UBTVQH CHO Ý KIẾN KẾ HOẠCH GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước….; thành viên Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội một số địa phương.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
Theo đó, dự thảo Kế hoạch xác định rõ 03 mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”:
Xem xét, đánh giá: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) đến hết ngày 31/12/2023.
Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (cả về xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày dự thảo Kế hoạch và Đề cương giám sát
Việc tiến hành giám sát phải đúng pháp luật, bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và đúng tiến độ đã đề ra. Trong việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn được xác định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Hoạt động giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc: Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào các nội dung: Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; Về quản lý biên chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập; Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; Về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; Về hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Qua hoạt động giám sát đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030.
Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm: Đối với nhóm các cơ quan chịu sự giám sát là nhóm trọng tâm, bao gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội: chỉ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và các văn bản pháp luật có liên quan.
Phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng trình bày các hoạt động của Đoàn giám sát, tiến độ chuẩn bị báo cáo đối với các cơ quan chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức có liên quan, các tổ chức khác; Đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội; việc xây dựng Báo cáo của Đoàn giám sát...
Trên cơ sở bám sát các mục đích, yêu cầu của chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát đã xây dựng 04 nhóm dự thảo Đề cương báo cáo để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng giám sát, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung báo cáo.
Theo Kế hoạch, Thường trực Đoàn giám sát sẽ báo cáo Chủ tịch Quốc hội về việc tiếp thu ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2024.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại Phiên họp.
Thảo luận về dự thảo Kế hoạch và Đề cương giám sát, các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung trình tại Phiên họp và khẳng định, đây là chuyên đề giám sát rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hầu hết các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan tư pháp; có nhiều mô hình khác nhau, địa vị pháp lý và quyền hạn khác nhau; có nhiều luật chi phối nhưng không có luật riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Đoàn giám sát đã xác định rõ đối tượng trọng tâm tiến hành giám sát với 6 nội dung cụ thể; đề nghị Đoàn giám sát quan tâm đánh giá đúng việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tự chủ tài chính; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp công lập như thế nào? Qua giám sát cần đánh giá bức tranh tổng thể, kiến nghị về đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật đầy đủ hơn.
Một số ý kiến cũng đề nghị điều chỉnh thời gian gửi báo cáo tới Đoàn Giám sát, cân nhắc bố trí, sắp xếp làm việc với các địa phương, các bộ ngành đảm bảo hợp lý, tránh chồng chéo với các Đoàn giám sát khác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đề nghị Ủy ban Pháp luật – cơ quan thường trực Đoàn giám sát là đầu mối nhận các báo cáo của các địa phương, để các bộ ngành sử dụng tổng hợp gửi Đoàn giám sát.
Tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã chọn chuyên đề này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Bởi vấn đề này còn có nhiều quy định chồng chéo, chưa cập nhật, mỗi đơn vị thực hiện một kiểu riêng. Hơn nữa, chuyên đề này quan trọng vì ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế, sau cuộc giám sát này sẽ có điều chỉnh hợp lý hơn. Chính phủ sẽ cam kết chuẩn bị chu đáo báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn Giám sát để có giải pháp tích cực hơn về lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng cơ bản đồng tình với Kế hoạch và Đề cương và đề xuất điều chỉnh thời gian gửi báo cáo đến Đoàn giám sát để đảm bảo báo cáo đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu trọng tâm, cơ bản ủng hộ chuyên đề giám sát, coi đây là công việc hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vừa có ý nghĩa chuyên môn, vừa có ý nghĩa về chính trị, xã hội sâu sắc, đóng góp vào công cuộc đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương có liên quan.
Các ý kiến đánh giá cao việc chuẩn bị của Đoàn giám sát đối với các tài liệu trình tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã giúp Đoàn giám sát thông qua dự kiến chương trình, kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng yêu cầu đề ra. Các công việc cơ bản được triển khai khẩn trương, đảm bảo tiến độ, các tài liệu cơ bản được chuẩn bị hợp lý, vừa có tính bao quát, toàn diện, trọng tâm trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ bối cảnh đặc điểm tình hình giám sát chuyên đề này trong bối cảnh hiện nay. Bởi đây là chuyên đề giám sát rộng, khó, có nhiều Nghị quyết của Đảng, Trung ương, các Kết luận, Chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có nhiều luật trong lĩnh vực; hầu hết các cơ quan trogn hệ thống chính trị đều có đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều luật điều chỉnh nhưng không có luật riêng; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa tổ chức giám sát chuyên đề này trên phạm vi rộng. Ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị khắc họa thêm thuận lợi, khó khăn khi thực hiện chuyên đề giám sát; qua giám sát có kiến nghị tạo đột phá mới trong lĩnh vực này.
Về nội dung, các ý kiến phát biểu ủng hộ cách tiếp cận tổng thể, toàn diện với 6 nội dung được đề cập trong Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, qua giám sát cũng cần đi sâu trọng tâm, trọng điểm đối với các vấn đề lớn, vấn đề bức xúc trong xã hội, dư luận quan tâm, cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó lưu ý trọng tâm về sắp xếp gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị; hoạt động tự chủ nói chung của các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề xã hội hóa các dịch vụ công lập, chuyển các công việc của nhà nước cho khối tư nhân thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, qua giám sát cập nhật thêm yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là đổi mới công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Qua giám sát làm rõ những sơ hở, thiếu sót, chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật, của cơ chế, chính sách, đường lối, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong chính sách và trong chỉ đạo điều hành hay không. Qua giám sát làm rõ tình trạng có hay không cán bộ né tránh đùn đẩy trách nhiệm, xử lý công việc chậm gây khó khăn cho công dân và tổ chức, gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ chung của tất cả các chuyên đề giám sát. Qua chuyên đề giám sát này cũng cần gắn với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; các kiến nghị của Đoàn giám sát phải sát thực, phù hợp với thực tiễn, đổi mới mạnh mẽ, tạo đột phá sau giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu điều chỉnh, điều hành cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả nhất.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu góp ý hoàn thiện Kế hoạch và Đề cương giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội đã chọn chuyên đề này giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Bởi vấn đề này còn có nhiều quy định chồng chéo.
Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại Phiên họp.