PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

11/08/2023

Cũng trong sáng 11/8, để chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo phiên họp của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: GIẢI TRÌNH RÕ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, CƠ SỞ PHÁP LÝ BAN HÀNH LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Quang cảnh phiên họp.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, Đỗ Quang Thành; các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía Bộ Quốc phòng có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các thành viên Ban Soạn thảo Dự án Luật; đại diện các Bộ, ngành liên quan.

Báo cáo tại phiên họp, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, các ĐQBH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với 114 lượt ý kiến. Sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo tổ chức tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến của các ĐBQH.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh báo cáo tại phiên họp.

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 06 Chương, 36 Điều, tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại diện Ban Soạn thảo và các Bộ, ngành dự phiên họp.

Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp thu ý kiến của các ĐQBH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu, chỉnh lý 8 nội dung lớn của dự thảo luật, bao gồm về giải thích từ ngữ; phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; công trình lưỡng dụng; về áp dụng pháp luật; chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự; việc xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ bảo vệ khu vực cấm, vành đai an toàn…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đánh giá cao dự thảo báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, báo cáo đã tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, Luật Đất đai đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), trong đó có nội dung liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích khác. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ủy ban kinh tế - Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để thống nhất các nội dung có liên quan.

Các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc nội dung của Điều 4 về áp dụng pháp luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và pháp luật có liên quan. Đại diện Bộ Công an đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ điều này vì các nội dung về quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo Luật đã được quy định rõ, bảo đảm tính đặc thù, không chồng chéo với pháp luật có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 về phạm vi điều chỉnh, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, quy định về áp dụng pháp luật trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, giải thích từ ngữ, phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự…

Liên quan đến nội dung về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc tên gọi của nội dung này, đó là chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự hay chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng có công trình quốc phòng và khu quân sự, bởi nội hàm của nội dung này là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đồng thời cần rà soát để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quản lý tài sản công và Dự thảo Luật Đất đai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, có báo cáo đánh giá cụ thể hơn các tác động của chính sách, đảm bảo cơ sở chính trị pháp lý thực tiễn, có số liệu cụ thể, nhất là các tác động đến xã hội, đặc biệt là các vành đai an toàn và phạm vi bảo vệ, tác động đến các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời làm rõ các giải pháp về nguồn lực để thực hiện các chính sách; giải quyết những vấn đề bất cập… Đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh sớm hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 tới đây./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao dự thảo báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, báo cáo đã tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 5.

Đại diện Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp.

Đại diện Bộ Công an đề xuất bỏ Điều 4 về áp dụng pháp luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và pháp luật có liên quan. 

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại phiên họp.

Trọng Quỳnh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác