PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN THẨM TRA BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66/2013/QH13 VỀ TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

03/03/2022

Chiều 03/3, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về triển khai dự án đường Hồ Chí Minh và kế hoạch trong giai đoạn tiếp theo. Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

 

Toàn cảnh phiên hop

Dự phiên họp còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Chủ tịch Hội Liên hiệp kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo một số tỉnh/ thành phố nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua; các chuyên gia, nhà nghiên cứu và một số Bộ, ngành hữu quan. Phiên họp được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11 ngày 3/12/2004. Dự án có điểm đầu tại Pắc Bó (Cao Bằng) điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) dài 3183 km, tuyến chính dài 2499 km, nhánh tây dài 684 km. Để phù hợp với thực tế triển khai, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, thời hạn hoàn thành nối thông toàn tuyến được lùi đến năm 2020. Dù đến thời điểm hiện nay, dự án chưa được nối thông toàn tuyến, nhưng do đã hết giai đoạn phân kỳ đầu tư, cần triển khai giai đoạn phân kỳ đầu tư mới, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 đến năm 2020, 2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về báo cáo này tại Phiên họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, trong suốt quá trình thực hiện dự án, theo quy định của Nghị quyết 66/2013/QH13, hàng năm, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đều tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời có nhiều kiến nghị giám sát gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, đề xuất vào các kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thường trực Ủy ban đã tổ chức khảo sát, làm việc tại một số điểm trên tuyến đường, làm việc với lãnh đạo một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cà Mau… Hiện nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Về các tuyến đường chưa hoàn thiện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trực tiếp khảo sát, giám sát và đã có báo cáo chuyên đề, nhằm có đầy đủ cơ sở thông tin để xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Đến năm 2022, mục tiêu thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn chưa hoàn thành

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị Quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm trình bày báo cáo

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nối thông 2 làn xe như Nghị quyết số 66/2013/QH13; trong giai đoạn 2021-2025 ưu tiên đầu tư trước 02 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận; cho phép cập nhật điểm khống chế chủ yếu theo quy hoạch mạng lưới đường bộ được duyệt; chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án trong giai đoạn tiếp theo thuộc đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến sang hình thức đầu tư công. Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đến nay đã là 18 năm, mục tiêu của dự án cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Về bởi cảnh thực tế, trong những năm qua đất nước có nhiều đối mới, nhiều bước phát triển về cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, quy hoạch hệ thống giao thông đã có sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên dự án hoàn thành nối thông toàn tuyến đã được lùi từ năm 2010 đến thời gian thông tuyến đến năm 2020. Tuy nhiên đến nay có 171 km chưa triển khai. Như vậy dự án chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết 66.

Dự án đã được duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, hệ thống đường ngang, trạm dừng nghỉ tuyến chính và tích hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tuy nhiên cần rà soát tổng thể, toàn diện để điều chỉnh bổ sung, xem xét tích hợp tổng thể vào các quy hoạch vùng, các quy hoạch khác có liên quan. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, di dân, vẫn còn hiện tượng cá biệt một số địa phương bàn giao chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vấn đề này cần phải có đánh giá chi tiết, cụ thể.

Đối với giai đoạn triển khai tiếp theo để hoàn thành thông tuyến, Ủy ban cho rằng Chính phủ cần cân đối, sắp xếp đủ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành thông toàn tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Khẳng định quyết tâm cao không lỡ hẹn thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Thảo luận tại phiên họp các đại biểu chỉ ra rằng, trên thực tế, đến năm 2022 mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành, một số đoạn tuyến đang trong quá trình triển khai, còn dở dang, một số đoạn tuyến chưa triển khai thực hiện. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án không bảo đảm theo phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong triển khai thực hiện; đồng thời, đề nghị làm rõ sự cần thiết phải triển khai thực hiện các đoạn tuyến còn lại, việc đầu tư các đoạn tuyến phải được ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành.

Một số đại biểu chỉ ra rằng tuyến đường trải dài từ bắc vào nam, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, vì vậy công tác ứng phó biến đổi khí hậu cần đưa vào ngay giai đoạn đầu triển khai dự án. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, vẫn có những giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà chưa được cập nhật kịp thời và tính toán kỹ lưỡng về vấn đề môi trường, đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ khẳng định quyết tâm cao độ, đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần chưa hoàn thành để đảm bảo nối thông toàn tuyến theo quy mô tối thiểu 2 làn xe, không lỡ hẹn hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh. Trong quá trình đưa vào khai thác vẫn còn một số tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời…

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2014, được điều chỉnh một số nội dung, giải pháp vào năm 2013 thông qua Nghị quyết 66/2013/QH13 để đảm bảo tiến độ thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư và xây dựng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Nhấn mạnh việc xây dựng đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết việc hoàn thành dự án sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối giao thông, liên kết vùng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa phát triển, rút ngắn khoảng cách miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, cho tới nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), một số đoạn chưa hoàn thành khiến dự án chưa phát huy được hết hiệu quả cũng như chưa tạo được mối liên kết vùng, chưa đảm bảo được tính đồng bộ, liên thông, tạo tiền đề tăng trưởng cho địa phương và cho cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, vẫn tồn tại những hạn chế nhất định với nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, nhưng có thể thấy rõ rằng dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chưa được nhận thức thật sự sâu sắc, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn bất cập, thiếu tập trung, chưa quyết liệt, chưa đề xuất được các giải pháp hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tổng kết trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm, đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng của dự án. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tổng kết kinh nghiệm và có giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có chế tài gắn trách nhiệm cho các địa phương để đảm bảo chất lượng giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện báo cáo, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để Chính phủ cho ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần hành động quyết liệt để sớm hoàn thiện dự án với chất lượng cao.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trực tiếp khảo sát, giám sát và đã có báo cáo chuyên đề, qua đó có đầy đủ cơ sở thông tin để xây dựng, hoàn thiện báo cáo thẩm tra để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Minh Nam chỉ rõ, đối với các dự án đang thực hiện dở dang, nhất trí việc xác định yêu cầu phải sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thị Xuân đề nghị cần chỉ rõ hơn nữa nguyên nhân dự án không hoàn thành tiến độ, từ đó có gải pháp khắc phục cho các dự án thành phần tiếp theo.

Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị Chính phủ khẳng định quyết tâm không lỡ hẹn, hoàn thành thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Đại biểu Lê Văn Khảm đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng để thấy rõ được các dự án ưu tiên, trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương khi để xảy ra chậm trễ

Các đại biểu phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện báo cáo, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất để Chính phủ cho ý kiến thống nhất, nêu cao tinh thần hành động quyết liệt để sớm hoàn thiện dự án với chất lượng cao./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác