PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 3 CỦA TỔ CÔNG TÁC VỀ RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

22/09/2023

Sáng 22/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp thứ ba của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA TỔ CÔNG TÁC RÀ SOÁT HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan là thành viên Tổ công tác.

Toàn cảnh phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong đó giao Chính phủ: “Tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị; phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mẫu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; kịp thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật không còn phù hợp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị quyết có liên quan”.

Để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan có liên quan của Chính phủ trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát; kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình rà soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQ15 về việc thành lập Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động rà soát, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, Bộ Tư pháp để triển khai công việc, tuy nhiên tiến độ chưa đạt được như kì vọng. Tại phiên họp này, Tổ Công tác tiến hành rà soát những nhiệm vụ đã thực hiện, những công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới để Chính phủ sớm hoàn thiện báo cáo chính thức về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của rà soát là phải có những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật tránh hai khuynh hướng: Một là có vướng mắc đều “đổ thừa” do luật. Hai là pháp luật tốt hết, tất cả do khâu tổ chức thực hiện.

Các thành viên Tổ Công tác, đại diện các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã có báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật – cơ quan thường trực giúp việc của Tổ Công tác, đã ban hành các công văn đôn đốc gửi các cơ quan, địa phương gửi Báo cáo kết quả rà soát về Tổ Công tác. Đến nay, đã nhận được báo cáo của tất cả các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo của các cơ quan hữu quan. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã kịp thời cung cấp các báo cáo rà soát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tới Bộ Tư pháp để tổng hợp, xử lý. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tại phiên họp

Qua kết quả triển khai nhiệm vụ của Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo dõi hoạt động của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phů về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho thấy mặc dù khối lượng công việc là rất lớn, thời gian thực hiện gấp, song cả 02 Tổ Công tác đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đến thời điểm này đã đạt được một số kết quả cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ tham mưu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, sớm gửi báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023.

Các thành viên Tổ Công tác, đại diện các cơ quan hữu quan cùng dự phiên họp

Trong quá trình hoàn thiện Báo cáo, đề nghị hết sức lưu ý bám sát yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 trong đó làm rõ nội dung, quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc đồng thời đề xuất hướng xử lý cụ thể. Các nhận định, đánh giá bảo đảm khách quan, trên nguyên tắc tôn trọng tính thống nhất, tính tổng thể của hệ thống pháp luật; việc kiến nghị sửa đổi luật phải thực sự cần thiết và thích đáng, hạn chế một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Ngay sau khi Chính phủ gửi Báo cáo chính thức, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức thẩm tra theo quy định./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác