1. Vấn đề việc làm chưa có luật riêng điều chỉnh
Việc làm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng của mỗi cá nhân cũng như của từng quốc gia. Đối với cá nhân, có việc làm sẽ tạo điều kiện và cơ hội để họ có thu nhập bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, đồng thời đóng góp một phần cho xã hội. Mặt khác, khi người lao động có việc làm sẽ góp phần phòng, chống, hạn chế các tiêu cực xã hội. Đối với quốc gia, giải quyết tốt vấn đề việc làm là một động lực để phát triển đất nước và tạo điều kiện, cơ sở đảm bảo giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội khác như phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội...
Do ý nghĩa và tầm quan trọng của việc làm như vậy, nên các quốc gia thường coi trọng việc giải quyết vấn đề việc làm, hạn chế thất nghiệp - một trong những nhân tố làm trầm trọng hơn nạn nghèo đói, tình trạng không ổn định xã hội và là một trong những mối đe dọa đối với an ninh kinh tế, sự ổn định xã hội của mỗi quốc gia, dễ dẫn đến những bất ổn về chính trị.
Trên phương diện quốc tế, quyền làm việc là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948[1], Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966[2]. Các quyền này tiếp tục được cụ thể và khẳng định trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế[3]. Cho đến nay nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành luật riêng liên quan đến vấn đề việc làm như Luật nền tảng về Chính sách việc làm của Hàn Quốc năm 1993, Luật Việc làm cho cư dân của Nga năm 1996, Luật Việc làm của Malaysia năm 1955; Luật Thúc đẩy việc làm của Trung Quốc năm 2007...
Ở Việt Nam, ngay từ khi nước ta mới giành được độc lập, vấn đề việc làm đã được Nhà nước coi trọng và được đề cập tới trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cụ thể như Nghị định số 01 ngày 1/10/1945 quy định các điều kiện đảm bảo việc làm, bênh vực quyền lợi của người lao động, quy định thời hạn báo trước khi muốn thải hồi công nhân; Sắc lệnh số 64/SL ngày 5/8/1946 về thành lập hệ thống cơ quan lao động trong cả nước với chức năng bảo đảm việc làm và bênh vực quyền lợi cho người lao động; Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947; Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950; Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/5/1950... Nhìn chung, các quy định về vấn đề việc làm trong giai đoạn này tuy được đề cập ở nhiều văn bản, nhưng chủ yếu là các văn bản dưới luật. Đến năm 1994, lần đầu tiên vấn đề việc làm được đề cập tới trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Bộ luật Lao động (BLLĐ) với 7 điều trong Chương II. Tuy nhiên, những quy định này chủ yếu mang tính nguyên tắc và chưa thể điều chỉnh toàn diện vấn đề việc làm (năm 2012 Quốc hội thông qua BLLĐ sửa đổi nhưng quy định về việc làm cũng không thay đổi nhiều so với BLLĐ năm 1994).
Mặt khác, chính sách việc làm luôn được coi là chính sách quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển có lực lượng lao động lớn. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh vấn đề việc làm, mặc dù vấn đề việc làm ở nước ta liên quan đến khoảng 52,58 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 59,22% dân số)[4]. Trong khi đó, một số vấn đề như dạy nghề, người lao động đi làm việc ở nước ngoài... đã có luật điều chỉnh riêng.
2. Nhu cầu về việc làm của người lao động phát sinh hàng năm đã tạo áp lực đối với Nhà nước và xã hội
Nước ta có tỷ lệ tăng dân số cao, cơ cấu dân số thuộc loại dân số trẻ và quy mô dân số tương đối lớn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2012, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,58 triệu người, trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46,95 triệu người. Hàng năm có khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động cần có việc làm. Số lao động này cùng với số lao động thất nghiệp của các năm trước sẽ trở thành lực lượng thất nghiệp rất lớn và trở thành gánh nặng cho các gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động ở khu vực thành thị năm 2006 là là 5,1%, năm 2007 là 4,91%, năm 2010 là 4,43%, năm 2011 là 3,6%, năm 2012 là 3,25%. Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn năm 2006 là 5,86%, năm 2007 là 5,79%, năm 2010 là 5,47%, năm 2011 là 3,56%, năm 2012 là 3,35%. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm cao hiện nay vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, chính sách về việc làm cho thanh niên, cho người thất nghiệp... mới bước đầu dừng lại ở các Quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ trong những giai đoạn nhất định, nên chưa thể tạo ra bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động. Điều này khiến việc triển khai tạo việc làm cho người lao động thường không liên tục, chưa đóng góp lớn cho sự phát triển. Vì vậy cần thiết phải có hành lang pháp lý để tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là số thanh niên mới bước vào tuổi lao động và số lao động đã thất nghiệp trước đó.
3. Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Nhìn chung, trên thị trường lao động (TTLĐ) hiện nay, cung lao động vẫn lớn hơn cầu lao động, sức ép về việc làm tương đối lớn, lực lượng lao động lại phân bố không đều ở các vùng, miền. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như đô thị hóa khiến diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi dân số ngày càng phát triển sẽ dẫn đến dư thừa một số lượng lớn lao động trong thời gian tới. Đây là một thách thức lớn đối với việc giải quyết việc làm ở Việt Nam trong thời gian tới. Giải quyết ổn thoả vấn đề này sẽ huy động được nguồn nhân lực to lớn cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngược lại, khi không đáp ứng được, một số lượng lớn người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp sẽ trở thành gánh nặng, cản trở đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bên cạnh đó, việc làm còn gắn liền với vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nền kinh tế hiện đại gắn liền với công nghệ, kỹ thuật cao sẽ làm giảm số lượng lao động phổ thông, đồng thời gia tăng số lao động có tay nghề, kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao. Tương ứng với điều này cần có nguồn lao động chất lượng cao. Hiện nay, chúng ta vẫn phải thuê lao động là người nước ngoài làm những công việc có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Do đó, cùng với xu hướng tạo ra nhiều việc làm nhằm giải quyết yêu cầu về mặt số lượng việc làm, thì đồng thời, cần đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng của việc làm và chất lượng lao động. Phát triển kinh tế theo hướng hiện đại đòi hỏi phải phát triển đào tạo, dạy nghề để bảo đảm có nguồn nhân lực tương ứng. Điều này nhằm phát huy được nguồn nhân lực, tăng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp.
4. Quy định về việc làm hiện hành còn nhiều tồn tại[5]
Dưới tác động của quá trình hội nhập quốc tế, cùng với sự hình thành và phát triển TTLĐ trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ việc làm ngày càng phát triển về số lượng, phong phú và đa dạng về hình thức nên quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về việc làm bên cạnh những mặt tích cực, đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ngoài ra, còn có một số vấn đề mới trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quan hệ việc làm phát sinh cần được điều chỉnh. Điều này có thể thấy ở những điểm sau:
Thứ nhất, các VBQPPL về việc làm được quy định ở nhiều văn bản khác nhau như BLLĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Luật Người khuyết tật và các Nghị định, Thông tư. Điều này khiến hệ thống pháp luật về việc làm hiện nay còn tản mạn, thiếu thống nhất, dễ xảy ra xung đột pháp luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng luật.
Bên cạnh đó, mặc dù vấn đề việc làm đã được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao (trực tiếp trong Chương II BLLĐ) nhưng không chi tiết để có thể áp dụng chúng một cách trực tiếp, độc lập. Hầu hết quy định về vấn đề việc làm lại được thể hiện trong các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành... nên tính pháp lý chưa cao, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thứ hai, hệ thống VBQPPL về việc làm hiện nay (BLLĐ) chủ yếu điều chỉnh quan hệ việc làm của những người lao động có quan hệ lao động, còn số người không có quan hệ lao động hiện Nhà nước chưa quản lý, chưa có các chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội (lao động làm công ăn lương chiếm khoảng 34,6% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế không có quan hệ lao động[6] chiếm 65,4% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế). Nhóm những người lao động không có quan hệ lao động là nhóm dễ gặp rủi ro vì công việc và thu nhập mang tính ổn định không cao, dễ bị mất việc làm.
Thứ ba, chính sách pháp luật về việc làm chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành một số chính sách như chính sách chung về việc làm, chính sách hỗ trợ để tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Nhà nước đã có một số chính sách riêng về việc làm cho nhóm đối tượng đặc thù như lao động nữ, lao động là người khuyết tật. Những chính sách này đã tạo ra sự bình đẳng cho lao động nữ, lao động là người khuyết tật tham gia TTLĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong tìm việc làm và tự tạo việc làm nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Các chính sách về việc làm được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội của cả nước, đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực trên, hiện nay pháp luật mới chỉ đề cập chủ yếu đến mục tiêu số lượng việc làm được tạo ra, chưa chú ý đúng mức tới mặt chất lượng việc làm, giá trị lao động của việc làm còn thấp. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm khá lớn, song đa số làm việc trong khu vực nông nghiệp hoặc khu vực phi chính thức với trình độ tay nghề thấp, năng suất lao động thấp và hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài đối tượng lao động nữ, lao động là người khuyết tật, Nhà nước chưa có chính sách riêng về việc làm cho các nhóm đối tượng đặc thù như lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên, người sau cai nghiện, mãn hạn tù, lao động phi chính thức.... Thêm nữa, pháp luật chưa có quy định về việc bảo đảm việc làm, bình đẳng về việc làm đối với các đối tượng đặc thù này. Hiện nay, Nhà nước còn thiếu chính sách việc làm theo ngành, vùng kinh tế nên dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm.
Thứ tư, việc quản lý lao động chưa đáp ứng yêu cầu
Hiện tại Việt Nam chưa có một khung pháp lý thống nhất về vấn đề quản lý lao động. Các quy định pháp luật hiện hành mới chỉ quản lý được số lao động có quan hệ lao động (bao gồm lao động làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam; lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), mới nắm được sự dịch chuyển lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch chuyển lao động từ trong nước ra nước ngoài.
Thực tế, nếu theo quy định của BLLĐ thì chỉ quản lý được một phần lực lượng lao động trong nhóm đối tượng có giao kết hợp đồng lao động mà chưa quản lý được toàn bộ lực lượng lao động (hiện nay chưa quản lý được số lao động không có quan hệ lao động, lao động tự làm, lao động nông thôn, lao động trong khu vực phi chính thức, lao động di chuyển...).
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển hiện nay, đặc biệt là với tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng, lao động khu vực phi chính thức ngày càng nhiều thì vấn đề quản lý toàn bộ lực lượng lao động, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm cho các đối tượng lao động khác nhau là hết sức cấp thiết. Vì vậy, cần phải có các quy định quản lý toàn bộ lực lượng lao động nhằm có những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người lao động thuộc mọi nhóm đối tượng lao động, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách điều tiết TTLĐ, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.
Thứ năm, chính sách phát triển TTLĐ chưa hoàn thiện
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các quy định về chính sách hỗ trợ phát triển TTLĐ trong nước và ngoài nước, chính sách về chế độ thu thập, báo cáo các chỉ tiêu thông tin thị trường lao động. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, góp phần thúc đẩy kết nối cung cầu lao động, phát triển TTLĐ trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ phát triển TTLĐ trong nước cũng được triển khai như đầu tư nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm, thúc đẩy hoạt động giao dịch việc làm, tổ chức điều tra thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về TTLĐ đã góp phần kết nối cung cầu lao động, cung cấp các thông tin về TTLĐ như cung, cầu lao động.... Ngoài ra, việc xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động đã đáp ứng một phần nhu cầu của các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách cũng như người lao động và người sử dụng lao động. Thông tin thị trường lao động ngày càng được phổ biến rộng rãi qua nhiều hình thức giao dịch việc làm phong phú như sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, tháng việc làm, điểm hẹn việc làm ....
Tuy nhiên, hiện nay các quy định về TTLĐ cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa có quy định để hình thành một hệ thống thông tin thị trường lao động được kết nối đồng bộ để có thể bao quát được cung cầu lao động; chưa có các định nghĩa thống nhất về các yếu tố cấu thành TTLĐ cũng như bộ chỉ tiêu hệ thống thông tin TTLĐ phục vụ cho việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin cho các đối tượng có nhu cầu; thông tin thị trường lao động chưa mang tính hệ thống, bị chia cắt giữa các tỉnh, vùng, đơn vị, khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin còn nhiều hạn chế; chưa điều chỉnh được các vấn đề như xây dựng, khai thác và quản lý thông tin TTLĐ, hoạt động giao dịch việc làm trên mạng thông tin, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia TTLĐ, quyền và nghĩa vụ của các bên trước khi giao kết hợp đồng lao động... Bên cạnh đó, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì vấn đề TTLĐ Việt Nam sẽ phần nào bị tác động bởi TTLĐ quốc tế. Điều này đặt ra nhu cầu cần có quy định về TTLĐ để đảm bảo sự công bằng, minh bạch, giảm bớt trở ngại cho người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia TTLĐ.
Thứ sáu, hoạt động dịch vụ việc làm còn nhiều bất cập
TTLĐ là nơi cung và cầu lao động tác động qua lại với nhau, nói một cách đơn giản khi việc làm được tạo ra, người lao động sẵn sàng làm việc thì cần một nơi để diễn ra hoạt động kết nối giữa việc làm và người lao động - đó là TTLĐ. Hệ thống dịch vụ việc làm có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển TTLĐ. Hệ thống dịch vụ việc làm được coi là khâu trung gian kết nối giữa cung và cầu lao động. Người lao động muốn được kết nối với việc làm và người sử dụng lao động muốn được kết nối với người lao động cần thông qua hệ thống dịch vụ việc làm[7]. Hiện nay, các trung tâm giới thiệu việc làm đang thực hiện các hoạt động giới thiệu việc làm, tư vấn, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, thông tin TTLĐ. Tuy nhiên, theo quy định về cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, việc triển khai các hoạt động của trung tâm giới thiệu việc làm còn nhiều bất cập. Đa phần các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chưa được địa phương quan tâm đầu tư thích đáng, nguồn tài chính chủ yếu vẫn do trung ương đầu tư, trong khi đó, Trung ương chỉ quản lý về chuyên môn, địa phương quản lý về nhân lực, tài chính. Điều này tất yếu dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức, hoạt động của các trung tâm giới thiệu làm, làm ảnh hưởng tới tính thống nhất của hệ thống thông tin TTLĐ, đặc biệt chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.
Thứ bảy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thể hiện là một chính sách bảo đảm việc làm toàn diện cho người lao động
Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Kể từ khi có hiệu lực, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành.
Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã có những quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm (hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài…), bảo đảm việc làm cho người lao động như việc làm linh hoạt, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng vào chỗ làm việc mới trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế (hỗ trợ đột xuất), hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài... Các quy định này đã góp phần tạo và ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết những khó khăn cho người lao động không may gặp khó khăn khi đang làm việc, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp (người lao động khi hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ngoài việc được hưởng một khoản tiền trợ cấp để bù đắp một phần thu nhập do bị mất việc làm và hưởng chế độ bảo hiểm y tế, còn được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề để họ nâng cao trình độ, khả năng của bản thân, tạo sự chủ động trong việc tự tạo cơ hội quay trở lại TTLĐ). Bên cạnh đó, công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đồng bộ, kịp thời đã góp phần hỗ trợ người lao động và gia đình vượt qua khó khăn, có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ người lao động sau khi họ bị mất việc làm, tức chỉ đi sau trong giải quyết hậu quả của việc mất việc làm. Hiện chưa có chính sách cụ thể nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động. Trước tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế cùng với những đợt khủng khoảng kinh tế liên tiếp diễn ra trên quy mô khu vực, quốc tế, quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề việc làm của người lao động ở những nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, quy định về phương hướng và chính sách nhằm ngăn ngừa và khắc phục những tiêu cực trên tác động đến vấn đề việc làm của người lao động chưa được thể hiện ở tầm văn bản có hiệu lực pháp lý cao.
Với những lý do cơ bản trên, việc xây dựng và ban hành Luật Việc làm là hết sức cần thiết. Một mặt, vừa nhằm khắc phục những tồn tại, mặt khác, còn nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc những quan hệ xã hội đang được pháp luật hiện hành điều chỉnh nhưng chưa toàn diện và chưa đáp ứng được các yêu cầu của nền kinh tế thị trường và trước xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra hết sức sâu rộng. Do đó, Luật Việc làm cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh trong Luật Việc làm.
Ngoài quan hệ việc làm của những người lao động có quan hệ lao động, cần mở rộng, có chính sách bảo vệ, hỗ trợ việc làm đối với lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (lao động tự làm, lao động không có giao kết hợp đồng lao động), lao động đặc thù.
Riêng với đối tượng lao động đặc thù là lao động tự làm cho bản thân, đây là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số lao động có việc làm và cũng là đối tượng chịu nhiều rủi ro so với đối tượng lao động có việc làm có tham gia quan hệ lao động, nên cần có quy định về tạo điều kiện vay vốn tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, mở rộng các loại hình bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế),… để họ có thể tham gia được.
Đối với đối tượng là các lao động đặc thù khác cần khẳng định lại quyền lợi, nguyên tắc bình đẳng của họ trong việc làm cũng như trách nhiệm của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong tạo việc làm. Cần có quy định hỗ trợ việc làm cho lao động đặc thù như: lao động làm việc trong các ngành, nghề thủ công truyền thống; lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi, lao động nữ, lao động thanh niên; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; lao động tự làm. Khi quy định theo hướng này, nội dung chi tiết quy định cho từng đối tượng đặc thù nếu được quy định trong luật sẽ gặp khó khăn trong việc sửa đổi các quy định này khi các điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi và với mỗi giai đoạn khác nhau, Nhà nước sẽ có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau. Để khắc phục nhược điểm này, trong luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, còn nội dung cụ thể sẽ được quy định trong văn bản dưới luật.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về việc làm
Pháp luật về việc làm cần có quy định cụ thể về chính sách phát triển việc làm chung của Nhà nước, trong đó Nhà nước không chỉ có trách nhiệm tạo việc làm mà phải có trách nhiệm định hướng phát triển việc làm, hướng tới thúc đẩy và bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động cũng như có quy định về các giải pháp cụ thể. Bổ sung các quy định pháp luật hiện hành theo quan điểm bình đẳng, nâng cao cơ hội việc làm và bảo vệ quyền làm việc của lao động đặc thù, có chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng này cũng như bổ sung quy định về chính sách phát triển việc làm theo ngành, vùng kinh tế, khắc phục sự mất cân đối về cơ hội việc làm giữa thành thị, nông thôn.
Thứ ba, Luật Việc làm cần có quy định để quản lý được toàn bộ lực lượng lao động
Quy định về quản lý toàn bộ lực lượng lao động cần đặt được mục tiêu là nhằm nắm chắc về số lượng, chất lượng lao động, sự di chuyển, biến động của lao động, tình trạng lao động việc làm theo ngành nghề, để đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý, hỗ trợ tốt cho người lao động cũng như làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách điều tiết TTLĐ, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.
Thứ tư, cần có quy định hoàn thiện chính sách phát triển TTLĐ
Hội nhập quốc tế tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất kinh doanh được mở rộng, thúc đẩy xuất khẩu tạo ra nhiều việc làm. Ngoài ra, hội nhập cũng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như sự chuyển dịch lớn về lao động giữa các vùng miền. Điều này đòi hỏi cần điều chỉnh các chính sách cũng như cần tổ chức thực hiện tốt các hoạt động (như hoạt động thông tin TTLĐ, tư vấn, giới thiệu việc làm, hội chợ việc làm, các sàn giao dịch việc làm...) để tạo điều kiện cho TTLĐ phát triển. Ngoài ra, cũng cần tập trung các biện pháp để quản lý, định hướng và tạo điều kiện cho TTLĐ phát triển minh bạch, linh hoạt, liên thông tạo điều kiện để người lao động thuận lợi trong việc tìm việc làm phù hợp với thời gian nhanh nhất và người sử dụng lao động tìm được người lao động phù hợp, đáp ứng nhu cầu của sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện được yêu cầu trên, pháp luật về việc làm cần có quy định cụ thể về chính sách phát triển TTLĐ, chính sách hỗ trợ phát triển TTLĐ trong và ngoài nước. Bổ sung các quy định về các chỉ tiêu của hệ thống thông tin TTLĐ, quy định về xây dựng, khai thác, sử dụng, phổ biến, quản lý hệ thống thông tin TTLĐ, dự báo TTLĐ… nhằm xây dựng hệ thống thông tin TTLĐ có khả năng lưu trữ, quản lý, phân tích và cung cấp thông tin TTLĐ, chất lượng thông tin đáp ứng nhu cầu của người sử dụng tin. Trung tâm tích hợp dữ liệu TTLĐ sẽ là đầu mối tập trung toàn bộ các nội dung thông tin và dịch vụ thông tin thuộc lĩnh vực lao động việc làm. Ngoài ra, cũng cần bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thu thập, cung cấp, khai thác, phân tích, xử lý và phổ biến thông tin TTLĐ cũng như vấn đề bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin. Đây là những quy định nhằm đáp ứng yêu cầu về chính sách phát triển TTLĐ đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI “Tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường.… Phát triển TTLĐ, khuyến khích các hình thức giao dịch việc làm”.
