Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng của Ủy ban về các vấn đề xã hội ngày 19/10/2016

07/11/2016

QUỐC HỘI KHÓA XIV
ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 189/KL-UBVĐXH14

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

KẾT LUẬN

Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở

đối với người có công với cách mạng

          Thực hiện chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2016, sáng 19/10/2016, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tổ chức Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng.

Tham dự phiên họp giải trình có toàn thể Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội, đại diện Hội đồng dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ công an, đại diện Bộ quốc phòng, một số bộ, ngành, tổ chức có liên quan. Tham gia giải trình là Bộ trưởng Bộ xây dựng, lãnh đạo Bộ lao động - thương binh và xã hội, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính,  Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên và môi trường. Các bộ đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu của Ủy ban về các vấn đề xã hội và được gửi đến Ủy viên Ủy ban trước phiên họp giải trình. Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng mời đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Long) dự và tham gia ý kiến.

          Tại phiên họp giải trình, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nghe Bộ trưởng Bộ xây dựng Phạm Hồng Hà - với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng - báo cáo giải trình việc thực hiện trách nhiệm của Bộ trong tổ chức thi hành Nghị quyết 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng (Nghị quyết 494), Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Quyết định 22) từ năm 2013 đến 30/9/2016, bao gồm việc ban hành văn bản tổ chức thực hiện, kết quả, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

          Phiên họp giải trình diễn ra công khai, sôi nổi, tích cực, dân chủ, thẳng thắn, mang tính đối thoại, tranh luận. Có 14 đại biểu với 19 lượt đặt câu hỏi, nêu vấn đề, trao đổi lại, yêu cầu làm rõ thêm. Bộ trưởng Bộ xây dựng trả lời, giải trình 4 lượt và lãnh đạo các Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ lao động - thương binh và xã hội, Bộ tài chính, Bộ tư pháp tham gia giải trình 10 lượt về các vấn đề mà các đại biểu nêu liên quan đến trách nhiệm của từng bộ. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cung cấp thông tin về thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tại Hà Nội và việc xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác này.

          1. Đánh giá chung về kết quả thực hiện chính sách

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng   hàng đầu trong hệ thống chính sách xã hội của Nhà nước ta. Việc Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 494, trong đó quyết định “Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình” là sự tiếp nối và khẳng định sự quan tâm, ưu tiên chăm lo, bảo đảm vấn đề nhà ở đối với người có công với cách mạng. Quá trình tổ chức thực hiện chính sách đã tạo nên sự thay đổi quan trọng trong đời sống của một bộ phận người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, tạo sự phấn khởi trong Nhân dân, củng cố niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

          Ủy ban về các vấn đề xã hội đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Bộ xây dựng, Bộ lao động - thương binh và xã hội, Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tư pháp, Bộ tài nguyên và môi trường, các Bộ, ngành hữu quan khác đã đề cao trách nhiệm để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chính sách, bố trí kinh phí để hoàn thành hỗ trợ nhà ở giai đoạn 1 cho 80.000 hộ (theo số liệu tổng hợp của các địa phương gửi Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Một số tỉnh, thành phố đã chủ động ứng kinh phí hỗ trợ hoặc động viên gia đình người có công với cách mạng tự ứng kinh phí xây dựng, sửa chữa thêm 15.270 căn, một số địa phương quan tâm hỗ trợ với mức cao hơn quy định.

2. Một số khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện

- Thứ nhất, trong giai đoạn 1, tiến độ cấp kinh phí từ ngân sách trung ương cho một số địa phương chậm.

          - Thứ  hai, sau khi 63 địa phương rà soát và xây dựng Đề án để thực hiện Quyết định 22, số lượng hộ gia đình có công với cách mạng cần hỗ trợ tăng gấp 4,6 lần (tăng 279.000 hộ); dự kiến ngân sách trung ương cần tăng thêm khoảng 7.300 tỷ (gấp 4,2 lần so với dự kiến ban đầu); chưa bố trí được kinh phí để thực hiện; có tình trạng đến tháng 9/2016 vẫn còn một số địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị điều chỉnh, bổ sung danh sách hỗ trợ sau khi cấp tỉnh đã phê duyệt Đề án là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 7 Quyết định 22.

          - Thứ ba, Luật nhà ở[1] quy định việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng thực hiện theo Chương trình mục tiêu về nhà ở. Tuy nhiên, do chưa có chương trình mục tiêu về nhà ở nên có sự lúng túng, chưa thực hiện ưu tiên bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020.

- Thứ tư, một số hộ người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ xây mới nhà ở nhưng không thực hiện được do vướng mắc về thủ tục cấp phép xây dựng và thủ tục pháp lý về đất ở; một số hộ người có công với cách mạng trong danh sách hỗ trợ đã vay, tự ứng kinh phí để làm nhà hoặc sửa chữa nhà hoặc một số hộ chưa kịp thực hiện hỗ trợ thì người có công với cách mạng đã mất...

