PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND CẦN BÁM SÁT VÀO CÁC CHỦ TRƯƠNG LỚN CỦA ĐẢNG

29/02/2024

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND diễn ra sáng 29/2 tại Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát toàn bộ bố cục và nội dung dự thảo Tờ trình, trong đó cần bám sát vào các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 27-NQ/TW, từ đó xác định trọng tâm của việc sửa đổi Luật lần này. Đồng thời khẳng định, hoạt động giám sát phải trở thành khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội.

LẤY Ý KIẾN VỀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Toàn cảnh Hội thảo

Sáng 29/2 tại Hòa Bình, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, Hội thảo đã có 10 ý kiến tham gia phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, với nhiều mong muốn về đổi mới và đột phá trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đề nghị Ban Chỉ đạo nghiên cứu cụ thể ý kiến của từng chuyên gia để có báo cáo tổng hợp. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau 4 Hội thảo, sẽ tổ chức phiên họp của Ban Chỉ đạo để tiếp thu cụ thể những vấn đề cần phải sửa đổi (về tên gọi luật; về các vấn đề của Tờ trình và Đề cương chi tiết Luật).

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, đây là nhiệm vụ lập pháp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mà giao cho cơ quan của Quốc hội chủ trì lập đề nghị soạn thảo (Hội đồng Dân tộc) và giao cho Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra. Qua Hội thảo, các ý kiến đánh giá cao Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tuy nhiên nhiều vấn đề còn “ngổn ngang”, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý Hội đồng Dân tộc và Ban Chỉ đạo tuyệt đối không được chủ quan. Đồng thời mong muốn sau Hội thảo này, hai Hội thảo được tổ chức ở Huế và ở TPHCM phải đạt được kết quả tương đương hoặc tốt hơn.

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận Hội thảo

Về nội dung của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là một luật hình thức nhưng rất khó vì phạm vi rộng, tác động lớn. Cùng với với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (trong đó có HĐND), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan dân cử.  

Vì vậy, trong dự thảo Tờ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ bố cục và nội dung dự thảo Tờ trình, trong đó bám sát vào các chủ trương lớn của Đảng đó là: Hoạt động giám sát phải trở thành khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, giám sát là để kiến tạo, giám sát là truy đến cùng nhưng cũng phải kiến tạo đến cùng… Với những phản ứng chính sách linh hoạt, cùng với cơ quan hành pháp, tư pháp, các cơ quan quyền lực Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Do đó, cần rà soát toàn bộ cơ sở chính trị để củng cố vững chắc cơ sở chính trị, trong đó cần bám sát vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 27-NQ/TW để xác định trọng tâm của lần sửa đổi này là gì. Đồng thời cần đưa ra các phương án để Ban Chỉ đạo lựa chọn.

“Gắn lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng thì cần quy định cái gì, chất vấn quy định cái gì, giải trình quy định cái gì (giải trình bao hàm cơ quan tổ chức giải trình và đối tượng phải giải trình), phải bám sát quan điểm của Đảng là nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quyền lực”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu hết sức chặt chẽ để quy định các nội dung này.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trọng tâm của việc sửa đổi Luật lần này là giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; xem xét kết luận kiến nghị sau giám sát; lấy phiếu tín nhiệm… Trên cơ sở rà soát các Nghị quyết của UBTVQH, cần lựa chọn cái gì luật hóa được theo tinh thần “vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, tạo sự đồng thuận cao”. Đáng lưu ý, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cần được rà soát và phân loại, các cơ sở này phải được thể hiện vững chắc, có tính thuyết phục cao.

Về mục đích và quan điểm xây dựng Luật, cho biết Tờ trình nêu 2 mục đích và 3 quan điểm, nhiều đại biểu góp ý bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc đề nghị nghiên cứu vấn đề này để nêu mục đích và quan điểm cho rõ ràng, sửa để thực hiện chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực.

Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, qua hai Hội thảo và ý kiến của các đại biểu và chuyên gia, phạm vi điều chỉnh còn dàn trải, đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ vấn đề này, tập trung vào sửa cái gì và giải trình sao cho thuyết phục.

Đối với các nhóm chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nhóm chính sách còn chung chung, đề nghị nên đánh giá tác động theo từng chính sách cụ thể và lựa chọn chính sách đủ chín, đủ rõ, tạo sự đồng thuận, thực tiễn kiểm nghiệm đúng để lựa chọn đưa vào nội dung chính sách và đánh giá tác động kỹ cả ưu điểm và hạn chế của từng chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát toàn bộ bố cục và nội dung dự thảo Tờ trình, trong đó cần bám sát vào các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 27-NQ/TW, từ đó xác định trọng tâm của việc sửa đổi Luật lần này. 

Về Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, có hai báo cáo quan trọng là Báo cáo tổng kết Đề án hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng như Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Báo cáo tổng kết cần tổng hợp, đánh giá phần giám sát của HĐND một cách khoa học, ngắn gọn, đầy đủ, bao quát, cụ thể.

Về Đề cương chi tiết Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát, tính toán cho hợp lý, việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có phù hợp với tên gọi của Luật, phù hợp với mục đích, phù hợp với phạm vi sửa đổi hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả chuẩn bị, nếu tốt thì đề nghị Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5/2024), thông qua vào Kỳ họp thứ 8. Nếu chưa rõ, “chưa chín” thì tiếp tục hoàn thiện và cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8, thông qua vào Kỳ họp thứ 9. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo phát huy tinh thần mà UBTVQH đã yêu cầu: phải mẫu mực cả về tinh thần, trách nhiệm, mẫu mực cả về nội dung, mẫu mực về cách làm và phương thức thực hiện.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Hội thảo

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát cho phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, cụ thể đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nhấn mạnh đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi các hoạt động của quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, từ nay đến trung tuần tháng 3, Hội đồng Dân tộc sẽ tiếp tục tổ chức 02 Hội thảo tại các khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

Nội dung Hội thảo này tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong Luật Hoạt động giám sát, như: xây dựng chương trình giám sát, giám sát thông qua xem xét báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…

Tiếp đó, các đại biểu nghe Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Đề cương chi tiết Luật. Sau đó, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các nội dung nêu trên.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, hoạt động giám sát phải trở thành khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, giám sát là để kiến tạo, giám sát là truy đến cùng nhưng cũng phải kiến tạo đến cùng…

Quang cảnh Hội thảo

Đối với các nhóm chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nhóm chính sách còn chung chung, đề nghị nên đánh giá tác động theo từng chính sách cụ thể và lựa chọn chính sách đủ chín, đủ rõ, tạo sự đồng thuận, thực tiễn kiểm nghiệm đúng để lựa chọn đưa vào nội dung chính sách và đánh giá tác động kỹ cả ưu điểm và hạn chế của từng chính sách.

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Cao Thị Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự thảo Đề cương chi tiết Luật.

Chủ tọa chủ trì Hội thảo

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tham dự Hội thảo

Đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác