CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, VƯỢT TRỘI ĐỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH
Toàn cảnh phiên họp.
Chiều 07/3 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp nhằm cho ý kiến về tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp.
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phiên họp, cùng các đồng chí Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Dự phiên họp có Thượng tướng Phạm Hoài Nam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện Ban soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành có liên quan.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Phiên họp.
Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, ngày 21/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc, nghe Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp báo cáo về kết quả nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6, chuẩn bị nội dung để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 31.
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo dự án Luật, các cơ quan hữu quan liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 81 điều (đã bổ sung mới 20 điều, bỏ 12 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng, hiện dự thảo Luật còn 08 nội dung lớn cần tiếp thu, chỉnh lý. Cụ thể:
Một là dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định nhiều chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, có những nội dung khác quy định của pháp luật liên quan, vì vậy đề nghị nghiên cứu bổ sung 01 điều quy định về áp dụng pháp luật.
Hai là về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt và giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt. Có ý kiến đề nghị làm rõ và quy định cụ thể, thống nhất hơn về trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ và đặt hàng sản xuất quốc phòng an ninh; quy định tách bạch việc đặt hàng sản xuất quốc phòng và đặt hàng sản xuất an ninh để có cơ chế đặc thù cho phù hợp.
Ba là về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh: việc rà soát các quy định về nguồn vốn cho công nghiệp quốc phòng, an ninh để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước; đề nghị hình thành một Quỹ riêng biệt để tập trung huy động nguồn lực cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an dự phiên họp.
Bốn là về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng: Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thể chế hoá, cụ thể hơn chính sách về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng; vấn đề quy định các chính sách theo hướng tăng cường thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh; về quyền và nghĩa vụ của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt thực hiện sản xuất sản phẩm lưỡng dụng.
Năm là việc bổ sung quy định về “Tổ hợp công nghiệp quốc phòng” để thể chế đầy đủ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Sáu là về chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp: việc đảm bảo mở rộng đối tượng tham gia, nhất là đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có nền tảng khoa học, kỹ thuật; đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ với công nghiệp quốc phòng nòng cốt; chuẩn bị động viên công nghiệp cơ bản phải được tiến hành trong thời bình và trong suốt quá trình động viên…
Bảy là về chế độ, chính sách trong công nghiệp quốc phòng, an ninh: Việc quy định cụ thể hơn các chính sách đặc thù đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh trong đầu tư, trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh.
Tám là về hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm góp ý về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; cho rằng, dự thảo Luật đã đã nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, bám sát Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, cũng như qua kết quả khảo sát, tọa đàm, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến ĐBQH; đồng thời, giải trình các ý kiến bảo đảm đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Các đại biểu đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục nghiên cứu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 với chất lượng cao nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo ngay sau phiên làm họp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Thường trực Ủy ban cần phải tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, tiếp thu và chỉnh lý; đưa ra lý do một cách thuyết phục để báo cáo với Quốc hội; với các nhóm chính sách, nếu chưa bổ sung được trong hồ sơ thì cần phải được cụ thể và có báo cáo đánh giá tác động, mặt nào tích cực, mặt nào tiêu cực và có phương hướng xử lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục rà soát, bổ sung các vấn đề trong dự thảo Luật, trước khi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó nhưng không phải không làm được nếu như công tác chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, đồng thời đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao nhất trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 31 tới đây./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đại diện Ban soạn thảo và các Bộ, ngành dự phiên họp.
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng báo cáo tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đai diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Thay mặt Ban soạn thảo, Trung tướng Vũ Văn Sỹ - Cục trưởng Cục Quân lực tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng phát biểu bế mạc phiên họp.