          - Thứ năm, việc xã hội hóa, huy động sự tham gia của xã hội chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở còn hạn chế. 

         3. Nguyên nhân

          - Thứ nhất, diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 mở rộng hơn so với quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng[2], chưa đảm bảo tính thống nhất của chính sách, việc đánh giá tác động và dự báo nguồn lực khi ban hành văn bản chưa bảo đảm tính khả thi.

          - Thứ hai, tiêu chí để xác định, phân loại đối tượng, phương thức hỗ trợ thiếu sự phối hợp, thống nhất quan điểm giữa các Bộ, ngành hữu quan cả trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện chính sách.

          - Thứ ba, năng lực triển khai chính sách ở địa phương còn bất cập, chất lượng của công tác rà soát, thống kê số lượng người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở tại một số địa phương không bảo đảm, quá trình triển khai chậm trễ, kéo dài.

          -  Thứ tư, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách; đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện còn hạn chế; các vướng mắc không được kịp thời hướng dẫn, xử lý.

          4. Quan điểm, chủ trương, yêu cầu trong thời gian tới

          Ủy ban về các vấn đề xã hội và Bộ trưởng Bộ xây dựng, Lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự phiên họp giải trình đều thống nhất cao về việc cần tiếp tục thực hiện chính sách này. Mặc dù ngân sách nhà nước còn khó khăn, nhưng cần xem việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trước Đảng, trước Quốc hội và cử tri cả nước, cần ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện trong thời gian xác định, phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ theo Đề án và số lượng nhà ở cần hỗ trợ mà các địa phương đã rà soát năm 2013.

          Trong quá trình thực hiện chính sách, cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Thứ nhất, bảo đảm thực hiện chính sách theo đúng tinh thần Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết 494 và Quyết định 22.

          - Thứ hai, bảo đảm việc hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng đúng đối tượng, đúng mục đích; công khai, minh bạch, tránh thất thoát; tạo đồng thuận xã hội, hạn chế khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các hành vi trục lợi.

- Thứ ba, có thứ tự ưu tiên hỗ trợ, trong đó cần tính đến việc cấp hoàn kinh phí cho những hộ được phê duyệt danh sách hỗ trợ, đã tự ứng kinh phí để xây mới hoặc cải tạo nhà ở được địa phương đồng ý.

- Thứ tư, kết hợp toàn diện, có hiệu quả nhiều nguồn lực:

+ Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để tiếp tục thực hiện chính sách;

+ Phát huy vai trò của địa phương để việc thực hiện chính sách theo đúng tinh thần “phù hợp với khả năng của Nhà nước và địa phương” theo Điều 37 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

 + “Huy động sự tham gia của xã hội, gia đình” theo tinh thần Nghị quyết 494, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách.

          - Thứ năm, bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật công trình nhà ở phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ và đặc điểm vùng, miền.

          5. Kiến nghị

          Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 59 Hiến pháp năm 2013[3]; Điều 49, Điều 65 Luật nhà ở, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết 494, từ thực tiễn giám sát và kiến nghị của cử tri, của các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương, trên cơ sở kết quả phiên họp giải trình, Ủy ban về các vấn đề xã hội tán thành sự cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và thực hiện một cách căn bản trong 2 năm (2017-2018). Để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả, với các quan điểm, chủ trương, yêu cầu nêu trên, Ủy ban về các vấn đề xã hội kiến nghị các giải pháp sau:

a) Đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội

- Xem xét, quyết định ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở (giai đoạn 2) đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng đã được rà soát, thống kê từ năm 2013 trở về trước (khoảng 7.300 tỷ đồng, cho hơn 279.000 hộ, theo báo cáo của Bộ xây dựng), bố trí trong hai năm (2017-2018) để thực hiện một cách căn bản việc hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Nghị quyết 494 và Quyết định 22.

- Các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tại địa phương.

b) Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

- Chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn,  trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, 2018 để hỗ trợ dứt điểm về nhà ở cho người có công với cách mạng (giai đoạn 2).

- Chỉ đạo, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 494 và Quyết định 22 giai đoạn 1, làm rõ các vướng mắc, bất cập, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương để có giải pháp thực hiện trong đó có huy động xã hội hóa việc thực hiện chính sách, bố trí vốn, tăng cường trách nhiệm trung ương, địa phương, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách trong giai đoạn 2.

- Chỉ đạo sớm nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu về nhà ở theo quy định của Điều 65 Luật nhà ở để thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với các hộ người có công với cách mạng được rà soát, thống kê sau năm 2013 để triển khai các giai đoạn tiếp theo.

- Chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung, chính sách hỗ trợ về nhà ở nói riêng (kể cả Quyết định 22) để kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn[4]; bảo đảm thực hiện chính sách đồng bộ, thống nhất trên cả nước.

