Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng

13/11/2024

Để kiểm soát hiệu quả các nội dung quảng cáo trên không gian mạng, các ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo phải bổ sung thêm vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước; quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo...

Đảm bảo sửa đổi Luật Quảng cáo phù hợp với thực tiễn vận hành của các nền tảng số

Cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào ngày 26/11 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH ở Tổ đối với dự án Luật này là cần có có sự điều chỉnh trong quản lý hoạt động quả cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp này nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Tại Phiên thảo luận Tổ về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, trên các trang như: Tiktok, facebook, zalo triển khai quảng cáo ở trên không gian mạng rất rầm rộ. Tất cả các sản phẩm, từ chính thống hay không chính thống đều được đăng tải trên các trang đó nhưng không ai kiểm chứng thông tin. Điều này đã làm cho người dân hoang mang, không biết lựa chọn sản phẩm nào, thậm chí có người chọn sản phẩm rồi nhưng lại mua về sản phẩm giả, kém chất lượng và bị lừa đảo.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc 

Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, trong Luật Quảng cáo hiện hành cũng như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo không quy định trách nhiệm của Bộ Công an. Chính vì vậy, để kiểm soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng chặt chẽ hơn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi lần này phải bổ sung thêm vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Ngoài ra, cũng cần quy định UBND các cấp giữ vai trò quản lý Nhà nước đối với kiểm soát nội soát nội dung quảng cáo trên không gian mạng.

Tại điểm a, khoản 6, Điều 23 sửa đổi quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm đối với hoạt động quảng cáo trên mạng của các tổ chức, cá nhân trong nước có nội dung quy định trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo có nghĩa vụ thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu. Sau thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Quy định thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm; nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo

Cho ý kiến về điều chỉnh đối với quản cáo trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, tiêu đề tại điểm a, khoản 6 quy định đối với các tổ chức, cá nhân trong nước nhưng nội dung lại thể hiện quy định điều chỉnh đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Mặt khác, tại điểm b, khoản 6, Điều 23 sửa đổi quy định đối với hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo việc quảng cáo vi phạm pháp luật từ các Bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, điều luật mới trên chỉ quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo việc quảng cáo vi phạm pháp luật từ các Bộ, ngành, địa phương mà chưa có quy định về cơ quan có trách nhiệm xác định quảng cáo vi phạm pháp luật như cách đã quy định đối với các cá nhân, tổ chức trong nước. Vì thế, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về nội dung này.

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 6 Điều 23 sửa đổi cũng chưa có quy định cụ thể về thời hạn xử lý những quảng cáo vi phạm tương tự như đối với cá nhân, tổ chức trong nước. Do vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm xác định quảng cáo vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước cũng như thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Liên quan đến việc chuyển tải quảng cáo trên mạng xã hội, trong thời gian qua, người chuyển tải quảng cáo tham gia một số hoạt động quảng cáo đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong dự án Luật đưa ra quy định đối với quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc quy quyền, nghĩa vụ của người truyền tải sản phẩm quảng cáo như thế nào. Vì người chuyển tải sản phẩm quảng cáo rất rộng, bao gồm những người đưa sản phẩm quảng cáo đến người tiếp nhận quảng cáo... Như vậy, mức độ của người truyền tài sản sản phẩm quảng cáo là khác nhau, có những người được thuê đóng các đoạn phim ngắn để quảng cáo, có người thuê để đọc các lời nói, lời thoại. Có những chủ thể, khi quảng cáo nhưng lại không biết hoặc là họ không có mục đích quảng cáo như họ chỉ mặc các trang phục, quần áo có quảng cáo sản phẩm./.

Bích Lan

Các bài viết khác