PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT GIÁM SÁT CẦN CỤ THỂ, RÕ VIỆC, RÕ NGƯỜI, RÕ THỜI GIAN HOÀN THÀNH

31/03/2023

Sáng 31/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp Phiên thứ Ba, góp ý vào dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát. Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cần rõ việc, rõ người và rõ thời gian hoàn thành.

PHIÊN HỌP THỨ BA, ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ VIỆC HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG CHỐNG COVID-19; VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG

NHIỀU BÀI HỌC CẦN RÚT KINH NGHIỆM TỪ VIỆC HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC XÃ HỘI PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Toàn cảnh Phiên họp.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về nội dung, kết cấu, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Từ đó rút ra các đề xuất, kiến nghị khắc phục những tồn tại về cơ chế, chính sách liên quan đến chủ trương, đường lối, luật, nghị định, thông tư và công tác chỉ đạo điều hành.

Qua giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống COVID-19 cho thấy hệ thống pháp luật đang thiếu các quy định về tình huống khẩn cấp, do vậy phải sửa nhiều luật và ban hành các quy định riêng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp cụ thể, khắc phục nhanh nhất các tồn tại trong việc thanh toán, quyết toán, giao tài sản, trợ cấp chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn bất cập cả về nhân lực, trang thiết bị do vậy trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 cần dành nguồn lực xứng đáng cho lĩnh vực này.

Thảo luận về dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, đa số đại biểu đánh giá cao Tổ giúp việc của Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát. Trong đó, nêu rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, để dự thảo báo cáo và dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát đầy đủ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu mục tiêu đề ra cần rà soát, bổ sung một số nội dung để đạt hiệu quả cao hơn.

Đại biểu đề nghị trong phần khái quát chung của dự thảo Báo cáo kết quả giám sát về việc huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nêu rõ bối cảnh đây là khủng hoảng y tế toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam nên không thể dự báo, đoán định được. Vì vậy, chỉ nên đề cập đến những tồn tại, hạn chế do cách thức giải quyết vấn đề phát sinh không thể dự liệu trước. Từ đó, đưa ra giải pháp tổng thể vừa tháo gỡ được khó khăn, tồn tại trước mắt và đề ra giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài.

Thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp.

Một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” cần đánh giá và nêu bật sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cần nêu cụ thể hơn các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong chi trả, thanh toán, hoàn trả trong trường hợp vay mượn từ các nhà cung cấp mà chưa thực hiện đấu thầu; việc xử lý các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến; vướng mắc trong đặt hàng xét nghiệm; thủ tục xác lập tài sản sở hữu toàn dân…

Về việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết cần bổ sung yêu cầu ngành y tế tiến hành tổng kết, đánh giá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng bởi hiện nay các địa phương đang tổ chức mô hình khác nhau; bổ sung nhận định, đánh giá về vai trò của y tế tư nhân, y tế trường học, y tế cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Một số ý kiến cho rằng, báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng cũng cần bổ sung nhận định về nhận thức của người dân trong bối cảnh hiện nay, cách thức cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Dự thảo Nghị về kết quả giám sát nêu rõ điểm nhấn để tháo gỡ vướng mắc của y tế cơ sở và y tế dự phòng, trong đó có chỉ tiêu cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện, cơ quan dân cử giám sát.

