình thành cùng với việc thành lập Hạ viện Canada vào năm 1867, theo Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh. Kể từ khi thành lập Liên bang, Hạ viện Canada đã phê chuẩn bổ nhiệm 13 Tổng Thư ký. Ngày nay, Tổng Thư ký Hạ viện, với tư cách là “giám đốc điều hành” của bộ máy hành chính của Hạ viện, thuộc sự lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện, có vai trò hỗ trợ, giúp việc Hạ viện thông qua việc cung cấp các dịch vụ và là cầu nối giữa các thành viên Hạ viện, các Ủy ban và các cơ quan của Chính phủ. Tổng Thư ký có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, giải thích cho Chủ tịch Hạ viện và tất cả các thành viên Hạ viện về các quy tắc, tiền lệ và thông lệ của nghị viện, cung cấp thông tin và hỗ trợ cho các thành viên Hạ viện trong quá trình lập pháp. Tổng Thư ký phục vụ tất cả các thành viên nghị viện, bất kể đảng phái nào và luôn hoạt động một cách thận trọng, trung lập. Tổng Thư ký cũng chịu trách nhiệm về công tác quản lý, lưu trữ biên bản, các hồ sơ tài liệu và các thông tin quan trọng khác của Hạ viện. Tất cả các quyết định của Hạ viện được chứng thực bởi chữ ký của Tổng Thư ký.

Bắt đầu mỗi nhiệm kỳ của Hạ viện, Tổng Thư ký Hạ viện phải tuyên thệ trung thành với tất cả các thành viên được bầu hợp lệ theo quy định của Hiến pháp năm 1867. Tổng Thư ký cũng đồng thời giữ vai trò là Thư ký của Hội đồng Kinh tế Nội bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề tài chính và hành chính của Hạ viện và cũng phải tuyên thệ khi tham gia Hội đồng này. Ngoài ra, Tổng Thư ký cũng thường xuyên tiếp các Đoàn nghị sĩ/đại biểu Quốc hội từ các nước khác và tham gia vào các hoạt động liên nghị viện.

Trước đây, Tổng Thư ký Hạ viện được bổ nhiệm bởi Toàn quyền Canada theo quy định của Luật Việc làm Dịch vụ công, mặc dù về nguyên tắc cả Tổng Thư ký và nhân viên của Hạ viện đều không phải thuộc cơ quan dịch vụ công liên bang, mà hoạt động theo quy định của Luật Nghị viện Canada, chịu sự điều hành của Chủ tịch Hạ viện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi lưu bút tại Trụ sở Hạ viện Canada.

Năm 2001, Hạ viện Canada đã đồng ý với đề nghị của Ủy ban đặc biệt về Hiện đại hóa và Cải tiến các thủ tục của Hạ viện về việc sửa đổi quy trình, thủ tục bổ nhiệm Tổng Thư ký Hạ viện. Theo đề nghị này, các quy định liên quan đã được sửa đổi, trong đó quy định khi Chính phủ đề nghị bổ nhiệm một người vào vị trí Tổng Thư ký Hạ viện thì gửi tên của người được đề xuất bổ nhiệm đến Ủy ban Thường trực về Thủ tục và Nội vụ để xem xét. Ủy ban này có thể xem xét đề nghị bổ nhiệm trong thời gian không quá 30 ngày và báo cáo ý kiến của mình với Hạ viện. Sau đó, đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Tổng Thư ký được trình Hạ viện xem xét theo quy trình, thủ tục thông thường và được quyết định mà không cần thảo luận. Thủ tục này được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2005 khi đề xuất bổ nhiệm ông Audrey O'Brien làm Tổng Thư ký Hạ viện.

Bộ máy giúp việc cho Tổng Thư ký Hạ viện là Nhóm quản trị (The Clerk's Management Group - CMG) đặt dưới sự điều hành của Tổng Thư ký - là một tổ chức quản lý điều hành đại diện cho tất cả các dịch vụ phục vụ tại Hạ viện. Nhóm có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Hạ viện và Hội đồng Kinh tế Nội bộ các công việc liên quan đến việc điều hành Hạ viện. Nhóm này bao gồm: Một Phó Tổng Thư ký phụ trách việc tham mưu về quy trình, thủ tục; một Phó Tổng thư ký, phụ trách các công việc hành chính; Thư ký về Luật và Cố vấn về Nghị viện (phụ trách Văn phòng Thư ký về Luật và Cố vấn Nghị viện); Giám đốc Tài chính (phụ trách Dịch vụ Tài chính); Giám đốc Nhân sự (phụ trách Dịch vụ Nhân sự); Giám đốc Thông tin (phụ trách Dịch vụ Kỹ thuật số và tài sản); Trung sĩ phụ trách an ninh; Giám đốc điều hành (phụ trách các hoạt động của Khu vực Nghị viện)[2]. Nhóm quản trị này chịu trách nhiệm xây dựng các định hướng chiến lược, ưu tiên và kết quả kỳ vọng cho Văn phòng Hạ viện; đảm bảo rằng bộ máy này có các nguồn lực tài chính và nhân lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình; xem xét hoặc phê duyệt tất cả các chính sách liên quan đến bộ máy hành chính của Hạ viện trước khi được đệ trình lên Hội đồng Kinh tế Nội bộ để phê duyệt hoặc cung cấp thông tin; đảm bảo rằng bộ máy hành chính của Hạ viện tuân thủ các chính sách và chỉ thị đã được phê duyệt.

