PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ HỘI NGHỊ HỢP TÁC PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI ĐẮK LẮK - KHÁNH HÒA

26/02/2023

Sáng 26/02, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắk, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã dự Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH HỘI ĐÀM VỚI PHÓ CHỦ TỊCH THỨ NHẤT HỘI ĐỒNG LIÊN BANG NGA ANDREY YATSKIN

Tham dự Hội nghị có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp hai địa phương cùng một số cơ quan hữu quan.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh: Đắk Lắk và Khánh Hòa là hai tỉnh “núi liền núi, sông liền sông”. Nhân dân các dân tộc hai tỉnh có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn bó tình cảm, giao lưu văn hóa, kết nối giao thương, đồng cam cộng khổ trong chiến tranh và hợp tác, hỗ trợ cùng nhau trong quá trình xây dựng, phát triển của hai tỉnh. Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội là dấu son, một lần nữa chính thức khẳng định lại truyền thống tốt đẹp của nhân dân hai tỉnh; là bước ngoặt để hai tỉnh cùng nhau chuyển sang giai đoạn tiếp tục gắn kết, hợp tác phát triển mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân nêu rõ, việc đẩy mạnh liên kết với Đắk Lắk đã được Bộ Chính trị xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng về liên kết vùng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, vì vậy, việc ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh là dấu mốc, tiền đề vững chắc trong liên kết, hợp tác; qua đó sẽ giúp 2 địa phương phát huy tối đa được tiềm năng, thế mạnh, đặc thù để tạo thúc đẩy tăng trưởng về mọi mặt. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhận định, Khánh Hòa và Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, với việc triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, mở ra cơ hội phát triển các tuyến du lịch “biển - rừng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá, việc hợp tác giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk không những phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực để cùng nhau phát triển mà còn tác động đến sự phát triển của vùng Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung. Bên cạnh thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, việc ký kết hợp tác giữa hai địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ với hai tỉnh mà còn với cả vùng và cả nước. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hai tỉnh cần kết hợp thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội luôn ủng hộ sự phát triển của các địa phương và sự liên kết hợp tác giữa các địa phương, nếu có cơ chế chính sách mới đưa thành quả phát triển của khu vực lớn mạnh hơn thì Quốc hội sẵn sàng tạo mọi thuận lợi. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngay sau lễ ký kết này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp 2 địa phương cần xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể để việc ký kết mang lại hiệu quả cao.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt chính quyền tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch UBND tỉnh ông Phạm Ngọc Nghị cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư của tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, ông đề nghị chính quyền tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk trong quá trình đầu tư, sản xuất, giao thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tại Hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã thống nhất hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung trên các lĩnh vực: tǎng cường trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành, đặc biệt là phối hợp nghiên cứu hỗ trợ chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; hợp tác tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm giữa hai tỉnh; xây dựng các gian hàng giới thiệu chung sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc thù của hai tỉnh; phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, truy xuất nguồn gốc vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp ra vào giữa hai địa phương; hợp tác giới thiệu các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng trình độ khoa học kỹ thuật cao và bảo vệ môi trường sinh thái, kinh nghiệm trong xây dựng phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Lắk - Khánh Hòa ký kết hợp tác

Lĩnh vực du lịch là thế mạnh giữa hai địa phương. Do đó, để tăng cường sự phát triển, hai tỉnh hướng đến sự đa dạng, phong phú các sản phẩm, tăng thêm lượng khách mới; tập trung phát triển các sản phầm du lịch; tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; kêu gọi đầu tư và hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch dựa trên lợi thế và tiềm năng của mỗi địa phuơng.

Trong khuôn khổ hợp tác, hướng đến sự phát triển bền vững, thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế, xã hội, hai tỉnh tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng đoạn tuyến Quốc lộ 26; sớm triển khai đầu tư đoạn tuyến Quốc lộ 26B kết nối tuyến Quốc lộ 26, Quốc lộ 1 đến khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; bổ sung quy hoạch Quốc lộ 26 kéo dài. Tăng cường hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hoá qua các Cảng biển, Cảng Hàng không như: Cảng Cam Ranh, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm, an ninh, quốc phòng cũng nằm trong chương trình ký kết.

Djuang Niê

Các bài viết khác