Qua giám sát tại bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng, như thiếu nhiều công cụ chính sách để hỗ trợ trạm y tế thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất phân tích rõ nguyên nhân khiến cán bộ y tế có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở; đề nghị trong Nghị quyết quy định ngân sách nhà nước đảm bảo chi 100% tiền lương cho y tế cơ sở và các giải pháp căn cơ để giữ chân, thu hút nhân viên y tế làm việc tại cơ sở.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, qua giám sát, nhiều đại biểu băn khoăn về nội hàm của các khoản chi cho y tế dự phòng, tỷ lệ này ở mỗi tỉnh, thành phố báo cáo khác nhau; ở địa phương y tế cơ sở tiến hành xã hội hóa thì chi cho y tế dự phòng cao và ngược lại; đại biểu đề nghị Bộ Y tế có báo cáo cụ thể hơn để Đoàn giám sát có cơ sở đưa vào dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định, các ý kiến góp ý tại Phiên họp rất sâu sát, cụ thể, đóng góp thiết thực vào nội dung Báo cáo và Nghị quyết về kết quả giám sát; đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện báo cáo. Việc xây dựng báo cáo tóm tắt bên cạnh tóm tắt ý chính của Báo cáo, cần bổ sung số liệu cụ thể– bởi đây là bản báo cáo được đọc trước quốc dân, đồng bào. Nghị quyết giám sát cần cân đối về nhận định tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế, bài học, kinh nghiệm, kiến nghị giải pháp; nội dung báo cáo thống nhất, số liệu chính xác, có tính kết nối giữa phần đánh giá về tồn tại và các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Nghị quyết về kết quả giám sát cần chỉ rõ các giải pháp cụ thể, nêu rõ thời gian hoàn thành.

Trong dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cũng yêu cầu, hoàn thành việc khắc phục các tồn tại hạn chế, bất cập trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội (về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024) trong năm 2023.

Lưu ý về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, trong phần mở đầu Báo cáo giám sát nêu bối cảnh dịch bệnh và bối cảnh giám sát. Bối cảnh giám sát được thực hiện khi dịch bệnh đã được kiềm chế, kinh tế có bước phục hồi và đang khắc phục một số hậu quả. Dịch bệnh diễn ra trên quy mô toàn thế giới, phức tạp, không dự báo được nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tuyên truyền vừa thực hiện chính sách nên khó tránh khỏi thiếu sót.

Dịch bệnh diễn ra rất nghiêm trọng, trải qua 4 giai đoạn, nhưng chúng ta đã ứng phó rất kịp thời, chủ động, quyết tâm, quyết liệt. Trong quá trình phòng, chống dịch chuyển từ giai đoạn chủ động sang chống dịch như chống giặc, mục tiêu kép, đa mục tiêu (chống dịch, phục hồi, an sinh, đối ngoại) và ứng phó linh hoạt.

Vì vậy, đánh giá, nhận định trong báo cáo phải có tính kế thừa, thống nhất với các chủ trương, chính sách, nghị quyết đã được ban hành từ trước; nêu rõ tồn tại, đề ra các giải pháp trước mắt và giải pháp cơ bản lâu dài với phương châm rõ việc, rõ người làm, rõ thời hạn; đối với những vấn đề chưa rõ, Quốc hội ra chủ trương, giao Chính phủ thực hiện và báo cáo Quốc hội.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định Lưu ý, Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến thành viên Đoàn giám sát về bổ sung vai trò của hệ thống y tế tư nhân, y tế trường học, y tế trong doanh nghiệp; đối với việc thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội dành tối thiểu 30% ngân sách cho y tế dự phòng, bổ sung vào Nghị quyết về kết quả giám sát giao Chính phủ báo cáo Quốc hội. Về mô hình tổ chức y tế cơ sở, trong khi chưa thống nhất cần thực hiện theo nguyên tắc Nhân dân được chăm sóc sức khỏe, cán bộ, nhân viên y tế được phát huy năng lực chuyên môn…

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” họp Phiên thứ Ba.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” phát biểu gợi ý nội dung thảo luận.

Các đại biểu tham dự Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại Phiên họp.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại Phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Tổ phó Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, theo báo cáo các địa phương, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng cơ bản đáp ứng 30% nhưng không cung cấp dữ liệu cụ thể trong tổng chi cho y tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, thành viên Đoàn giám sát đề nghị có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ y tế cơ sở.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát để nghị bổ sung nhận định, đánh giá về y tế tư nhân, y tế trường học, y tế tại doanh nghiệp trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lê Văn Khảm đề nghị bổ sung vào phần khái quát chung, khẳng định dịch COVID-19 là khủng hoảng y tế toàn cầu.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch góp ý hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận Phiên họp.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác