Quang cảnh Hội thảo
Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp Luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện các Ban của UBTVQH: Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp; Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thông qua năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, làm rõ tính chất, vị trí pháp lý, trình tự thủ tục và góp phần đổi mới căn bản chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử trên nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
Tuy nhiên, sau hơn 07 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội đồng Dân tộc đã thành lập ngay và phân công nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập lập đề nghị xây dựng Luật; ban hành Kế hoạch lập đề nghị xây dựng Luật, Kế hoạch tổng kết thi hành Luật. Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập đã rất khẩn trương triển khai nhiều công việc phục vụ hoàn thiện bước đầu Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, nhất là cơ bản hoàn thành tổng kết thi hành Luật trong phạm vi toàn quốc; cơ bản đã đánh giá, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu và nhất là các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của các cơ quan, địa phương.
Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, gửi lấy ý kiến Chính phủ, các cơ quan hữu quan, đối tượng chịu tác động trước khi hoàn thiện, gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào Phiên họp tháng 3/2024 theo kế hoạch.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi các hoạt động của quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật. Dự kiến từ nay đến trung tuần tháng 3, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức 03 Hội thảo tại các khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.
Nội dung Hội thảo này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện các quy định liên quan đến bảo đảm thực hiện các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát (đây là chính sách 3 trong dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật). Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, chính sách này là một trong những nội dung cốt lõi của lần sửa đổi này, có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo
Tiếp đó, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Đề cương chi tiết Luật.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đánh giá cao dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật và dự thảo Đề cương chi tiết Luật được chuẩn bị rất công phu và nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của các Ủy ban của Quốc hôi để hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và sự cầu thị của Thường trực Hội đồng Dân tộc, cơ bản đã tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Pháp luật.
Qua nghiên cứu dự thảo Tờ trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nhận thấy, cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn còn trùng lặp, đề nghị phần cơ sở chính trị cần thể hiện ngắn gọn về vai trò và ý nghĩa của hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; hoạt động giám sát được sự quan tâm của Đảng và thể hiện qua các văn kiện như thế nào.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên
Về cơ sở pháp lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho rằng, cần thiết kế lại căn cứ cơ sở pháp lý là Hiến pháp, nếu có quy định nào, điều nào, khoản nào chưa được thể chế hóa trong Luật hiện hành thì cần chỉ ra. Cơ sở pháp lý là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội. Cơ bản đồng tình với việc luật hóa một số quy định, Phó Chủ nhiệm Ủy bản Pháp luật đề nghị cần bổ sung thêm Nghị quyết 96/2023/QH15 về lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết 969/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại Phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... Vì lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong những yêu cầu cần sửa đổi Luật lần này.
Về quan điểm xây dựng Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đồng tình với các quan điểm xây dựng Luật như Tờ trình đã nêu, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm là cần bám sát, thể chế hóa các quan điểm của Đảng.
Góp ý về nhóm chính sách 1: Bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc thực hiện gắn kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân với hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết những vấn đề thực tế của đất nước, của địa phương. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm sự gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp, qua đó thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể giám sát cần bổ sung thêm những gì để thể hiện được sự gắn kết này hay không? Đồng thời cần nhấn mạnh được vai trò cùa hoạt động giám sát và làm bật được lên chính sách này vì hiện chưa thể hiện đầy đủ về hoạt động giám sát để làm bật được lên chính sách này và đáp ứng được yêu cầu này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường
Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã chuẩn bị tài liệu rất công phu, nghiêm túc và đạt chất lượng cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội rất chi tiết và sâu sắc, đã gởi mở nhiều vấn đề lớn, quan trọng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhận thấy, Tờ trình đã đáp ứng được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nội dung đầy đủ, rõ ràng, nghiên cứu công phu cả về lý luận và thực tiễn.