- Đẩy mạnh việc xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và nhân rộng các mô hình xã hội hóa, gây quỹ hỗ trợ hiệu quả, đề cao trách nhiệm địa phương[5].

c) Đề nghị Bộ xây dựng và các Bộ, ngành hữu quan

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, trên cơ sở Đề án của các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt để nghiên cứu, đề xuất thứ tự ưu tiên giải quyết việc hỗ trợ nhà ở thực hiện thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với kế hoạch phân bổ kinh phí hằng năm, phù hợp với thực tiễn triển khai tại các địa phương; phát huy dân chủ ở cơ sở, chỉ đạo tháo gỡ các trường hợp vướng mắc về thủ tục; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Trong việc xác định thứ tự ưu tiên hỗ trợ, bảo đảm sự đồng bộ về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành ưu tiên đúng đối tượng, căn cứ vào hiện trạng nhà ở, đồng thời chú ý đến việc cấp hoàn kinh phí tự ứng để xây dựng, cải tạo nhà ở đã được chính quyền địa phương chấp thuận[6]; công khai, minh bạch, phát huy dân chủ ở cơ sở để tạo đồng thuận xã hội.

- Chỉ đạo nghiên cứu, hướng dẫn, điều chỉnh thiết kế nhà ở phù hợp
với đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt vùng miền[7], phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ.

- Bảo đảm tiến độ cấp vốn, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương thực
hiện tốt chính sách.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh.

- Rút kinh nghiệm trong việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khi tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm tính khả thi và sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

d) Đề nghị Bộ lao động – thương binh và xã hội hoàn tất việc thẩm định số lượng nhà ở đối với người có công với cách mạng cần hỗ trợ giai đoạn 2, có biện pháp tích cực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào việc chăm lo, nâng cao chất lượng nhà ở cho người có công với cách mạng, coi đó  là trọng tâm của hoạt động thi đua thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

6. Ủy ban về các vấn đề xã hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng theo Nghị quyết 494, Quyết định 22, các Nghị quyết có liên quan của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc thực hiện Kết luận này. Khi việc hỗ trợ giai đoạn 2 hoàn thành, thì việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng sẽ là nội dung trong giám sát thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng của Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Kết luận này được tất cả thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội biểu quyết thông qua, vào 11 giờ 25 phút ngày 19 tháng 10 năm 2016, tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban - Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng./.

 

 

TM. UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

CHỦ NHIỆM

 

         

                            Nguyễn Thúy Anh

 

 


[1] Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.

[2] Theo quy định của các điều 29, 31, 33 Pháp lệnh ưu đãi NCCVCM, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và một số đối tượng thuộc nhóm người có công giúp đỡ cách mạng không có chế độ hỗ trợ về nhà ở. Nghị quyết 494 quy định “tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng” nhưng Khoản 1, Điều 2 Quyết định 22 quy định đối tượng được hỗ trợ về nhà ở là toàn bộ 12 đối tượng người có công.

[3]Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.

[4] Tình trạng kinh phí xây mới chuyển sang sửa chữa, cải tạo nhà ở;  nhà trong đất quy hoạch, nhà trên đất không có giấy tờ hợp pháp, tranh chấp; người có công và vợ hoặc chồng đều không còn sống; nhà tự ứng kinh phí xây mới, sửa sang chưa nhận hỗ trợ đã bị hư hỏng nặng do thiên tai…

[5] Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội mới đây đã huy động được hơn 120 tỷ đống góp của doanh nghiệp cho việc này, đồng thời Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã ký cam kết hoàn thành công việc này năm 2017.

[6] Quan điểm của Bộ lao động – thương binh và xã hội “trước mắt năm 2017 tập trung ưu tiên các đối tượng gia đình có 02 liệt sĩ trở lên; người bị thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên”, còn kiến nghị của Bộ xây dựng:  “Đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí mà đã tự ứng trước để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách để hoàn trả cho các hộ gia đình này, dự kiến sẽ cấp ngay trong năm 2017 sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương”.

[7] Tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) khi xây mới nhà ở không phù hợp với đặc điểm tự nhiên và sinh hoạt ở một số vùng miền nhưng không có hướng dẫn để đảm bảo sự  phù hợ p này.

 

Tập hợp tài liệu Phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng:

1. Văn bản số 196/UBVĐXH14 ngày 25/10/2016 về "Phiên giải trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng";

2. Bộ Xây dựng: Báo cáo số 80/BC-BXD ngày 14/10/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (Phụ lục kèm theo)

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức thi hành Nghị Quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở từ năm 2013 đến 30/9/2016 (kèm theo Công văn số 8632/BKHĐT-KCHTĐT ngày 17/10/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);

4. Bộ Tài chính: Báo cáo đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức thi hành Nghị Quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của Bộ kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức thi hành Nghị Quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Các văn bản pháp luật có liên quan:

1. Nghị quyết 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng;

2. Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 Ban hành Chương trình hành động của Chính Phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020;

3. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020

3. Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

4. Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/07/2013 Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

 

(Ủy ban về các vấn đề xã hội)