PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG KHẢO SÁT, LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN TRƯỜNG HẢI THACO

24/01/2024

Sáng 24/01, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu Đoàn công tác đã đến khảo sát, làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải THACO tại Khu công nghiệp THACO Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Đây là hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 02/2024.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG GẶP MẶT NGUYÊN LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUA CÁC THỜI KỲ TẠI ĐÀ NẴNG

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy ban chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội khách mời. Về phía Ban soạn thảo Luật, Bộ Quốc phòng tham gia Đoàn công tác có Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đại diện Cục Quân lực, Vụ Pháp chế…

Tham dự buổi làm việc với Tập đoàn THACO có Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hương, Phó Tư lệnh Quân khu 5; đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Dương Văn Phước Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo sát tại Tập đoàn THACO 

Để có cơ sở thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã trực tiếp đi khảo sát các cơ sở, nhà máy thuộc Khu công nghiệp chuyên ngành với các Trung tâm Cơ khí chế tạo và các nhà mấy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, thiết bị công nghiệp nặng, gia công cơ khí chế tạo, vật tư linh kiện sử dụng trong công nghiệp và dân dụng…Thời gian qua, Thaco đã có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh với việc nghiên cứu thiết kế và sản xuất các loại xe tải, xe bus phục vụ chở quân, vận tải hậu cần.  Nhiều lĩnh vực mà Tập đoàn này hoạt động có tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhằm kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng. 

Đồng tình với mục tiêu huy động các thành phần kinh tế doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhằm thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh hơn, đảm bảo tự lực, tự cường, bảo vệ quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế. Tập đoàn THACO kiến nghị, đối với điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (Điều 24), cần có sự phân nhóm doanh nghiệp tùy theo trình độ khoa học công nghệ, năng lực sản xuất và mức độ tham gia vào hoạt động sản xuất sản phẩn công nghiệp QPAN khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách tương ứng đối với từng nhóm doanh nghiệp và cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Tại buổi làm việc Đoàn khảo sát đánh giá cao những kết quả sản xuất, kinh doanh từ khi được thành lập, cũng như sự hợp tác của Tập đoàn THACO trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thời gian qua. Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, các thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Tập đoàn báo cáo rõ hơn những đề xuất, kiến nghị trong việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để có những cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo phối hợp, nghiên cứu khả năng sản xuất của Tập đoàn này, nhất là khả năng tham gia phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, phát triển công nghiệp lưỡng dụng, các tổ hợp cơ khí. “Cần phải có những chính sách rõ hơn với những “cánh chim đại bàng”, chính sách đối với “đại bàng” phải khác với chim sẻ. Trong thời bình tôi đặt hàng, chỉ định thầu cho anh để tôi nuôi dưỡng tiềm lực sản xuất quốc phòng của anh và tôi đưa anh vào danh sách động viên công nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý một số nội dung cần nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của doanh tham gia sản xuất quốc phòng; chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp được đưa vào quy hoạch sản xuất quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; việc tiếp cận nguồn vốn; vấn đề hợp tác công nghệ, rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo rà soát các chính sách đối với với người lao động; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; đồng thời nghiên cứu, liệu doanh nghiệp ngoài cơ sở nòng cốt có được tham gia Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng hay không?

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Toàn cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu mở đầu buổi làm việc

Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết thúc buổi làm việc

Khắc Phục

Các bài viết khác