Nêu rõ việc sửa đổi Luật tập trung vào 5 nhóm chính sách và có tính thuyết phục, tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc thêm “liều lượng” của một số nội dung được nêu trong Tờ trình. “Ví dụ như trong phần cơ sở pháp lý, Kết luận của UBTVQH dài gần 1 trang, so với các phần khác là hơi dài, đề nghị cần ngắn gọn hơn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu dẫn chứng.
Về quan điểm xây dựng Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị đưa vấn để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào phần này, không nên đưa vào phần mục đích xây dựng Luật. Đồng thời cần rà soát Tờ trình để tránh sự trùng lặp.
Về đề cương chi tiết dự thảo Luật, qua nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc thêm về phạm vi điều chỉnh, đồng thời cân nhắc, tính toán thêm tên gọi của Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hay Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi), những vấn đề sửa đổi có phải là vấn đề trọng tâm, then chốt của Luật hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội thảo đã có 10 ý kiến phát biểu rất sâu sắc. Cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quốc Phương giao Hội đồng Dân tộc và Tổ Biên tập tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện Tờ trình và Đề cương chi tiết
Về cách làm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị việc tổ chức các Hội thảo tham vấn ý kiến ở cả 3 miền cần tập trung tham vấn về hoạt động giám sát của HĐND, luật hóa các nội dung giám sát của HĐND. Đồng thời đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan của Quốc hội tham dự đầy đủ, ưu tiên các bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH các địa phương và Chủ tịch HĐND các địa phương để làm sáng tỏ các nội dung.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo phân cấp, phân quyền cho các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (là các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc), các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập sao cho rõ hơn, cụ thể hơn từng việc để kịp tiến độ, trong đó cần hoàn thiện Tờ trình và Đề cương chi tiết dự thảo Luật. Cụ thể cần lưu ý hoàn thiện, rà soát các nội dung sau:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát các văn bản, các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó rà soát sự vướng mắc, bất cập cần sửa đổi...
Thứ nhất, cần rà soát các văn bản, các luật có liên quan như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó rà soát sự vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, hoặc các vấn đề cần viện dẫn trong Luật này sao cho thống nhất.
Thứ hai, cần rà soát các báo cáo để tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thành Báo cáo chung với những nội dung vừa khái quát vừa cụ thể, trong đó lưu ý phần kiến nghị cần sửa đổi.
Thứ ba, cần rà soát, có sự thống nhất, liên thông giữa Tờ trình, Báo cáo tổng kết, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, nhất là những vấn đề còn vướng mắc cần sửa đổi.
Thứ tư, cần rà soát các Nghị quyết của UBTVQH nhiệm kỳ khóa XIV và nhiệm kỳ khóa XV, cần tách bạch các nội dung giữa cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, cái nào rõ thì cần luật hóa.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, toàn bộ các báo cáo cần có sự thống nhất với nhau về đề xuất sửa đổi, phạm vi sửa đổi. Trên tinh thần bám sát quan điểm đầu tiên là sửa đổi, bổ sung một số điều, khoanh gọn trọng tâm, trọng điểm để đáp ứng được yêu cầu này, cố gắng đảm bảo yêu cầu của UBTVQH.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Đề cương chi tiết Luật.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy góp ý vào dự thảo Tờ trình
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đồng tình với Tờ trình cơ bản đã thể hiện đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nêu được các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh đánh giá cao Thường trực Hội đồng Dân tộc chuẩn bị tài liệu dầy đủ, thông tin phong phú, đồng thời đồng tình với ý kiến phát biểu của các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên đề nghị cần bổ sung việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Luật này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu nhận thấy, chính sách 1 chưa thực sự gắn kết, đồng bộ với các chính sách còn lại.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Xuân Hùng đề nghị cần rà soát, sắp xếp lại Tờ trình sao cho logic hơn, trong đó cần lưu ý làm rõ cơ sở thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện để giúp cho HĐND ở địa phương dễ dàng trong quá trình thực hiện giám sát.
Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy, việc chuẩn bị Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Thường trực Hội đồng Dân tộc chuẩn bị rất trách nhiệm và chu đáo.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Thị Thu Hương tham gia góp ý tại Hội thảo./.