Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện

01/11/2024

Sáng 1/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Tổng thuật sáng 1/11: Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Toàn cảnh Phiên họp

Tạo nguồn lực, động lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững

Qua thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu một cách khoa học những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7; hồ sơ Chương trình đã đảm bảo các thông tin chi tiết về mục tiêu, nội dung, dự án cụ thể, địa điểm triển khai, ngân sách và các hoạt động dự kiến với 11 phụ lục thiết thực, đánh giá rõ nguồn lực cần thiết, bao gồm tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng và thiết bị, để thực hiện chương trình; đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, các mốc thời gian cần thiết để đánh giá tiến độ.

Các ý kiến đại biểu đều đồng thuận, thống nhất rất cao cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; cho rằng đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rộng, phản ánh tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội. Do vậy, các đại biểu kỳ vọng Chương trình sẽ có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, việc đầu tư Chương trình có ý nghĩa quan trọng để tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển toàn diện, bền vững, góp phần đáp ứng được yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của những người làm văn hóa, cũng như xu thế phát triển chung, hướng đến văn hoá được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế. 

Rà soát tính khả thi của một số mục tiêu

Góp ý về mục tiêu thực hiện Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về việc đề nghị cân nhắc mục tiêu số 5 (đến năm 2030, phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4), bởi việc chuyển đổi số chưa diễn ra đồng đều giữa các loại hình của lĩnh vực văn hóa, các địa phương và cân nhắc mục tiêu số 6 (đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa), bởi ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, nhiều học sinh đang phải học ở các điểm trường, khả năng tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa như mục tiêu đặt ra là khó khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngoài các mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cân nhắc thêm mục tiêu cụ thể số 9 (đến năm 2030, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam và đến năm 2035 có ít nhất 05-06 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam) và mục tiêu số 3 (đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo) để tạo thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, tại nội dung thành phần thứ nhất về phát triển con người Việt Nam có nhân cách lối sống đẹp, chỉ tiêu trong Tờ trình của Chính phủ đặt ra là 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên. Đối với chỉ tiêu này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị tăng lên 95% để có cơ sở đăng ký nguồn vốn triển khai.

Quản lý thống nhất, phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện

Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế, quản lý điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình; rõ ràng nhiệm vụ, không chồng chéo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ (hoặc Thủ tướng Chính phủ) ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình (không giao cho từng bộ, ngành ban hành văn bản riêng). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn chung là cần thiết, hợp lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc xây dựng cơ chế quản lý thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban thẩm tra, các đại biểu cũng thống nhất với việc phân cấp tối đa cho địa phương, giao địa phương bố trí nguồn lực phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương. Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị, sức mạnh của Nhân dân trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Trong quá trình thực hiện, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hạn chế, kịp thời uốn nắn, nhắc nhỡ những hạn chế thiếu xót, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ, nhân rộng cách làm hay hiệu quả các địa phương, từ đó góp phần đảm bảo việc bố trí nguồn lực của chương trình đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lưu ý quan tâm, ưu tiên trong việc phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đối với các tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn về thiết chế văn hóa, cần có sự hỗ trợ của Trung ương. Bên cạnh đó, thống nhất với quan điểm giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình, tuy nhiên đại biểu đề nghị, khi Chương trình được thông qua cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể từng nội dung, cách thức thực hiện, đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra tại phiên họp, các đại biểu cũng lưu ý việc phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm đã có qua thực tiễn xây dựng và vận hành, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian vừa qua để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 thực sự thiết thực, đúng tiêu chí, tầm vóc, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng của Chương trình là các xã an toàn khu, vùng an toàn khu...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể của Chương trình; việc phát huy giá trị văn hóa các đồng bào dân tộc; nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình; việc xây dựng trung tâm văn hóa nước ngoài…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Chính phủ và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện nội dung Chương trình.

Sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình; chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong Chương trình của Kỳ họp./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung Phiên họp

Các đại biểu tại Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận

Thu Phương – Nghĩa Đức- Phạm Thắng