Chức năng giám sát của nghị viện châu Âu: Thực thi quyền kiểm soát dân chủ đối với hành pháp

03/09/2013

Một trong những chức năng căn bản của Nghị viện châu Âu (EP) là tạo ra động lực chính trị. EP trước hết là diễn đàn dân chủ cấp cao của châu Âu, nơi những đại diện của toàn thể công dân EU hóa giải các vấn đề nhạy cảm chính trị và quốc gia.

EU thường kêu gọi việc sửa đổi, phát triển thêm hoặc thay thế các chính sách cũ bằng những chính sách mới phù hợp hơn. EP tham gia soạn thảo các Hiệp ước của Liên minh. Từ năm 1984 đến nay, EP trở thành nhân tố thúc đẩy chính để đưa các nước thành viên cùng thực hiện và bảo đảm các giá trị chung của Liên minh. Bên cạnh đó, EP còn có chức năng là cơ quan thực thi quyền kiểm soát dân chủ đối với các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động của Ủy ban châu Âu. EP có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, giải tán toàn bộ Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ có hiệu lực nếu được thông qua với ít nhất 2/3 số phiếu. Ngoài ra, Nghị viện cũng cho ý kiến và bỏ phiếu thông qua chương trình lập pháp (dự kiến) hàng năm của Ủy ban châu Âu sau khi đã thỏa thuận giữa EP và Hội đồng Bộ trưởng. Ngoài ra, Hội đồng Bộ trưởng tham vấn EP trong những lĩnh vực chính liên quan đến Chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU. Hội đồng có nghĩa vụ báo cáo thường xuyên cho EP về những diễn biến của tình hình an ninh và đối ngoại. EP có thể đặt câu hỏi chất vấn và đưa ra những khuyến nghị cho Cộng đồng.

EP bắt đầu không chính thức việc thông qua chương trình lễ bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu âu từ năm 1981. Tuy nhiên, khi Hiệp ước Maastricht có hiệu lực, EP được yêu cầu chỉ định Chủ tịch và thành viên của Ủy ban. Sau đó, Hiệp ước Amsterdam tiếp tục phát huy quyền này bằng việc yêu cầu EP chính thức bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban trước khi thông qua bổ nhiệm các thành viên khác. Chủ tịch Ủy ban châu âu do Hội đồng châu âu bầu chọn, nhưng phải được EP thông qua trước khi nhậm chức. Những thành viên còn lại của Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban bổ nhiệm, nhưng phải được EP thông qua. EP có quyền thông qua việc bổ nhiệm hoặc có thể bãi miễn Chủ tịch Ủy ban với ít nhất 2/3 số phiếu của các nghị sỹ EP. Việc EP trực tiếp tham gia vào lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ làm tăng trách nhiệm của Ủy ban trước EP và quá trình bổ nhiệm được minh bạch hơn. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu có nhiệm vụ thông báo toàn bộ hoạt động của mình cho EP. Các báo cáo của Ủy ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng châu Âu và Hội đồng châu Âu có thể đem ra thảo luận tại phiên họp toàn thể Nghị viện. Chủ tịch EP quyết định báo cáo sẽ được thảo luận toàn bộ hay Nghị sỹ có thể chất vấn ngắn gọn, súc tích các đại diện của cơ quan trên trong vòng 30 phút. Khi giám sát hoạt động của các cơ quan trên, Chủ tịch Nghị viện quyết định kết thúc thảo luận bằng một nghị quyết. Ngoài các hoạt động giám sát của Nghị viện đối với các cơ quan trên, theo quy định của các hiệp ước, Nghị viện có thể giám sát hoạt động thông qua giám sát báo cáo của Tòa kiểm toán và Ngân hàng trung ương châu Âu.

Một trong những cơ quan quan trọng của Nghị viện là Thanh tra Nghị viện, được hình thành qua Hiệp ước Maastricht (1992) có trách nhiệm đại diện cho công dân châu Âu bảo vệ các quyền công dân EU trong trường hợp có sự vi phạm của các thể chế EU, tăng cường sự công khai, dân chủ trong quá trình ra quyết định và quản lý hành chính của các thể chế EU. Thanh tra Nghị viện do EP bổ nhiệm. Chức năng của Thanh tra Nghị viện là xử lý các trường hợp quản lý yếu kém của các cơ quan trực thuộc trong quản lý hành chính, lạm dụng quyền lực, có hành vi sai trái, gian lận… Theo quy định của Hiệp ước, Thanh tra Nghị viện trong khi thực thi nhiệm vụ có quyền yêu cầu các tổ chức và cơ quan hành chính có liên quan trong Liên minh cung cấp thông tin. Các cơ quan đó phải chấp hành và cung cấp các tài liệu có liên quan đến hồ sơ mà các Thanh tra đang tiến hành xem xét. Đặc biệt, các quan chức và nhân viên trong các tổ chức và cơ quan hành chính trực thuộc Liên minh, những người được yêu cầu phải có trách nhiệm ra làm chứng theo yêu cầu của Thanh tra.

Hồng Hà

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn/)