Thứ năm, quy định về thành lập hệ thống dịch vụ việc làm cần được tổ chức thống nhất, quản lý từ trung ương đến địa phương
Quy định này đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả hoạt động của hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm cũng như phân bổ, sử dụng tập trung các nguồn lực đồng thời đảm bảo chất lượng thông tin TTLĐ, đảm bảo vai trò là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, quy định này còn nhằm thực hiện nhiệm vụ đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước; khuyến khích tổ chức các hội chợ việc làm; phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, giới thiệu việc làm đi đôi với tăng cường quản lý của Nhà nước; ngăn chặn các hành vi lừa đảo và các hiện tượng tiêu cực khác”. Điều này cũng phù hợp với các công ước về hoạt động dịch vụ việc làm và phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện đã là thành viên của Hiệp hội Dịch vụ việc làm công thế giới từ tháng 7 năm 2011.
Thứ sáu, cần có quy định về chính sách bảo hiểm việc làm
Để khắc phục một số hạn chế về chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành cũng như hạn chế tác động tiêu cực của những đợt khủng khoảng kinh tế liên tiếp diễn ra trên phạm vi toàn cầu đã tác động không nhỏ đến vấn đề việc làm ở những nước đang phát triển, trong đó có nước ta, cần xây dựng và ban hành chính sách bảo hiểm việc làm (trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành thì sẽ mở rộng thêm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, giải thể, giảm nhân công… nhằm ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và duy trì việc làm cho người lao động).
Thực chất, chính sách bảo hiểm việc làm là chính sách của TTLĐ[8] nhằm mục đích ngoài việc hỗ trợ thu nhập cho người lao động, giúp họ sớm quay lại TTLĐ (như người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, phát triển kỹ năng nghề,…) còn nhằm hạn chế, phòng ngừa việc người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, đảm bảo cho họ duy trì được việc làm ổn định. Khi chính sách bảo hiểm việc làm được thực hiện, người sử dụng lao động đáp ứng những điều kiện nhất định sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, được hỗ trợ lãi suất tiền vay để thanh toán các chế độ cho người lao động. Điều này sẽ góp phần hạn chế việc sa thải người lao động, đồng thời giúp người sử dụng lao động phần nào vượt qua được khủng khoảng, có điều kiện cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, tiếp tục duy trì được việc làm cho người lao động hay mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động./.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Khoản 1 Điều 23 của Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người quy định: “Mọi người đều có quyền làm việc, tự do chọn nghề, được có những điều kiện làm việc thuận lợi, chính đáng và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp”.
[2] Điều 6 của Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá quy định: “1.Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này. 2. Các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện đảm bảo các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân”.
[3] Công ước số 100 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ cho một công việc ngang nhau, 1951; Công ước số 111 về Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, 1958; Công ước 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người lao động có khuyết tật, 1959; Công ước 122 về Chính sách việc làm, 1964; Công ước 88 về Dịch vụ việc làm, 1948; Công ước 181 về Tổ chức việc làm tư nhân, 1997; Công ước 102 về Quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội, 1952; Công ước 168 về Xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp, 1988.
[4] Thông cáo báo chí về số liệu thống kê kinh tế, xã hội năm 2012 của Tổng cục Thống kê
[5] Cục Việc làm (2009), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Luật Việc làm; Cục Việc làm (2013), Hồ sơ Dự án Luật Việc làm trình Quốc hội.
[6] Báo cáo Kết quả điều tra lao động – việc làm năm 2011 của Tổng cục Thống kê
[7] Xét ở khía cạnh rộng hơn, còn có những cách thức khác để kết nối giữa cung và cầu lao động
[8] Đây là một trong sáu thị trường được nêu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI ( thị trường hàng hoá, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, TTLĐ, thị trường khoa học và công nghệ).