Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan. Các thành viên Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội tham gia trực tuyến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trước đó Ủy ban Kinh tế đã có thẩm tra sơ bộ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 57 (tháng 6/2021) về các nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là các nội dung hết sức quan trọng bởi khác với thông lệ Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngoài các nội dung về nhân sự chủ chốt trong bộ máy Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét quyết định các nội dung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025…
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe trình bày tóm tắt các báo cáo của Chính phủ. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, toàn diện. Đồng thời cho rằng, trong thời gian cuối nhiệm kỳ vừa qua, nước ta chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Do đó cần có báo cáo tổng kết đánh giá tình hình ảnh hưởng của đại dịch, đánh giá về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và các định hướng giải pháp triển khai trong thời gian tới. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc triển khai kế hoạch tiêm vắc- xin ở trong nước và cho rằng vắc- xin là yếu tố mang tính quyết định hiện nay cho việc trở lại điều kiện bình thường, cho nên cần có báo cáo về vấn đề này, việc mua vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất và sản xuất vắc- xin trong nước, công khai lộ trình tiêm vắc-xin.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến
Các đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá tình hình một cách cân đối giữa các nhóm lĩnh vực kinh tế và xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự, đối ngoại để bảo đảm toàn diện các mặt. Đối với việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội cần bám sát các nội dung, các nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể đã nêu trong Nghị quyết. Các định hướng giải pháp cho giai đoạn tới bên cạnh thể chế Văn kiện Đại hội Đảng, cũng cần bám với bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có sự biến động, trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, giải pháp mới cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khai thác các thị trường xuất khẩu và lợi ích từ các FTA một cách hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự tham gia của đông đảo các thành viên Chính phủ tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thể hiện rõ sự đổi mới trong quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ mang lại hiệu quả, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh. Đồng thời, ghi nhận các báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, gắn với Văn kiện Đại hội Đảng, đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của cử tri và Nhân dân cả nước về một Quốc hội mới, Chính phủ mới, các vấn đề quốc kế dân sinh, cùng với đó là sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội nhất là các đại biểu lần đầu trúng cử. Do đó, các nội dung báo cáo cần được chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, nêu được các vấn đề chung của cả nước vừa có phát triển vùng, địa phương, bên cạnh các vấn đề vĩ mô cũng cần quan tâm đến vấn đề cụ thể như đồng bằng sông Cửu Long, vùng miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai… Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan của Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia góp ý thẩm tra các báo cáo này, có tính kế thừa giữa nhiệm kỳ cũ và nhiệm kỳ mới, chuẩn bị kỹ lưỡng, tốt nhất cho nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho báo cáo được thống nhất, toàn diện các nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, báo cáo cần bảo đảm tính khái quát, tránh chung chung, có lập luận, dẫn chứng rõ ràng, có tính phản biện, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế xã hội, phân tích cân đối, hài hòa giữa thành tích với tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để báo cáo được toàn diện.
Đối với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng bên cạnh các vấn đề các đại biểu đã nêu, cần tập trung làm rõ các vấn đề. Một là phòng chống dịch bệnh, chủ trương tiêm vắc-xin toàn dân, nguồn tài chính để thực hiện chiến lược vắc-xin. Hai là, các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, có đánh giá các gói hỗ trợ đã thực hiện thời gian qua một cách khách quan, từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp mới và lâu dài phù hợp với tình hình. Ba là, quan tâm đến giải ngân đầu tư công, gỡ nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực cho phát triển, sử dụng ngân sách một cách hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và các ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ tổng hợp, nghiên cứu và tiếp thu để hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức bảo đảm chất lượng, có tính phản biện cao./.