 

Thiết chế Tổng Thư ký Hạ viện Canada và Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam hiện nay về cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Tổng Thư ký của Quốc hội mỗi nước đều là một quan chức cấp cao của Quốc hội và có một nhóm giúp việc (cụ thể giúp việc Tổng Thư ký Hạ viện của Canada là Nhóm quản trị, giúp việc Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam là Ban Thư ký), mặc dù có cách gọi khác nhau, nhưng về cơ bản có chức năng giống nhau.

Xét về mô hình tổ chức, cả 2 nhóm giúp việc đều được thành lập như một cơ chế tổ chức công việc để tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Hạ viện/Tổng Thư ký Quốc hội (không phải là một cơ quan hành chính độc lập, không có người đứng đầu, đặt dưới sự quản lý, điều hành của Tổng Thư ký), hình thành cơ bản trên cơ sở đội ngũ công chức của Văn phòng Thư ký/Văn phòng Quốc hội, là tập hợp các Phó Tổng Thư ký và người đứng đầu các đơn vị chức năng của Văn phòng Thư ký/Văn phòng Quốc hội, có chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu sâu sắc về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội và có các điều kiện phù hợp để giúp Tổng Thư ký Hạ viện/Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, ngoài các công chức của Văn phòng Quốc hội, bộ máy giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam còn có 2 cá nhân thuộc cơ quan khác (01 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, 01 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp). Xét về nguyên lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là một đại biểu Quốc hội - là một đối tượng được Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu, phục vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 98 của Luật Tổ chức Quốc hội[3], trong khi Ban Thư ký có chức năng tham mưu, giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định tại khoản 2 của Điều 98 của Luật nêu trên, thì việc trong cơ cấu có sự xuất hiện của đại biểu Quốc hội là một điểm chưa thật sự phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa Tổng Thư ký Quốc hội với Văn phòng Quốc hội như quy định hiện hành vẫn còn có sự chồng chéo nhất định[4].

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và Ban Thư ký Quốc hội khóa XV.

Do đó, nếu thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội vẫn giữ chức năng như quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành là tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, thì mô hình Ban Thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký Quốc hội hiện nay có nhiều điểm khá tương đồng với Nhóm quản trị của Tổng Thư ký Hạ viện Canada. Bên cạnh đó, nếu xác định Tổng Thư ký Quốc hội cũng đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là người đứng đầu Văn phòng Quốc hội thì Ban Thư ký xét về bản chất là nhóm lãnh đạo quản lý của Văn phòng Quốc hội, nên bao gồm tất cả các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội[5], trưởng các đơn vị để bảo đảm tham mưu toàn diện cho Tổng Thư ký Quốc hội.

Tuy nhiên hiện nay, theo yêu cầu tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội tại Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, nhiệm vụ hoàn thiện thiết chế Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội đã được đặt ra, đòi hỏi có sự nghiên cứu, đề xuất một mô hình bộ máy tham mưu, giúp việc mới cho Quốc hội. Nếu hiểu Ban Thư ký Quốc hội có chức năng tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội thì lúc đó Ban Thư ký Quốc hội có thể bao gồm Tổng Thư ký Quốc hội (người đứng đầu Ban Thư ký Quốc hội, thuộc cơ cấu của Ban Thư ký Quốc hội) và các Phó Tổng Thư ký Quốc hội (là các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) và các ủy viên (là trưởng các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội); như vậy, Ban Thư ký Quốc hội vẫn là đội ngũ lãnh đạo quản lý, đại diện cho bộ máy tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, các bộ phận chuyên môn của Văn phòng Quốc hội; còn Văn phòng Quốc hội vẫn là cơ quan tham mưu phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội/Ban Thư ký Quốc hội với Văn phòng Quốc hội sẽ được phân định rõ ràng hơn.

        

Thạc sỹ Đỗ Thúy Bình

Vụ Thư ký, Văn phòng Quốc hội

 


[1] Nguồn: https://www.ourcommons.ca/About/Clerk/Clerk-History-e.htm

[2] The Clerk's Management Group is chaired by the Clerk and is comprised of: The Deputy Clerk, Procedural Services; The Deputy Clerk, Administration; The Law Clerk and Parliamentary Counsel (Office of the Law Clerk and Parliamentary Counsel); The Chief Financial Officer (Finance Services; The Chief Human Resources Officer (Human Resources Services); The Chief Information Officer (Digital Services and Real Property); The Sergeant-at-Arms; The Chief Operations Officer (Parliamentary Precinct Operations).

[3] Khoản 1 Điều 98 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”.

[4] Khoản Điều 98 Luật Tổ chức Quốc hội quy định chức năng của Tổng Thư ký Quốc hội như sau: “Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội”, trong khi khoản 1 Điều 99 Luật này quy định Văn phòng Quốc hội “tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội”. Theo đó, cả Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội có đối tượng phục vụ chung là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Văn bản quy định chi tiết cũng quy định nhiều nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng Quốc hội giống với nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội…

[5] Hiện nay theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 32/2023/UBTVQH15 về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký, cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký mới có 1 Phó Tổng Thư ký Quốc hội là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thúy Bình

Các bài viết khác