PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH THAM DỰ CUỘC HỌP VỀ THỰC TRẠNG NGUỒN LỰC DÀNH CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

28/09/2021

Sáng ngày 28/9, tại Nhà Quốc hội, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội tổ chức cuộc họp chuyên đề về ''Thực trạng nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch Covid-19''. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

 

Tham dự cuộc họp còn có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng các thành viên Tổ công tác.

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Tổ công tác đã lắng nghe ý kiến, đề xuất của đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, một số bệnh viện, các chuyên gia về thực trạng và giải pháp để đảm bảo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, phòng chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Đảm bảo kinh phí trong tiêm chủng vắc-xin; Nguồn nhân lực trong công tác phòng, chống Covid-19; Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh; Chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế tham gia chống dịch rủi ro bị mắc Covid-19...

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những nỗ lực của các bệnh viện, cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng phòng chống dịch trên cả nước trong việc kiểm soát, có những phương án tốt nhất để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của Nhân dân. Để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe của người dân, Quốc hội đã có nhiều quyết định kịp thời để cùng với Chính phủ chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đơn cử như tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời cho phép trong trường hợp cần thiết ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì ngoài thời gian kỳ họp Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc họp

Trong tháng 7 và tháng 8/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức các  cuộc họp để thảo luận và quyết nghị các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 06/8/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn lực tốt và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, các Bộ, ngành và sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp...


Các đại biểu tham dự cuộc họp

Ngoài ra, để giảm thiểu số ca mắc Covid-19, các địa phương, bệnh viện cần có những giải pháp kịp thời, đồng bộ để đảm bảo sức khỏe của Nhân dân như kịp thời tiêm vaccine cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng, thực hiện tốt việc giãn cách xã hội; cách ly trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội... Những việc làm trên cũng là để giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, từng bước phục hồi kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cho cuộc sống của Nhân dân trở về trạng thái bình thường mới./.

Bích Lan-Bùi Hùng

Các bài viết khác