PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: PHÁT HUY TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ TRONG QUÁ TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

25/01/2024

Chiều 25/01, phát biểu kết luận tại buổi làm việc với các cơ quan về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhấn mạnh nguyên tắc, yêu cầu bảo đảm mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, vì công việc chung, phối hợp chặt chẽ, cùng nhau hoàn thiện dự thảo để có được Luật Thủ đô đạt chất lượng và xứng tầm.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH LÀM VIỆC VỚI CÁC CƠ QUAN VỀ VIỆC TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh buổi làm việc

Trước đó, các cơ quan gồm Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có báo cáo về việc phối hợp và đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Ngay sau kỳ họp, thực hiện nhiệm vụ theo phân công, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan đã có nhiều buổi làm việc để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại buổi làm việc

Kết quả bước đầu cho thấy các cơ quan có nhiều nội dung thống nhất về quan điểm, định hướng tiếp thu, chỉnh lý, nhưng cần tiếp tục rà soát kỹ để có quy định khả thi, phù hợp trong dự thảo Luật như nội dung về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Thành phố, quận, huyện và phường; quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển các khu công nghệ cao; bảo vệ môi trường; việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các chính sách đầu tư….Bên cạnh đó, còn có những nội dung các cơ quan còn có ý kiến khác nhau và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với một số nội dung: tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân; đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc của Hội đồng nhân dân Thành phố; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khởi nguồn của các trường đại học; phát triển nhà ở; phát triển nông nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung làm rõ hơn về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mô hình khu phát triển thương mại văn hóa; quản lý, khai thác không gian ngầm phù hợp với Luật Đất đai; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới là nhiệm vụ chính trị chuyên môn hết sức quan trọng của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật Thủ đô là đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, đa ngành, đa lĩnh vực, phân cấp, phân quyền, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, quy định cơ chế chính sách đặc thù để giải phóng và phát huy nguồn lực, huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô; vừa tạo thuận lợi hơn về cơ chế, chính sách cho Thủ đô vừa giao trách nhiệm nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn về phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận 

Do đó, nguyên tắc của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải bảo đảm nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đối với những nội dung không tiếp thu thì giải trình đầy đủ, thuyết phục, có cơ sở, bảo đảm mọi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều được nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.

Việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật phải bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất không chỉ trong nội tại của dự thảo Luật mà trong cả hệ thống pháp luật. Nhấn mạnh cần hết sức chú y đến thuật ngữ, nội dung và cách thức thể hiện, kỹ thuật lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phải rà soát thật kỹ toàn bộ dự thảo Luật, đặc biệt là những điều khoản có liên quan trực tiếp với nhau để có cách thể hiện thống nhất.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tại buổi làm việc

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nếu phát hiện những nội dung, vấn đề mới, chưa được đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan thẩm tra nêu trong quá trình thẩm tra, cho ý kiến nhưng thấy rằng cần được bổ sung vào dự thảo Luật để bảo đảm tốt hơn về chất lượng, khả thi hơn thì các cơ quan mạnh dạn đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong trường hợp này, cơ quan đề xuất bổ sung nội dung cần có đánh giá tác động bổ sung, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, rõ số liệu, phân tích chính sách kỹ và đề xuất cụ thể nội dung đưa vào dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trường hợp nội dung tiếp thu, chỉnh lý khác với nội dung Chính phủ đã trình Quốc hội thì đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ để bảo đảm tính đồng thuận, thống nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau về quan điểm, phương án tiếp thu, chỉnh lý, đề nghị các cơ quan cố gắng phối hợp chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của nhau, nghiên cứu làm rõ để thu hẹp sự khác biệt. Trường hợp vẫn không thống nhất được thì cần báo cáo rõ từng loại ý kiến, gồm cả ưu điểm, hạn chế của phương án được đề xuất để Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Lưu ý về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, đối với những nội dung mà các cơ quan đã cơ bản thống nhất về quan điểm, định hướng tiếp thu, chỉnh lý thì rà soát để biên tập chỉnh lý tại từng điều khoản cụ thể rà soát kỹ để có quy định khả thi, phù hợp trong dự thảo Luật.

Đối với những nội dung các cơ quan còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát thực tế, làm việc với các Bộ, ngành trung ương,… để đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận, thống nhất.

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tham dự buổi làm việc

Đối với những nội dung chưa rõ như về việc quản lý không gian ngầm; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế liên kết, phát triển vùng,…Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo để cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm của thành phố Hà Nội. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp - với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nghiên cứu, đề xuất nội dung tiếp thu, giải trình, phương án chỉnh lý cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tổng hợp đầy đủ các nội dung cần phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền như về việc nâng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40%; việc phân quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; quyết định sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; về tỷ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội liên quan đến khoản thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội,…

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Về các công việc triển khai trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành có liên quan về phương án tiếp thu, chỉnh lý đối với từng nhóm chính sách trong dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo/Tọa đàm đồng thời gắn với truyền thông về những nội dung, chính sách mới, đặc thù, đột phá trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận.

Đề nghị Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi về Thường trực Ủy ban Pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý; chủ động báo cáo, xin ý kiến của Chính phủ đối với những vấn đề khác với nội dung Chính phủ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Đề nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chủ động đề xuất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; tham gia phối hợp chặt chẽ, kịp thời, trách nhiệm với Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ghi nhận các đề xuất của các cơ quan về các hoạt động trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh khối lượng công việc từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua dự án Luật là rất lớn, thời gian không nhiều, do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, vì công việc chung, phối hợp chặt chẽ, cùng nhau hoàn thiện dự thảo để có được Luật Thủ đô đạt chất lượng, xứng tầm trong thời kỳ mới.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung làm việc.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác